Nga - phương Tây bất đồng gay gắt tại cuộc họp Hội đồng Bảo an
Ngày 24-4, tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) tổ chức phiên thảo luận mở cấp bộ trưởng với chủ đề 'Chủ nghĩa đa phương hiệu quả thông qua bảo vệ các nguyên tắc của Hiến chương LHQ'. Phiên họp do Ngoại trưởng Nga (nước chủ tịch HĐBA LHQ vào tháng 4-2023) Sergei Lavrov chủ trì với sự tham dự và phát biểu của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và đại diện hơn 50 nước thành viên.Ngày 24-4, tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) tổ chức phiên thảo luận mở cấp bộ trưởng với chủ đề 'Chủ nghĩa đa phương hiệu quả thông qua bảo vệ các nguyên tắc của Hiến chương LHQ'. Phiên họp do Ngoại trưởng Nga (nước chủ tịch HĐBA LHQ vào tháng 4-2023) Sergei Lavrov chủ trì với sự tham dự và phát biểu của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và đại diện hơn 50 nước thành viên.
Đổ lỗi cho nhau
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lavrov nói: "Thế giới đã đạt đến ngưỡng nguy hiểm giống như thời Chiến tranh Lạnh, thậm chí có thể còn nguy hiểm hơn". "Tình hình trở nên tồi tệ hơn với sự mất niềm tin vào chủ nghĩa đa phương" - ông nhấn mạnh. Nhà ngoại giao Nga cho rằng "thiểu số phương Tây" không được phép "lên tiếng thay cho toàn thể nhân loại" mà cần "tôn trọng tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế". Ông cáo buộc các nước phương Tây đang phá hủy toàn cầu hóa và bóp nghẹt chủ nghĩa đa phương. .
Trong bài phát biểu, Ngoại trưởng Nga đã bảo vệ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Theo ông Lavrov, Ukraine là bên gây hấn thực sự, còn Mỹ là bên làm trầm trọng thêm các thách thức địa chính trị trên thế giới. "Ngày nay, hệ thống mà LHQ là trung tâm đang rơi vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc mà nguyên nhân chính là do một số thành viên của tổ chức này mong muốn thay thế luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ bằng một số 'trật tự dựa trên luật lệ'. Không ai từng thấy những quy tắc này, chúng chưa bao giờ là chủ đề của các cuộc đàm phán quốc tế minh bạch", Sputnik dẫn lời ông Lavrov cho biết. Ông Lavrov cáo buộc Kiev đang thúc đẩy "các hoạt động của Đức Quốc xã" và cấm ngôn ngữ, văn hóa Nga, ông đề cập việc NATO có kế hoạch mở rộng sang Ukraine. Theo ông, cuộc chiến "không phải tất cả là về Ukraine" mà là kế hoạch của phương Tây nhằm tận dụng Kiev để làm suy yếu Nga.
Trong khi đó, các nước phương Tây gồm Mỹ, Pháp và Anh đã chỉ trích Nga vì cuộc chiến ở Ukraine. Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield đã gọi Nga là "nước triệu tập họp đạo đức giả" và cáo buộc gay gắt: "Nga đã tấn công nước láng giềng Ukraine và đánh vào ngay tâm điểm của Hiến chương LHQ. Cuộc chiến bất hợp pháp, vô cớ và không cần thiết này đi ngược lại nguyên tắc thiêng liêng nhất của chúng ta". Trong phát biểu trực tiếp nhằm vào ông Lavrov, bà Thomas-Greenfield nhắc lại lời kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho phóng viên Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal và cựu Thủy quân lục chiến Mỹ Paul Whelan.
Đại sứ Anh tại LHQ Barbara Woodward cho rằng hơn một năm sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine, Nga đã gây ra "sự đau khổ không thể tưởng tượng được cho quốc gia này khi giẫm lên Hiến chương LHQ". Đại sứ Olof Skoog - Trưởng Phái đoàn Thường trực Liên minh châu Âu (EU) tại LHQ nói: "Bằng cách tổ chức cuộc họp này, Nga đang cố gắng thể hiện mình là người bảo vệ Hiến chương LHQ và chủ nghĩa đa phương". Theo ông, nếu Moscow quan tâm đến chủ nghĩa đa phương thì đã tôn trọng kết quả bỏ phiếu của Đại hội đồng LHQ hồi tháng 2 về việc yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine.
Về phần mình, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ trong hệ thống của những mối quan hệ đa phương, với việc căng thẳng giữa các cường quốc đạt mức cao nhất kể từ khi thành lập LHQ. Để tránh nguy cơ bùng nổ chiến tranh do rủi ro và tính toán sai lệch gia tăng, ông Guterres đã kêu gọi các nước đưa ra những giải pháp đa phương hiệu quả để ngăn chặn và giải quyết xung đột, cũng như đối phó với tình trạng bất ổn kinh tế và loại bỏ những thách thức đối với việc giảm thiểu sử dụng vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Ngoài ra, ông Guterres cũng kêu gọi mở rộng Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, một thỏa thuận do Liên hợp quốc làm trung gian nhằm thiết lập hành lang nhân đạo trên biển cho các nông sản Ukraine.
Nga cảnh báo về nguy cơ đụng độ trực tiếp với Mỹ
Giám đốc Cục Kiểm soát và Không phổ biến vũ khí của Bộ Ngoại giao Nga Vladimir Yermakov nhận định nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp giữa hai cường quốc hạt nhân Nga và Mỹ không ngừng gia tăng.
Phát biểu với hãng thông tấn TASS ngày 25-4, ông Yermakov cho biết: "Nếu Mỹ tiếp tục đi theo hướng đối đầu với Nga, trong khi rủi ro xung đột quân sự trực tiếp gia tăng, thì số phận của Hiệp ước New START có thể chấm dứt". Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất, tức là nếu Washington đẩy tình hình vào một cuộc đụng độ quân sự giữa các cường quốc hạt nhân mạnh nhất, thì không chỉ số phận của New START mà là số phận của toàn thế giới mới là điều đáng lo ngại.
Theo ông Yermakov, điều này một lần nữa khẳng định rằng mối đe dọa cấp bách nhất hiện nay không liên quan đến cuộc tấn công quy mô lớn đầu tiên, vốn sẽ bị kiềm chế bởi các thỏa thuận như New START, mà là nguy cơ leo thang hạt nhân do một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân với những rủi ro tiếp tục gia tăng. "Chúng tôi tiếp tục gửi tín hiệu nghiêm túc tới phương Tây rằng cần phải ngăn chặn thảm họa xảy ra", ông Yermakov nói, song nhấn mạnh rằng phương Tây vẫn làm ngơ trước những lời kêu gọi từ phía Moscow. Nhà ngoại giao này nhấn mạnh, để cải thiện tình hình, Mỹ phải ngay lập tức tiến hành các bước cụ thể để giảm leo thang và xóa bỏ đường lối thù địch nhằm phá hoại an ninh của Nga.