Nga phát hiện trữ lượng đất hiếm lớn bậc nhất thế giới

Một công ty khai thác mỏ của Nga vừa công bố mỏ Niobi và đất hiếm Tomtor ở Cộng hóa Yakutia có thể là một trong ba mỏ tài nguyên quý có trữ lượng lớn bậc nhất thế giới.

Đất hiếm là vốn rất quan trọng và được coi là “vitamin của nền công nghiệp hiện đại”. Ảnh: Getty.

Theo RT, vào ngày 20/4, công ty khai thác mỏ Polymetal của Nga mới đây đã tiết lộ về việc phát hiện một mỏ niobi và đất hiếm Tomtor ở Cộng hòa Yakutia. Theo ước tính ban đầu, nơi đây có thể là một trong ba mỏ tài nguyên quý có trữ lượng lớn bậc nhất thế giới.

“Dự án Tomtor đã khẳng định quy mô và cấp độ của nó là một trong những mỏ niobi và đất hiếm có trữ lượng và tiêu chuẩn hàng đầu trên thế giới,” Giám đốc điều hành Polymetal Vitaly Nesis cho biết trong một tuyên bố, trích dẫn các ước tính của ThreeArc Mining - công ty đang phát triển dự án.

Phát hiện mới về mỏ này là một dự án quan trọng được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy sản lượng kim loại đất hiếm ở Nga. Nhiều năm qua, Nga luôn đặt ra mục tiêu đẩy mạnh sản xuất đất hiếm trong nước. Đó là vì đất hiếm là vốn rất quan trọng và được coi là “vitamin của nền công nghiệp hiện đại” do nó là thành phần không thể thiếu trong hoạt động sản xuất các loại thiết bị và linh kiện trong công nghệ thông tin, y khoa, giao thông, hóa lọc dầu, luyện kim, quân sự và nhiều lĩnh vực khác.

Niobi được sử dụng hầu hết trong các hợp kim, phần lớn nhất của nó trong thép chẳng hạn như được sử dụng trong các đường ống dẫn khí đốt. Một tỷ lệ nhỏ kim loại này cũng có khả năng giúp tăng cường độ bền của thép. Các ứng dụng khác của niobi bao gồm hàn, công nghiệp hạt nhân, điện tử, quang học và đồ trang sức.

Công ty khai thác mỏ Polymetal, được niêm yết trên cả hai Sàn giao dịch chứng khoán London (Anh) và Sàn giao dịch Moscow (Nga), sở hữu 9,1% cổ phần của ThreeArc Mining. Công ty được thành lập vào năm 1998, là nhà sản xuất bạc chính lớn thứ ba trên toàn cầu, cũng như là nhà sản xuất bạc lớn nhất và vàng lớn thứ tư ở Nga.

“Nhóm dự án hiện sẽ tập trung vào việc hoàn thành một nghiên cứu khả thi để xác định trữ lượng của mỏ trên, từ đó mở đường cho quyết định đầu tư,” ông Nesis chia sẻ.

Phá vỡ thế độc quyền của Trung Quốc

Trong bối cảnh thiếu những nhà đầu tư tiềm năng của Nga, Moscow đang nhiệt tình mời các nhà đầu tư Ấn Độ khai thác đất hiếm ở Viễn Đông. Ảnh: Reuters.

Suốt nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc gần như giữ thế độc quyền trên thế giới về nguồn cung đất hiếm. Trung Quốc hiện là nhà sản xuất đất hiếm số một thế giới với sản lượng lên tới 132.000 tấn/năm, trong khi trữ lượng đất hiếm của nước này vào khoảng 44 triệu tấn (chiếm hơn 1/3 trữ lượng đất hiếm toàn cầu). Những con số đó của Mỹ lần lượt chỉ là 26.000 tấn/năm và 1,4 triệu tấn. 78% đất hiếm nhập khẩu vào Mỹ đến từ Trung Quốc.

Việc trích xuất các nguyên tố đất hiếm từ quặng thô đòi hỏi nhiều công nghệ cũng như chi phí do chúng ít khi tập trung lại một nơi với hàm lượng đủ lớn giúp cho việc khai thác đạt được hiệu quả kinh tế. Không những vậy, việc khai thác và quá trình xử lý quặng thô đất hiếm cũng gây đe dọa và thậm chí tàn phá môi trường sinh thái nghiêm trọng. Chính vì vậy, nhiều quốc gia lớn tại phương Tây thường hạn chế việc cấp phép khai thác và xử lý đất hiếm trong nước.

Vào tháng 8 năm ngoái, SCMP dẫn nguồn tin từ một quan chức cấp cao trong chính phủ Nga cho biết, nước này có kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD vào 11 dự án đất hiếm, bao gồm phát triển mỏ Tomtor ở vùng viễn đông của Nga, sẽ cho phép Nga gần như tự cung cấp nguyên tố đất hiếm và bắt đầu xuất khẩu vào năm 2026. Nhờ đó, Nga sẽ có thể đạt mục tiêu trở thành nước khai thác đất hiếm lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc vào năm 2030.

Nga, Mỹ và nhiều quốc gia lớn khác trên thế giới đều muốn giảm lệ thuộc vào Trung Quốc – quốc gia đứng đầu thế giới về nguồn cung đất hiếm khi chiếm tới 63% sản lượng và 37% trữ lượng đất hiếm của toàn cầu.

Theo ước tính hiện nay, Nga đang sở hữu khoảng 12 triệu tấn trữ lượng đất hiếm, tương đương với 10% tổng trữ lượng toàn cầu và chính phủ nước này sẵn sàng đón nhận vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.

Hương Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nga-phat-hien-tru-luong-dat-hiem-lon-bac-nhat-the-gioi-post129200.html