Nga nói Mỹ vi phạm tinh thần thượng đỉnh Geneva, không thiện chí với Moskva
Nga xem việc Mỹ công bố vòng cấm vận mới là minh chứng cho thấy Washington thiếu thiện chí trong xây dựng quan hệ với Moskva trên nền tảng quan hệ đối tác.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 20/8 cho biết đòn cấm vận mới một lần nữa cho thấy Mỹ có hành động khiêu khích chống Nga. Đây là âm mưu của các cơ quan tình báo phương Tây nhằm khai thác cáo buộc “đầu độc” thủ lĩnh đối lập A. Navalny cùng với đó là đe dọa các công ty có tham gia xây dựng tuyến đường ống khí đốt Nord Stream 2.
“Hành động này thật thảm hại và chắc chắn sẽ thất bại, cho thấy Washington không thể từ bỏ lối hành xử thô bạo, không chịu đối diện với thực tế. Nga sẽ có đáp trả tương xứng”, bà Zakharova nói.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, đòn cấm vận mới nhất của Mỹ liên quan đến vụ Navalny và Nord Stream 2 cho thấy Mỹ không có quyết tâm chính trị để tạo dựng quan hệ đối tác với Nga. Đòn trừng phạt này cũng đi ngược lại tinh thần đồng thuận tại Hội nghị thượng đỉnh Geneva hôm 16/6 vừa qua giữa Tổng thống Vladimir Putin và đồng cấp người Mỹ Joe Biden.
“Mỹ áp trừng phạt mới chống Nga đúng tại thời điểm xuất hiện nhiều biến cố vốn đòi hòi các nước mở rộng hợp tác và điều phối trên trường quốc tế. Quyết định được Washington đưa ra ngay sau khi Mỹ phạm phải thất bại lớn nhất về chính sách đối ngoại ở Afghanistan, phải thoái lui trong tình cảnh không đoán biết trước được”, bà Zakharova ngầm chỉ trích việc Mỹ lấy cớ cấm vận Nga để làm chệch hướng dư luận nội bộ Mỹ.
Trước đó, ngày 20/8, Mỹ đã áp đặt trừng phạt đối với một tàu, chủ sở hữu tàu này cùng một công ty xây dựng của Nga, song những người phản đối Dòng chảy phương Bắc 2 cho rằng các biện pháp này không đủ để ngăn cản dự án hoàn tất. Mỹ cũng áp trừng phạt đối với 9 cá nhân và hai thực thể Nga với cáo buộc có liên quan đến vụ “đầu độc” thủ lĩnh đối lập Alexey Navalny hơn một năm trước.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 trị giá 11 tỷ USD, cùng với tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc hiện nay đi qua Biển Baltic, sẽ cho phép Nga vận chuyển khí đốt tới châu Âu mà không phải trung chuyển qua Ukraine, vốn là tiêu điểm căng thẳng trong quan hệ giữa Moskva và Washington. Cả Mỹ và Ukraine đều phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2.