Trong thời gian gần đây, có nhiều thông tin cho rằng Thụy Điển sẽ cung cấp cho Ukraine các tiêm kích JAS-39 Gripen để nhận lấy sự ủng hộ lớn hơn trong việc gia nhập NATO.
Việc một số phi công Ukraine đã hoàn thành khóa huấn luyện cơ bản trên JAS-39 Gripen trong khi nhiều người khác mới chỉ bay trên F-16 mô hình càng giúp củng cố thêm nhận định nói trên.
Với những gì diễn ra, khả năng cao Nga sẽ phải đối phó với một chiến đấu cơ hạng nhẹ đa năng lợi hại nữa. Tờ Politico nhận xét, JAS-39 có ưu điểm lớn so với F-16 ở chỗ chúng dễ bảo trì hơn và không yêu cầu các sân bay đặc biệt.
Chữ JAS trong JAS-39 là viết tắt của: Jakt (chiến đấu), Attack (tấn công), Spaning (trinh sát). Như vậy rõ ràng đây là một tiêm kích hiện đại với mức độ đa năng rất cao, có thể đảm nhiệm nhiều chức năng trên chiến trường.
Mặc dù thực tế là tiêm kích JAS-39 Gripen chưa từng được sử dụng trong điều kiện chiến đấu thực tế, tuy nhiên những ưu điểm to lớn của phương tiện tác chiến nói trên là không thể bác bỏ.
Tiêm kích JAS-39 được thiết kế để "đặc trị" chiến đấu cơ hạng nặng như Su-35 của Nga, đồng thời khả năng phát hiện mục tiêu và tác chiến điện tử của nó cũng tập trung vào việc chống lại hệ thống phòng không Nga.
Nhà sản xuất - Tập đoàn Saab cho biết họ cập nhật phần mềm cho JAS-39 Gripen mỗi 2 năm một lần, có tính đến những phát triển quân sự mới ở Liên bang Nga và nếu cần sẽ bổ sung chức năng cũng như thiết bị nâng cấp.
Ưu điểm lớn nữa của chiếc máy bay chiến đấu do Thụy Điển chế tạo nằm ở chỗ nó không đòi hỏi cơ sở hạ tầng phức tạp. Để cất và hạ cánh, một đoạn đường thẳng bất kỳ nào với chiều rộng 16 m và chiều dài 500 m là đủ.
Để bảo dưỡng cho chiếc máy bay, chỉ cần nhóm công tác bao gồm 1 thợ cơ khí và 5 kỹ thuật viên khác, thời gian tiếp nhiên liệu và tái vũ trang của JAS-39 yêu cầu không quá 20 phút.
Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng JAS-39 Gripen bị nhận xét sẽ không mang lại cho Ukraine nhiều lợi thế, bởi số lượng là khá ít ỏi. Kyiv khó lòng nhận được nhiều hơn 16 - 18 chiếc tiêm kích loại này.
Vấn đề đào tạo người vận hành cũng đặt ra bài toán nan giải, bởi vì rất nhiều phi công giàu kinh nghiệm của Không quân Ukraine đều đã thiệt mạng hoặc bị thương tới mức mất sức chiến đấu.
Bên cạnh đó còn là vấn đề với việc triển khai tiêm kích JAS-39 Gripen. Sự hiện diện lâu dài của chúng tại một địa điểm sẽ mang tới nhiều rủi ro, bởi vì dễ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.
Quân đội Ukraine sẽ phải thường sơ tán phi đội tiêm kích Gripen, các xe tải chở tên lửa, xe tiếp nhiên liệu và thợ kỹ thuật sẽ phải di chuyển cùng, điều này sẽ không cho phép JAS-39 được sử dụng với tần suất cao.
Trong khi đó Nga có đủ phương tiện để tiêu diệt những máy bay như vậy. Radar ngoài đường chân trời Container đủ khả năng phát hiện bất kỳ tiêm kích nào của NATO từ cự ly hơn 2.000 km khi chúng bay cao.
Không chỉ có vậy, các tổ hợp tên lửa phòng không đáng gờm của Nga, được bố trí dày đặc sẽ tạo ra thách thức lớn mà tiêm kích JAS-39 Gripen rất khó đối phó một cách hiệu quả.