Nga nói gì về việc Thụy Điển gia nhập NATO?
Nga tuyên bố, việc Thụy Điển gia nhập NATO sẽ có tác động cực kỳ tiêu cực đến an ninh ở Bắc Âu cũng như khu vực Baltic và Moscow sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả để ngăn chặn các mối đe dọa.
Ngày 28/2, truyền thông Nga dẫn tuyên bố của Đại sứ quán nước này tại Stockholm nói, Moscow sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả việc Thụy Điển gia nhập khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) để ngăn chặn các mối đe dọa.
“Nga sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa mang tính chất chính trị và quân sự- kỹ thuật nhằm ngăn chặn các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của mình. Nội dung cụ thể của các biện pháp này sẽ tùy thuộc vào các điều kiện và quy mô hội nhập của Thụy Điển vào NATO, bao gồm cả khả năng triển khai lực lượng đồn trú NATO, các hệ thống tấn công và vũ khí trên lãnh thổ nước này.”, tuyên bố cho biết.
Phái đoàn ngoại giao Nga lưu ý, việc Thụy Điển gia nhập NATO sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mức độ ổn định ở Bắc Âu.
Trước đó vào ngày 26/1, ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập NATO, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố nói, việc Thụy Điển gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương sẽ có tác động cực kỳ tiêu cực đến an ninh ở Bắc Âu và khu vực Baltic.
“Việc Thụy Điển trở thành thành viên NATO sẽ có tác động cực kỳ tiêu cực đến mức độ ổn định ở Bắc Âu và khu vực Baltic. Việc từ bỏ chính sách lâu dài về không liên kết quân sự và gia nhập hàng ngũ một khối công khai thù địch với Nga khó có làm tăng cảm giác an toàn của những người dân Thụy Điển bình thường.”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố trong cuộc họp báo, bình luận về nghị định thư được Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn về việc Thụy Điển gia nhập NATO.
Bà Zakharova cũng lưu ý, Nga sẽ tính đến các biện pháp ứng phó của mình về khả năng triển khai lực lượng NATO ở Thụy Điển sau khi nước này gia nhập liên minh.
“Chúng tôi sẽ không cho phép an ninh của mình bị suy yếu, lãnh đạo Nga đã nhiều lần tuyên bố điều này. Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp đối phó mang tính chất chính trị, quân sự- kỹ thuật để ngăn chặn các mối đe dọa đối với khả năng phòng thủ của đất nước chúng tôi. Chúng tôi sẽ xác định nội dung cụ thể của những mối đe dọa này, tùy thuộc vào các biện pháp được thực hiện trong khuôn khổ hội nhập của Thụy Điển trong NATO, bao gồm cả việc có thể triển khai các hệ thống tấn công, vũ khí và lực lượng của NATO trên lãnh thổ quốc gia này.”, nhà ngoại giao nói.
Thụy Điển cùng với Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập lên Liên minh Bắc Đại Tây Dương vào tháng 5/2022. Sau khi Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của khối vào ngày 4/4/2023, Stockholm vẫn chưa nhận được sự chấp thuận cuối cùng từ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ. Cụ thể Ankara liên kết việc phê chuẩn yêu cầu nói trên với việc Stockholm thực hiện lời hứa chống khủng bố.
Vào tháng 7/2023, Thụy Điển với tư cách là thành viên của Liên minh châu Âu đã đồng ý tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy việc nước này phê chuẩn đơn đăng ký gia nhập NATO.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh, vấn đề Thụy Điển gia nhập khối và việc Ankara gia nhập liên minh “không liên quan đến nhau”.
Hôm 26/2, Quốc hội Hungary đã phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển tại phiên họp đầu tiên của kỳ họp mùa Xuân.
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển vào tháng 1, Hungary là quốc gia đồng minh NATO cuối cùng chưa làm việc này. Sau khi phê chuẩn, Thụy Điển sẽ chính thức trở thành thành viên thứ 32 của NATO.
Lễ đón đồng minh mới gia nhập liên minh thường diễn ra tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ. Tại buổi lễ, các văn bản liên quan được ký kết và lá cờ của quốc gia thành viên mới được kéo lên.
Sau đó, văn kiện gia nhập sẽ được gửi tới lưu giữ tại Mỹ, hoàn tất trên thực tế quá trình chính thức gia nhập NATO của thành viên mới.