Ngã rẽ bất ngờ của chàng trai cơ điện về thành lập HTX chăn nuôi gia súc

Tốt nghiệp trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ, nhưng anh Nguyễn Công Nghiệp (xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) lại quyết tâm theo đuổi nghề chăn nuôi truyền thống của gia đình. Với ý chí, quyết tâm lớn, anh đã xây dựng thành công mô hình nuôi trâu, bò quy mô bài bản, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi.

Đứng đầu một HTX nông nghiệp khi mới ở tuổi 30, anh Nguyễn Công Nghiệp, Giám đốc HTX Chăn nuôi đại gia súc Nghiệp Thành hiểu khó có thể giàu nhanh, giàu xổi được, mà cần giữ sự phát triển bền vững, có nấc thang tiến tới cho HTX.

Những sóng gió và biến cố đã trải qua, từ sự khó khăn của việc phát triển thành viên, xây dựng trang trại đến việc giữ nông dân ở lại, tin tưởng vào những gì Ban quản trị HTX nỗ lực để duy trì nguồn sinh kế bền vững cho người nông dân trong vùng là cả quá trình dài.

Từ nuôi lươn đến nuôi bò

Giám đốc HTX Nghiệp Thành gọi việc đến với chăn nuôi này là cái “nghiệp”. Nghiệp yêu đàn bò, chuồng trại, đồng cỏ,… khi anh đã trải qua nhiều lần thất bại.

HTX Nghiệp Thành thực hiện nuôi trâu, bò nhốt chuồng, đưa kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi.

HTX Nghiệp Thành thực hiện nuôi trâu, bò nhốt chuồng, đưa kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi.

Tuổi trẻ cùng nhiều đam mê, dám nghĩ dám làm, năm 2014, anh Nghiệp đã từng từ chối công việc kỹ thuật tại Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa trở về quê lập nghiệp với khát khao làm giàu từ nông nghiệp, quyết tâm trở thành “nông dân hiện đại”. Hơn nữa, anh đang là một tấm gương sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới của xã Tân Thành.

Xắn tay khởi nghiệp từ mô hình nuôi lươn, vụ đầu tiên, anh Nghiệp thắng lớn, lươn thịt bán được giá cao, trừ mọi chi phí, anh thu lãi 60 triệu đồng. Qua đánh giá nhu cầu, thị trường tiềm năng, anh Nghiệp mạnh dạn vay thêm vốn mở rộng quy mô nuôi lươn.

Tuy nhiên, việc gia tăng mật độ nuôi trên cùng một diện tích làm lươn mắc bệnh chết đồng loạt khiến chàng thanh niên trẻ khốn đốn vì mất trắng gần 300 triệu đồng.

“Đam mê là một chuyện, nhưng khi bắt tay vào làm, tôi mới nhận ra việc chăn nuôi không hề đơn giản, nuôi con gì cũng vậy, nếu không tính toán kỹ hay thiếu sót kỹ thuật chăm sóc thì cũng khó thành, cuộc sống của gia đình trở nên khó khăn hơn sau những lần thất bại như thế”, anh Nghiệp tâm sự.

Sau mỗi lần vấp ngã, anh lại phân tích, rút kinh nghiệm và tự bồi dưỡng thêm kỹ năng, kiến thức kỹ thuật chăn nuôi. Cách học hỏi của anh Nghiệp là thường xuyên theo dõi các bản tin nông nghiệp, đọc sách báo về nông nghiệp, nông thôn và tham quan các mô hình chăn nuôi hiệu quả trong và ngoài tỉnh.

Qua thời gian nghiên cứu kỹ, anh Nghiệp quyết định chuyển hướng sang chăn nuôi đại gia súc vì nhận thấy tiềm năng, thế mạnh tại địa phương.

Khi đó, anh lựa chọn nuôi bò sinh sản bằng hình thức nuôi nhốt kết hợp với chăn thả giúp nâng cao hiệu quả kinh tế. Với cách nuôi này, gia súc được cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng, dễ quản lý, tỷ lệ sinh sản cao, giảm rủi ro, hiệu quả cao hơn so với cách chăn thả tự nhiên. Song song đó, anh Nghiệp nuôi 2 con bò đực làm dịch vụ phối giống, tối ưu hóa lợi nhuận.

Đến nay, anh Nghiệp đang duy trì nuôi từ 10 - 12 bò cái sinh sản. Những con bò cái được tuyển chọn kỹ lưỡng nên mỗi năm đều sinh sản 1 lứa. Bò con đẻ ra giữ lại nuôi đủ 1 năm là có thể bán làm bò giống hoặc bò thịt với giá từ 20 - 30 triệu đồng/con.

Từ nuôi bò sinh sản, bò đực phối giống, anh Nghiệp có nguồn lãi 500 triệu đồng/năm, giúp anh trả được nợ, đầu tư mua xe tải làm thêm dịch vụ chở hàng thuê.

Hành trình xây dựng niềm tin với các thành viên

Giám đốc HTX Nghiệp Thành kể: "Hành trình của chúng tôi bắt đầu khi đi từng nhà, động viên từng thành viên, tập hợp được để cùng nhau xây dựng mô hình chăn nuôi gia súc lớn trên vùng đất trù phú Tân Thành".

Giám đốc HTX Nguyễn Công Nghiệp thường xuyên tổ chức chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh, cách quản lý vật nuôi, liên kết, tìm đầu ra cho các thành viên.

Giám đốc HTX Nguyễn Công Nghiệp thường xuyên tổ chức chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh, cách quản lý vật nuôi, liên kết, tìm đầu ra cho các thành viên.

HTX Nghiệp Thành được thành lập từ tháng 8/2020, ban đầu có 12 thành viên, nay đã tăng lên 16 thành viên cùng nhau xây dựng thương hiệu uy tín cho sản phẩm trâu, bò giống và thương phẩm địa phương. Từ đây, anh Nghiệp chủ động bắt mối và liên kết với các HTX trong tỉnh để chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, sinh sản.

“Ban đầu khó khăn lắm. Người nông dân vốn chỉ quen với những chú bò Sind đỏ truyền thống, chăn nuôi hoang dã. Khi mới làm quen với chú bò lai, họ còn lóng nga lóng ngóng vì mới tiếp cận mô hình thử và lý thuyết, chứ chưa được thực tế nhiều. Lúc này, cả nông dân lẫn bộ máy quản lý HTX phải cùng nhau học hỏi từng bước”, anh Nghiệp nhớ lại.

Có những thời điểm, nhiều hộ thành viên chán nản, muốn bỏ bò bán cho thương lái để kiếm tiền để trả nợ và trang trải cuộc sống hàng ngày.

Ban quản trị HTX cùng địa phương kịp thời khuyên ngăn, giải thích giúp mọi người hiểu được ý nghĩa, lợi ích thiết thực tham gia HTX, tránh sự “dụ dỗ” của cánh thương lái, thành viên sẽ vì cái lợi trước mắt mà bỏ cả sinh kế lâu dài.

Những thành công bước đầu, cũng là nền tảng niềm tin giúp anh Nghiệp và các thành viên HTX duy trì mô hình ngày càng phát triển đến bây giờ. Từ việc HTX còn đi vay nợ trăm triệu đồng, đến nay lợi nhuận hàng năm để chia đều cho thành viên lên tới hàng chục triệu đồng.

Thay vì cho trâu, bò ăn thức ăn công nghiệp, HTX hướng dẫn các thành viên cho trâu, bò ăn thức ăn hoàn toàn tự nhiên như cỏ voi, rơm rạ, bột cám gạo nhằm hướng đến cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

HTX còn hỗ trợ xây dựng chuồng nuôi cứng hóa nền sàn để bảo đảm sạch sẽ, xung quanh thiết kế các cửa sổ lớn để thông thoáng. Trên mái được lắp đặt hệ thống giàn phun nước, bên trong lắp quạt để làm mát cho đàn trâu, bò.

Cũng theo anh Nghiệp, để đàn trâu bò phát triển khỏe mạnh, chóng lớn, điều quan trọng phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại để ngăn ngừa dịch bệnh; đặc biệt là tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh theo khuyến cáo của cán bộ thú y.

Dịp cuối năm 2020 và đầu năm 2021, các thành viên phát triển nuôi bò vỗ béo với tổng số đàn 70 con. Qua lứa nuôi 4 tháng, khi xuất bán, trừ mọi chi phí, trung bình người nuôi có lãi từ 4 - 5 triệu đồng/con, mở hướng đi tiềm năng mới cho các thành viên.

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên HTX đang tổ chức cho các thành viên tạm thời giảm quy mô nuôi bò vỗ béo, tập trung phát triển nuôi trâu, bò sinh sản.

Hiện, các thành viên đang duy trì tổng đàn vật nuôi trên 150 con. Đáng chú ý, để chủ động nguồn thức ăn sẵn cho gia súc, tiết kiệm chi phí đầu vào, mỗi thành viên đều quy hoạch trồng 3 sào cỏ voi trở lên tại vườn nhà.

Quan trọng hơn, HTX Nghiệp Thành đang là mô hình giữ người nông dân ở lại quê hương mà không phải xa quê tìm kế mưu sinh ở các thành phố. Giá trị bền vững cho từng nông dân như vậy rất quan trọng trong ổn định phát triển kinh tế vùng.

Tô Thương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nga-re-bat-ngo-cua-chang-trai-co-dien-ve-thanh-lap-htx-chan-nuoi-gia-suc-1081475.html