Nga phóng tên lửa bắn vỡ vệ tinh thành 1.500 mảnh, Mỹ cáo buộc 'hành xử nguy hiểm'
Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Nga có 'hành vi nguy hiểm và vô trách nhiệm' khi thử vũ khí diệt vệ tinh tạo ra trên 1.500 mảnh vỡ trên quỹ đạo, buộc các phi hành gia trạm ISS phải sẵn sàng sơ tán.
Theo tờ Guardian, Mỹ đã cáo buộc Nga có “hành vi nguy hiểm và vô trách nhiệm” sau khi Moskva tiến hành một vụ thử vũ khí chống vệ tinh buộc các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế phải chuẩn bị sơ tán.
Nga đã phóng tên lửa vào một trong những vệ tinh của nước này vào cuối tuần trước, tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ quỹ đạo có thể theo dõi và hàng trăm mảnh vụn nhỏ hơn.
Các phi hành gia trên trạm ISS đã lập tức sơ tán vào các “vỏ cứu sinh" đặc biệt sau khi các mảnh vỡ vệ tinh bung ra không gian. Các vỏ cứu sinh này có thể tách ra khỏi ISS và đưa các phi hành gia quay trở lại Trái đất.
Ned Price, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 15/11 tuyên bố: "Thử nghiệm này sẽ làm tăng đáng kể rủi ro đối với các phi hành gia và nhà du hành vũ trụ trên Trạm Vũ trụ Quốc tế, cũng như các hoạt động bay trên không gian khác của con người".
“Hành vi nguy hiểm và vô trách nhiệm của Nga gây nguy hiểm cho sự bền vững lâu dài của không gian vũ trụ…. Mỹ sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác của chúng tôi để đáp trả hành động vô trách nhiệm của Nga”, ông Ned Price khẳng định.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng bày tỏ quan ngại trong một cuộc họp báo cùng ngày tại Lầu Năm Góc. "Chúng tôi chia sẻ mối quan ngại mà các đồng nghiệp ở Bộ Ngoại giao đã nhấn mạnh trước đó về vụ thử này", Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc John F. Kirby cho biết. Ông Kirby nói thêm rằng "mối quan tâm trước mắt lớn nhất là các mảnh vỡ, hiện đang trôi nổi ngoài không gian và có thể trở thành mối nguy hiểm với cả Trạm vũ trụ quốc tế."
Khi được hỏi liệu Nga có thông báo trước cho Lầu Năm Góc về vụ thử vũ khí của họ hay không, ông Kirby trả lời: "Không."
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cũng cho biết: “Vụ thử tên lửa chống vệ tinh hủy diệt này của Nga cho thấy sự coi thường đối với an ninh, an toàn và tính bền vững của không gian”.
Cùng ngày 15/11, Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson tuyên bố rằng việc Nga thực hiện vụ tấn công bằng tên lửa là "thái quá", đồng thời nói thêm rằng ông tin cơ quan vũ trụ Nga "không biết gì về việc này. Và có lẽ họ cũng kinh hoàng như chúng tôi".
Các cuộc thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh rất hiếm khi xảy ra và thường bị cộng đồng vũ trụ chỉ trích, do rủi ro mà chúng tạo ra cho phi hành đoàn ở quỹ đạo Trái đất thấp. Năm ngoái, Bộ tư lệnh Vũ trụ Mỹ từng cáo buộc Nga đã "biến vũ trụ thành miền giao chiến" sau khi nước này bắn tên lửa vào một vệ tinh trong khuôn khổ một cuộc thử nghiệm vũ khí.
Quân đội và Bộ Quốc phòng Nga hiện chưa đưa ra bình luận về những cáo buộc từ Mỹ.
Trước đó, vào ngày 15/11, giữa lúc xuất hiện các báo cáo rằng Nga đã tiến hành một cuộc thử nghiệm chống vũ khí, đối tác Nga của NASA, Roscomos, đã đăng trên Twitter rằng phi hành đoàn trên ISS đã buộc phải di chuyển vào tàu vũ trụ do có một "vật thể" quay quanh quỹ đạo Trái đất.
“Bạn bè, mọi thứ đều bình thường với chúng tôi! Chúng tôi tiếp tục làm việc theo chương trình”, nhà du hành Anton Shkaplerov, chỉ huy của phi hành đoàn ISS, đăng dòng tweet.
Theo báo cáo của trang Spaceflight Now, các phi hành gia NASA gồm Raja Chari, Tom Marshburn, Kayla Barron và Phi hành gia Matthias Maurer của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu đã sơ tán vào tàu vũ trụ SpaceX Crew Dragon để đảm bảo an toàn.
Cùng lúc đó, các nhà du hành vũ trụ Nga Shkaplerov và Pyotr Dubrov và nhà du hành vũ trụ NASA Mark Vande Hei cũng lên tàu vũ trụ Soyuz của Nga.
Các chuyên gia cho biết vũ khí chống vệ tinh bắn vỡ mục tiêu gây ra mối nguy hiểm trong không gian khi tạo ra một đám mây mảnh vỡ có thể va chạm với các vật thể khác, tạo ra phản ứng dây chuyền của các vật phóng xuyên qua quỹ đạo Trái đất.
Mỹ đã thực hiện vụ thử vũ khí chống vệ tinh đầu tiên vào năm 1959, khi bản thân các vệ tinh còn mới và hiếm. Washington khi đó bắn một tên lửa đạn đạo từ một máy bay ném bom B-47 vào vệ tinh Explorer VI, nhưng bị trượt.
Nga đã tiến hành ba vụ thử tên lửa chống vệ tinh vào năm 2020, theo trang Space.com. Sau vụ phóng tên lửa chống vệ tinh của Nga vào tháng 12 năm ngoái, Tướng James Dickinson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Vũ trụ của Mỹ, đã chỉ trích nước này “liên tục thử nghiệm vũ khí trên không và trên mặt đất nhằm mục tiêu và phá hủy vệ tinh”.
Năm 2007, Trung Quốc cũng đã tiến hành thành một vụ thử vũ khí diệt vệ tinh trên vũ trụ bằng tên lửa đạn đạo tầm trung. Một vệ tinh thời tiết cũ của Trung Quốc ở độ cao 864km từ Trái đất đã bị tiêu diệt bằng một đầu đạn động học do tên lửa đạn đạo đưa lên quỹ đạo.
Xem minh họa vụ thử vũ khí diệt vệ tinh của Trung Quốc, tạo ra hàng ngàn mảnh vỡ đến nay vẫn có thể theo dõi được (Nguồn: videofromspace)