Nga ra 'tối hậu thư' buộc các nước trả tiền năng lượng bằng đồng Rúp
Trong sắc lệnh ngày 1/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố các quốc gia 'không thân thiện' phải mở tài khoản ngân hàng Nga và thanh toán bằng đồng Rúp, nếu không nước này sẽ cắt giảm một nửa nguồn cung.
"Để mua khí đốt của Nga, các nước cần mở tài khoản giao dịch bằng đồng Rúp tại ngân hàng Nga", Tổng thống Putin phát biểu trên truyền hình ngày 31/3.
Reuters dẫn lời Tổng thống Nga nhấn mạnh: "Chẳng ai bán bất cứ thứ gì miễn phí và chúng tôi cũng sẽ không làm từ thiện. Điều đó có nghĩa là các hợp đồng hiện có sẽ bị tạm dừng nếu không thanh toán bằng đồng Rúp. Nếu các khoản thanh toán bằng đồng Rúp không được thực hiện, chúng tôi sẽ cói đây là trường hợp bên mua không thực hiện nghĩa vụ. Họ sẽ phải chịu những hậu quả”.
Theo sắc lệnh về việc giao dịch các hợp đồng năng lượng mà ông Putin đưa ra, bên mua phải mở tài khoản đặc biệt tại ngân hàng Gazprombank - công ty con của tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ Gazprom. Sau đó, bên mua sẽ chuyển các khoản thanh toán vào tài khoản Gazprombank bằng ngoại tệ, phía ngân hàng sẽ đổi các khoản tiền này thành đồng Rúp để thực hiện các giao dịch mua bán.
Quang cảnh bên trong một cơ sở xử lý khí đốt, do công ty Gazprom điều hành, tại mỏ khí đốt Bovanenkovo trên bán đảo Bắc Cực Yamal, Nga. Ảnh: Reuters
Nga cho biết sẽ tiếp tục đáp ứng nghĩa vụ cung cấp khí đốt với khối lượng và mức giá được ấn định theo các hợp đồng hiện có. Tuy nhiên, việc thanh toán bằng đồng Rúp của Nga là điều kiện bắt buộc và không thể thương lượng.
Theo các chuyên gia, động thái siết chặt yêu cầu thanh toán hợp đồng năng lượng bằng đồng Rúp là cách Nga trả đũa lại các lệnh trừng phạt của châu Âu. Trước đó, phương Tây đã áp cấm vận lên lên các ngân hàng, doanh nghiệp, doanh nhân và các chính trị gia cấp cao của Nga, đồng thời đóng băng khoảng 300 tỷ USD, gần một nửa dự trữ quốc tế của nước này.
Khi quyết định của ông Putin được thực hiện, châu Âu sẽ phải mua lượng Rúp trị giá hàng trăm triệu Euro mỗi ngày. Điều này sẽ giúp củng cố sức mạnh của đồng nội tệ Nga, vốn đã giảm kỷ lục kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine.
Hiện tại, châu Âu đứng trước khả năng mất 1/3 tổng nguồn cung khí đốt sau tuyên bố của Nga. Trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu là những nước vốn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Sự phụ thuộc vào khí đốt Nga khiến nhiều các nước EU chia rẽ và không thể đưa ra quyết định trước những những lời kêu gọi của Mỹ và Ukraine về việc cấm vận năng lượng.
EU cố gắng chạy đua để tìm kiếm những lựa chọn khác ngoài Nga, nhưng thị trường toàn cầu đang trong thời kỳ thắt chặt. Mỹ đã tăng cường đẩy mạnh xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) sang châu Âu, nhưng vẫn không đủ để khối này giảm “cơn khát dầu”.
"Điều quan trọng đối là chúng ta phải phát đi tín hiệu rằng chúng ta không bị khuất phục bởi hành động 'tống tiền' của Nga”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tuyên bố và cho biết thêm rằng Nga không thể chia rẽ châu Âu. Đức cho biết các khoản thanh toán khí đốt Nga sẽ tiếp tục được thực hiện bằng đồng Euro. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho biết Pháp và Đức đang chuẩn bị cho khả năng dòng khí đốt của Nga bị ngừng lại trong trường hợp họ không thanh toán bằng đồng Rúp.
"Có thể ngay ngày mai chúng tôi sẽ không còn khí đốt từ Nga. Giờ thì chúng tôi phải chuẩn bị cho những tình huống này", ông Le Maire nói sau cuộc hội đàm tại Berlin với người đồng cấp Đức Robert Habeck hôm 31/3.