Nga nói về rượu champagne Pháp: Xin lỗi, ở đây nó chỉ là sparkling wine!

Đạo luật mà Tổng thống Nga Vladimir Putin mới thông qua bị Pháp coi là nỗ lực nhằm làm suy yếu thương hiệu rượu champagne huyền thoại của mình.

Ngày 2/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông qua một đạo luật mới quy định rằng chỉ những sản phẩm rượu vang được sản xuất bởi các công ty Nga mới được sử dụng tên gọi 'champagne'. (Nguồn: Reuters)

Ngày 2/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông qua một đạo luật mới quy định rằng chỉ những sản phẩm rượu vang được sản xuất bởi các công ty Nga mới được sử dụng tên gọi 'champagne'. (Nguồn: Reuters)

Việc đề cao rượu champagne của Nga kéo dài suốt hai thế kỷ kể từ khi Sa hoàng Alexander I tuyên bố rằng ông sẽ không uống gì ngoài rượu vang Veuve Clicquot năm 1811 từ những vườn nho vùng Champagne nổi tiếng của Pháp.

Ngày 2/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông qua một đạo luật mới quy định rằng chỉ những sản phẩm rượu vang do các công ty Nga sản xuất mới được sử dụng tên gọi “shampaskoye” (nghĩa là champagne bằng tiếng Nga).

Đồng thời, luật yêu cầu các nhà sản xuất rượu champagne của Pháp viết dòng chữ “rượu vang sủi” (sparkling wine) vào mặt sau của những chai rượu được bán ở Nga.

Cuộc chiến champagne

Dư luận cho rằng dự luật mới của Nga là nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước. Trong khi truyền thông Pháp gọi đây là “cuộc chiến champagne”, đồng thời coi đạo luật này là một nỗ lực của Moscow nhằm làm suy yếu thương hiệu huyền thoại của mình.

Người Pháp rất bảo vệ thuật ngữ "champagne" và tin rằng thuật ngữ này chỉ dùng để nói về loại rượu vang được sản xuất ở vùng đất cùng tên của Pháp.

Luật mới của Nga đã làm dấy lên sự phẫn nộ từ Hội đồng Champagne Pháp. Thậm chí Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã cân nhắc về vấn đề này.

Người phát ngôn EC Miriam Garcia Ferrer tuyên bố EC sẽ làm những điều thích hợp để bảo vệ quyền lợi cho các quốc gia thành viên và có động thái cần thiết nếu luật này có hiệu lực.

Phản ứng đầu tiên là từ Văn phòng Moet Hennessy tại Nga với lời “đe dọa” các đối tác địa phương rằng họ sẽ tạm ngừng cung cấp tới thị trường Nga loại champagne nổi tiếng của Pháp vì lo ngại bị đổi nhãn thành “sparkling wine”.

Moet Hennessy thuộc tập đoàn hàng xa xỉ Pháp LVMH và được biết đến với các thương hiệu rượu nổi tiếng Moet & Chandon, Veuve Clicquot và Dom Perignon.

Dư luận Nga cũng bày tỏ ý kiến trái chiều với luật này. Ông Vasya Oblomov, một nhạc sĩ nổi tiếng của Nga, bày tỏ trên Twitter rằng, có lẽ cũng nên gọi tất cả những chiếc xe được sản xuất tại Nga là “Mercedes” trong khi dán nhãn các mẫu xe Mercedes do Đức sản xuất là “xe lắp ráp ở nước ngoài”.

Bà Margarita Simonyan, tổng biên tập kênh truyền hình RT do chính phủ tài trợ (trước đây là Russia Today), thì cho rằng luật này “có vẻ rất ngớ ngẩn”.

Bà Margarita Simonyan viết trên Twitter: “Ai đó có thể giải thích tại sao champagne không còn được gọi là champagne không?”.

Moscow thắng một hiệp

Trong khi đó, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp của Nga cho biết quy định mới đã bị thổi phồng. Cụ thể, mục tiêu của đạo luật là đưa tất cả các "sparkling wine" nhập khẩu, từ rượu cava của Tây Ban Nha, rượu prosecco của Italy, đến rượu champagne của Pháp… vào một tên gọi chung và các nhãn ở mặt trước có thể giữ nguyên.

Ông Pavel Titov, Chủ tịch của Abrau-Durso, nhà sản xuất sparkling wine hàng đầu của Nga, bày tỏ quan điểm: “Điều cực kỳ quan trọng đối với các nhà sản xuất rượu của Nga là được làm việc trong bối cảnh chung của ngành công nghiệp rượu vang toàn cầu. Đối với tôi, hiển nhiên là champagne được làm ở vùng Champagne”.

Với sự giải thích này, Moet Hennessy đã thỏa hiệp, đồng ý thêm dòng chữ "sparkling wine" vào mặt sau của các chai rượu champagne được bán ở Nga.

Theo ông Andrei Grigoriev, một đối tác tại tập đoàn tư vấn rượu Double Magnum của Nga, việc đáp ứng các giấy tờ thủ tục cần thiết theo luật mới có thể mất vài tháng, điều này có thể khiến các chuyến hàng bị trì hoãn.

Tuy nhiên, Hội đồng Champagne Pháp vẫn không “lọt tai” và yêu cầu tất cả nhà sản xuất champagne của Pháp ngừng xuất khẩu sang Nga cho đến khi có thông báo mới, đồng thời kêu gọi các nhà ngoại giao Pháp và Liên minh châu Âu (EU) thay mặt cho họ vận động hành lang.

Hai đồng Chủ tịch của Hội đồng Champagne Pháp nhấn mạnh: “Đó là di sản cộng đồng của chúng tôi, là con ngươi trong mắt chúng tôi”, đồng thời nêu cao khẩu hiệu: “Champagne chỉ đến từ vùng Champagne của Pháp!”.

Từ năm ngoái, ngành công nghiệp champagne của Pháp đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến các câu lạc bộ và quán bar phải đóng cửa, tác động tới doanh số bán rượu. Năm 2020, xuất khẩu rượu champagne đã giảm 18% so với năm 2019.

Tuy nhiên, doanh số bán rượu của Pháp gần đây tăng trở lại khi Pháp dỡ bỏ lệnh phong tỏa, người dân có thể tổ chức các ngày kỷ niệm, đám cưới và các lễ hội khác.

Mặt khác, Nga chỉ chiếm chưa đến 1% doanh số bán rượu champagne của Pháp vào năm ngoái. Vadim Drobiz, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thị trường rượu Liên bang và khu vực của Nga, lưu ý rằng champagne của Pháp chủ yếu dành cho giới thượng lưu, bởi giá cả của nó không hề phải chăng đối với phần lớn dân số Nga.

Người dân Pháp mua thử 'champagne' của Nga vào ngày 5/7. (Nguồn: Washington Post)

Người dân Pháp mua thử 'champagne' của Nga vào ngày 5/7. (Nguồn: Washington Post)

Không phải lần đầu

Phản ứng dữ dội từ ngành công nghiệp champagne Pháp đối với luật mới của Nga phản ánh nỗ lực lâu dài nhằm bảo vệ sở hữu trí tuệ về chỉ dẫn địa lý của champagne, chống lại những nỗ lực từ bên ngoài nhằm làm giảm giá trị của nó.

Các nhà sản xuất champagne của Pháp từng tiến hành các cuộc chiến pháp lý tương tự về việc lừa đảo người tiêu dùng hoặc vi phạm sở hữu trí tuệ ở các nước khác.

Nhà nghiên cứu thực phẩm và rượu Kolleen Marie Guy cho rằng: “Có một danh sách dài những trường hợp tương tự trong quá khứ. Thách thức đáng nói đây là một quyết định cấp quốc gia, như trường hợp của Nga”.

Trong khi đó, Chủ tịch Liên minh những người trồng và sản xuất rượu của Nga Leonid Popovich lưu ý rằng Moscow đã gọi sparkling wine của mình là “shampanskoye” trong hơn 100 năm qua.

Thuật ngữ này được đưa ra dưới thời Thủ tướng Liên Xô Joseph Stalin để gọi tên phiên bản rẻ và dễ tiếp cận hơn của thức uống có ga từng được coi là dành riêng cho giới thượng lưu.

“Tôi sẽ mua nó!”

Tại một số nhà hàng và quán bar ở thủ đô Paris của Pháp, những người phục vụ và khách hàng đã có cơ hội nếm thử các sản phẩm từ phía bên kia của “cuộc chiến champagne”.

Một chai “shampanskoye” Abrau-Durso màu hồng của Nga có thể được mua trên chính đất Pháp dường như là một sự thành công đáng ngạc nhiên.

Nhà thiết kế nội thất người Paris Anne-Carla Nicolas chia sẻ: “Xin chúc mừng nước Nga”. Anne cho biết cô đã trau dồi kỹ năng thưởng thức rượu champagne từ nhỏ với hầm rượu của ông bà cô.

“Nghiêm túc mà nói, tôi sẽ mua cái này!”, cô kết luận sau nhiều lần ngửi và uống shampanskoye.

Đồng quan điểm, Adeline Monney, một nhà thiết kế nước hoa được đào tạo từ vùng Champagne, nhận xét về rượu Nga: “Nó dường như có mùi hương hoa và ngọt ngào hơn”.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ sự thành công của rượu shampanskoye ở nơi gần tháp Eiffel là tiêu chuẩn hay ngoại lệ.

Trên Vivino, một ứng dụng phổ biến chuyên đánh giá và bán rượu trực tuyến, sparkling wine của Nga đứng ở vị trí tương đối đáng thất vọng khi chủ yếu ở mức 2 hoặc 3 trên thang 5 sao.

(theo Washington Post)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nga-noi-ve-ruou-champagne-phap-xin-loi-o-day-no-chi-la-sparkling-wine-151451.html