Nga phóng tên lửa xuyên lục địa có khả năng hạt nhân vào Ukraine, nguy hiểm ngày càng gia tăng

Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào đêm thứ Tư theo giờ địa phương, nhằm vào thành phố Dnipro ở phía đông Ukraine. Đây là lần đầu tiên Nga triển khai loại tên lửa thường được sử dụng để mang đầu đạn hạt nhân này trong cuộc chiến với Ukraine.

Nga lần đầu phóng tên lửa ICBM vào Ukraine

Trong tuyên bố trên Telegram, lực lượng không quân Ukraine không nêu rõ loại tên lửa cụ thể nhưng cho biết nó được phóng từ khu vực Astrakhan của Nga, giáp với Biển Caspi.

Tuy nhiên, tin tức cho biết đây là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và được bắn vào thành phố Dnipro cùng với 8 tên lửa khác, và quân đội Ukraine nói rằng họ đã bắn hạ 6 tên lửa trong số đó.

“Đặc biệt, một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đã được phóng từ khu vực Astrakhan của Liên bang Nga”, tuyên bố cho biết.

 Một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars được phóng trong một cuộc thử nghiệm từ sân bay vũ trụ Plesetsk ở vùng Arkhangelsk, Nga vào ngày 29 tháng 10 năm 2024. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars được phóng trong một cuộc thử nghiệm từ sân bay vũ trụ Plesetsk ở vùng Arkhangelsk, Nga vào ngày 29 tháng 10 năm 2024. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Người đứng đầu khu vực rộng lớn hơn nơi có thành phố Dnipro cho biết cuộc không kích của Nga đã phá hủy một trung tâm phục hồi chức năng và một số ngôi nhà, cũng như một doanh nghiệp công nghiệp.

“Hai người bị thương - một người đàn ông 57 tuổi được điều trị tại hiện trường và một người phụ nữ 42 tuổi phải nhập viện”, quan chức này cho biết.

Video Nga từng phóng thử ICBM hồi cuối tháng 10/2024

Một nguồn tin trong lực lượng không quân Ukraine xác nhận với AFP rằng đây là lần đầu tiên Nga triển khai loại vũ khí này trong cuộc xung đột giữa hai nước.

Tên lửa không mang theo đầu đạn hạt nhân

Nguồn tin cho biết thêm rằng "rõ ràng" là tên lửa được thiết kế để mang cả đầu đạn thông thường và hạt nhân này không mang theo đầu đạn hạt nhân trong vụ phóng này.

 Hiện trường vụ tấn công bằng tên lửa của Nga ở Dnipro, Ukraine vào ngày 21 tháng 11 năm 2024. Ảnh: Dịch vụ báo chí của Cục Tình trạng Khẩn cấp Nhà nước Ukraine tại khu vực Dnipropetrovsk

Hiện trường vụ tấn công bằng tên lửa của Nga ở Dnipro, Ukraine vào ngày 21 tháng 11 năm 2024. Ảnh: Dịch vụ báo chí của Cục Tình trạng Khẩn cấp Nhà nước Ukraine tại khu vực Dnipropetrovsk

ICBM là loại tên lửa được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân và việc sử dụng nó sẽ là lời nhắc nhở về khả năng hạt nhân của Nga và là thông điệp mạnh mẽ về khả năng leo thang căng thẳng.

Khi được hỏi liệu Moscow có bắn tên lửa có khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa hàng nghìn km hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ông "không có gì để nói về chủ đề này".

Chiến sự đang nóng lên một cách nguy hiểm

Diễn biến này diễn ra khi cuộc chiến đang nóng lên từng ngày với việc Mỹ và một số nước phương Tây đã cho phép Kiev tấn công tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Nga.

Ukraine đã lập tức tiến hành hoạt động này sau khi được cấp phép, với việc phóng hàng loạt tên lửa ATACMS của Mỹ và Storm Shadows của Anh vào lãnh thổ Nga.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết hệ thống phòng không của họ đã bắn hạ hai chiếc Storm Shadow, nhưng không nói rõ chúng bị bắn hạ trên lãnh thổ Nga hay ở vùng Ukraine bị chiếm đóng.

 Việc sử dụng ICBM diễn ra sau khi Ukraine sử dụng tên lửa do Mỹ và Anh sản xuất nhằm vào các mục tiêu ở Nga. Ảnh: AP

Việc sử dụng ICBM diễn ra sau khi Ukraine sử dụng tên lửa do Mỹ và Anh sản xuất nhằm vào các mục tiêu ở Nga. Ảnh: AP

Các vụ tấn công nói trên xảy ra ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký học thuyết hạt nhân sửa đổi, chính thức hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân của nước này.

Trước đó, ông Putin đã cảnh báo Mỹ và các đồng minh NATO khác rằng việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga sẽ có nghĩa là Nga và NATO sẽ xảy ra chiến tranh.

Học thuyết mới cho phép Nga có khả năng đáp trả bằng vũ khí hạt nhân ngay cả khi có một cuộc tấn công thông thường vào Nga do bất kỳ quốc gia nào được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ.

Hoàng Anh (theo AFP, Newsweek, Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nga-phong-ten-lua-xuyen-luc-dia-co-kha-nang-hat-nhan-vao-ukraine-nguy-hiem-ngay-cang-gia-tang-post322298.html