Nga nói về xung đột ở Ukraine: Tất cả sẽ kết thúc vào mùa xuân

Chiến dịch phản công của Ukraine nhằm đánh bật quân Nga có nguy cơ rơi vào bế tắc nếu không có sự thay đổi lớn về động lượng.

Gần 2 tháng kể từ khi bắt đầu, cuộc phản công của Ukraine vẫn bị đình trệ. Bằng cách cố gắng vượt qua các bãi mìn của Nga mà không có sự hỗ trợ từ trên không hoặc vũ khí phòng không đầy đủ, quân đội Ukraine đã mất 26.000 người và hơn 3.000 thiết bị, theo số liệu mới nhất từ Moscow. Đổi lại, Ukraine chỉ tái chiếm được một số ít thôn xóm, trong khi không thể xuyên thủng mạng lưới chiến hào và cứ điểm phòng thủ nhiều lớp của Nga.

Tướng Andrey Mordvichev, Tư lệnh Quân khu Trung tâm của Nga, đánh giá rằng quân đội Ukraine sẽ chỉ còn đủ lực lượng để phản công cho đến cuối tháng 8.

“Lực lượng của họ cho cuộc phản công sẽ chỉ đủ cho đến cuối tháng 8. Sau đó, sẽ có một quãng tạm dừng ngắn. Họ sẽ không thể đạt được bất cứ điều gì trong mùa đông. Và tôi cho rằng tất cả sẽ kết thúc vào mùa xuân”, Tướng Mordvichev cho biết một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Soloviov Live hôm 23/7.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong một cuộc phỏng vấn với Đài CNN hôm 23/7, cho biết rằng Ukraine đã thành công tái chiếm 50% số lãnh thổ đã để mất vào tay Nga kể từ đầu cuộc xung đột, nhưng để giành lại nhiều hơn nữa, Kiev phải đối mặt với “một cuộc chiến rất khó khăn”.

“Đây vẫn là những ngày đầu của cuộc phản công. Nó rất khó khăn”, ông Blinken nói, đồng thời bổ sung: “Mọi thứ sẽ không thể rõ ràng trong 1-2 tuần tới. Tôi nghĩ chúng ta vẫn phải chờ xem trong vài tháng tới”.

Binh sĩ Ukraine bắn lựu pháo D-20 về phía quân đội Nga tại một vị trí gần thị trấn tiền tuyến Bakhmut, vùng Donetsk, đầu tháng 7/2023. Ảnh: CNN

Binh sĩ Ukraine bắn lựu pháo D-20 về phía quân đội Nga tại một vị trí gần thị trấn tiền tuyến Bakhmut, vùng Donetsk, đầu tháng 7/2023. Ảnh: CNN

Cuối tháng trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận rằng tiến trình phản công chống lại các lực lượng Nga bị “chậm hơn so với mong muốn”.

Ukraine đã chiếm lại được một số ngôi làng ở phía Nam và các khu vực xung quanh thành phố đổ nát Bakhmut ở phía Đông, nhưng chưa có bước đột phá lớn nào trước các phòng tuyến được phòng thủ dày đặc của quân Nga.

Nguy cơ bế tắc

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 23/7 cho biết cuộc phản công của Ukraine “đã thất bại” khi ông tiếp đón người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko – đồng minh thân cận của ông, chuẩn bị hội đàm ở St. Petersburg.

“Không có phản công”, các hãng thông tấn Nga dẫn lời ông Lukashenko nói hôm 23/7, và ông Putin đáp lại: “Có phản công, nhưng nó đã thất bại”.

Khi khả năng về bất kỳ bước đột phá quy mô lớn nào của người Ukraine trong năm nay mờ đi, nó làm tăng viễn cảnh đáng lo ngại cho Mỹ và các đồng minh của Washington về một cuộc chiến dài hơi hơn – một cuộc chiến đòi hỏi một lượng lớn vũ khí tinh vi mới và huấn luyện nhiều hơn để mang lại cho Kiev cơ hội chiến thắng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại một bảo tàng ở Kronstadt trên đảo Kotlin, ngoại ô St. Petersburg, ngày 23/7/2023. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại một bảo tàng ở Kronstadt trên đảo Kotlin, ngoại ô St. Petersburg, ngày 23/7/2023. Ảnh: Getty Images

Ngay từ hồi đầu năm nay, khi Ukraine rục rịch lên kế hoạch cho một cuộc tổng phản công chống lại các lực lượng Nga, các quan chức quân sự phương Tây đã biết rằng người Ukraine thiếu nguồn cung vũ khí và đào tạo cần thiết để thành công, nhưng vẫn cho phép Kiev tiến hành chiến dịch thảm khốc của mình, hy vọng rằng lòng dũng cảm và sự tháo vát của người Ukraine sẽ làm nên chuyện, tờ Wall Street Journal (Mỹ) đưa tin hôm 22/7.

Nhưng cuối cùng, các bãi mìn dày đặc, các công sự rộng lớn và sức mạnh không quân của Nga đã kết hợp để ngăn chặn phần lớn các bước tiến đáng kể của quân đội Ukraine. Thay vào đó, chiến dịch của Ukraine có nguy cơ rơi vào bế tắc với khả năng phải tiêu tốn thêm nhiều sinh mạng và thiết bị nếu không có sự thay đổi lớn về động lượng.

Giờ đây, Ukraine đang tấn công vào các vị trí của Nga trong bối cảnh quân đội của đối phương đã có nhiều tháng để xây dựng hệ thống phòng thủ rộng lớn bao gồm bãi mìn, hàng rào và boongke. Học thuyết quân sự phương Tây cho rằng để tấn công một kẻ thù cố thủ, một lực lượng tấn công ít nhất phải gấp 3 lần quân số của địch và sử dụng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lực lượng không quân và bộ binh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong bài phát biểu video hàng đêm trước toàn dân, ngày 23/7/2023. Ảnh: President.gov.ua

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong bài phát biểu video hàng đêm trước toàn dân, ngày 23/7/2023. Ảnh: President.gov.ua

Trong khi đó, quân đội Ukraine thiếu mọi thứ, bao gồm nhân lực, đào tạo và nguồn lực, khi nói đến những quy tắc như vậy.

“Ukraine thực sự cần có khả năng mở rộng quy mô và đồng bộ hóa các hoạt động quân sự nếu muốn thành công xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Nga”, ông Franz-Stefan Gady, một nhà phân tích quân sự độc lập, người gần đây đã đi thăm các chiến tuyến của Ukraine, cho biết.

Ông Gady nói rằng thay vì tập trung lực lượng vào các cuộc tấn công cần đến nhiều đơn vị bắn nhiều loạt tên lửa và pháo binh – hỗ trợ các đợt tiến công đồng thời của lực lượng mặt đất – Ukraine đang tấn công tuần tự, với các cuộc pháo kích theo sau là các cuộc tiến công của bộ binh cấp đại đội. Chiến thuật như vậy giống như báo trước cho người Nga rằng họ đang tấn công, ông Gady phân tích.

Ưu thế trên không

Cách tiếp cận quy mô nhỏ – dễ dàng hơn cho các chỉ huy trong việc điều phối hơn là thúc đẩy các lực lượng mặt đất dưới sự yểm trợ của pháo binh – có những điểm yếu, chẳng hạn như giảm tính cơ động. Việc đưa những người lính bị thương ra khỏi mặt trận một cách an toàn và mang theo đạn dược mới là nguy hiểm hơn trong các hoạt động cấp đại đội vì quân đoàn y tế và hậu cần ít được bảo vệ hơn.

Tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn đồng bộ là điều khó khăn đối với bất kỳ lực lượng vũ trang nào – ngay cả những lực lượng phương Tây có trang bị nhiều và tốt hơn so với Ukraine – bởi vì việc tích hợp một số lượng lớn binh lính trên bộ và trên không trong một cuộc tấn công trực diện chớp nhoáng và dữ dội là vô cùng khó khăn.

Không một quân đội phương Tây nào sẽ cố gắng chọc thủng hệ thống phòng thủ đã được thiết lập mà không kiểm soát bầu trời.

“Mỹ sẽ không bao giờ cố gắng đánh bại một hệ thống phòng thủ được chuẩn bị sẵn mà không có ưu thế trên không, nhưng họ (người Ukraine) không có ưu thế trên không”, ông John Nagl, một trung tá Quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, hiện là Phó Giáo sư nghiên cứu chiến tranh tại Đại học Lục quân Hoa Kỳ, cho biết. “Không phải phóng đại, nhưng ưu thế trên không là quan trọng đối với một cuộc giao tranh trên bộ với tổn thất và thương vong hợp lý”, ông Nagl nói.

Bản đồ đánh giá tình hình trên thực địa xung đột Nga-Ukraine tính đến ngày 23/7/2023. Nguồn: Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) và Dự án Critical Threats của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI)

Bản đồ đánh giá tình hình trên thực địa xung đột Nga-Ukraine tính đến ngày 23/7/2023. Nguồn: Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) và Dự án Critical Threats của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI)

“Người Nga hiện có thể sử dụng tốt hơn các tài sản hàng không của họ”, ông Douglas Barrie, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), một tổ chức tư vấn ở London, cho biết. “Nga không có ưu thế trên không đối với toàn bộ Ukraine, nhưng từ quan điểm của bên phòng thủ, họ đang ở vị trí tốt hơn nhiều”.

Khi được hỏi liệu Ukraine có mua máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất hay không, Ngoại trưởng Blinken cho biết trong cuộc phỏng vấn với CNN hôm 23/7 rằng, ông tin điều đó sẽ xảy ra. “Và điều quan trọng là phải đảm bảo rằng khi họ làm vậy, họ được đào tạo bài bản, họ có thể bảo dưỡng máy bay và sử dụng chúng một cách thông minh”.

Một liên minh gồm 11 quốc gia sẽ bắt đầu huấn luyện phi công Ukraine lái máy bay chiến đấu F-16 vào tháng 8 tại Đan Mạch, và một trung tâm huấn luyện sẽ được thành lập tại Romania, hang Reuters cho biết.

Ukraine từ lâu đã yêu cầu những chiếc F-16 do Lockheed Martin sản xuất, nhưng cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết vào tháng trước rằng, không có quyết định cuối cùng nào về việc Washington gửi máy bay. Các quan chức Mỹ ước tính sẽ mất ít nhất 18 tháng để huấn luyện và chuyển giao máy bay cho Ukraine.

Mỹ đã viện trợ quân sự cho Ukraine hơn 41 tỷ USD kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở quốc gia Đông Âu vào tháng 2 năm ngoái.

Minh Đức (Theo WSJ, TASS, Reuters)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nga-noi-ve-xung-dot-o-ukraine-tat-ca-se-ket-thuc-vao-mua-xuan-a618659.html