Nga phô diễn sức mạnh, phóng cả 3 tên lửa mạnh nhất Yars, Sineva và Bulava
Nga có nhiều hệ thống tên lửa và tên lửa trong kho vũ khí của mình, trong đó các tên lửa Yars, Sineva và Bulava có tầm bắn cực kỳ ấn tượng, từ 9.300 km đến gần 12.000 km.
Nga đã tiến hành các cuộc tập trận lực lượng hạt nhân chiến lược của mình với việc phóng nhiều loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) khác nhau.
Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, trong cuộc tập trận mới nhất diễn ra hôm 29/10, họ đã sử dụng các phương tiện của các thành phần trên bộ, trên biển và trên không (bộ ba hạt nhân) của lực lượng chiến lược.
Trong quá trình tập trận, các đợt khai hỏa thực tế tên lửa đạn đạo Yars từ Sân bay vũ trụ Plesetsk đã được thực hiện. Trong khi đó, tên lửa đạn đạo Sineva được phóng từ vùng biển Barents và tên lửa đạn đạo Bulava được khai hỏa từ vùng biển Okhotsk.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS đã tham gia vào cuộc tập trận quân sự, khai hỏa tên lửa hành trình phóng từ trên không.
Nga có nhiều hệ thống tên lửa và tên lửa trong kho vũ khí của mình. Một trong số đó là tên lửa RS-24 Yars ICBM nhiên liệu rắn. RS-24 được thiết kế để tấn công các cơ sở chiến lược ở tầm bắn lên tới 11.000 km. Nhiều tầng động cơ nhiên liệu rắn cung cấp năng lượng cho tên lửa.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa 3 tầng R-29RMU2 Sineva là một phần của hệ thống tên lửa D-9RM. Hệ thống này đang được sử dụng trên tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Delfin thuộc Dự án 667BDRM.
Tên lửa Sineva có tầm bắn 8.300-11.547 km, với trọng lượng đầu đạn lên tới 2.800 kg. Đầu đạn chứa 4 đầu đạn hạt nhân, mỗi đầu đạn có sức công phá 500 kiloton.
Tên lửa đạn đạo Bulava cũng được thiết kế cho tàu ngầm, bao gồm tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) lớp Borei và lớp Borei-A. Tên lửa Bulava có khả năng mang 6-10 đầu đạn, mỗi đầu đạn có sức công phá 100-150 kiloton. Tầm bắn tối đa của tên lửa Bulava là 9.300 km.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov tuyên bố cuộc tập trận hôm 29/10 nhằm mục đích thực hành việc "lực lượng tấn công chiến lược tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân lớn để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân của kẻ thù".
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, quyết định bắt đầu các cuộc tập trận là do "sự xuất hiện của các mối đe dọa và rủi ro bên ngoài mới", đồng thời nói thêm rằng "điều quan trọng là phải có các lực lượng chiến lược hiện đại và luôn sẵn sàng sử dụng".
Ông Putin lưu ý rằng Moscow sẽ tiếp tục hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của mình, triển khai các tên lửa mới có độ chính xác cao hơn, thời gian phóng nhanh hơn và khả năng vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa được tăng cường.
Các cuộc tập trận diễn ra vào thời điểm căng thẳng leo thang với phương Tây, sau nhiều tuần Nga ra tín hiệu rằng Moscow sẽ đáp trả nếu phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công sâu vào bên trong nước Nga.
Tháng trước, ông Putin đã cảnh báo rằng động thái như vậy sẽ khiến NATO rơi vào tình trạng chiến tranh với Nga. Ông cũng công bố phiên bản mới của học thuyết hạt nhân, trong đó quy định bất kỳ một cuộc tấn công nào từ một nước không sở hữu vũ khí hạt nhân với sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ được coi là "cuộc tấn công chung" và Nga có quyền đáp trả bằng vũ khí hạt nhân.
Cuộc tập trận hôm 29/10 diễn ra sau một loạt các cuộc tập trận khác của lực lượng hạt nhân Nga. Đầu năm nay, quân đội Nga đã tổ chức một cuộc tập trận hạt nhân chung với đồng minh của Moscow là Belarus, nơi có một số vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga.
Minh Đức (Theo Militarnyi, Euronews)