Ngã rẽ nào cho nước Pháp?

Hai ứng viên tranh cử Tổng thống với hai quan điểm đối lập về thế giới quan đã đặt nước Pháp trước ngã rẽ lớn.

Các khảo sát cho thấy đương kim Tổng thống Emmanuel Macron sẽ giành chiến thắng trước ứng viên đảng cực hữu Marine Le Pen trong cuộc bầu cử lần này với tỉ lệ sát sao.

Thêm một nhiệm kỳ năm năm cho ông Macron có lẽ sẽ khiến nhiều đối tác châu Âu và quốc tế của Pháp thở phào nhẽ nhõm, nhất là khi nền kinh tế thế giới tiếp tục phải đối mặt với hậu quả nặng nề từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Trong khi đó, một chiến thắng cho bà Le Pen, người theo đuổi chủ nghĩa hoài nghi châu Âu (Eurosceptic) với tuyên bố sẽ rút Pháp khỏi bộ chỉ huy NATO, được ví như một cơn địa chấn chính trị tương tự như Brexit hay chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016.

Một khảo sát của tờ Financial Times dự báo ông Macron sẽ chiến thắng với tỉ lệ phiếu 54,6% so với 45,4% giành cho bà Le Pen. Trong khi đó vào năm 2017, vị đương kim Tổng thống từng giành chiến thắng trước chính đối thủ này với tỉ lệ 66-34%.

Ưu tiên hàng đầu của cả hai ứng viên là giành được sự ủng hộ của gần 8 triệu cử tri từng ủng hộ nhà lãnh đạo cánh tả Jean-Luc Melenchon ở vòng đầu tiên, cũng như thuyết phục những cử tri không có ý định đi bỏ phiếu hay sẽ bỏ phiếu trắng.

Ở vòng bỏ phiếu đầu tiên với 12 ứng viên, ông Macron đứng ở vị trí thứ nhất với 28% số phiếu, xếp sau là bà Le Pen với 23% và ông Melenchon (22%).

Trong suốt một năm qua, bà Le Pen đã cho thấy là một đối thủ khá khó chịu đối với ông Macron với các chiến dịch tranh cử trải dài trên khắp nước Pháp. Đáng chú ý, ưu tiên được bà nhắc tới hiện nay là vấn đề đói nghèo và giá hàng hóa tăng cao do cuộc xung đột Nga-Ukraine, thay vì những vấn đề cố hữu mà đảng của bà luôn đặt trọng tâm là nhập cư và tình trạng tội phạm.

Trong ngày thứ sáu, ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử, bà Le Pen đã nhắc tới một trong những vấn đề tranh cãi nhất trong đề xuất tranh cử của ông Macron, đó là kế hoạch kéo dài tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 65 nhằm duy trì ổn định hệ thống an sinh xã hội, cũng như tiếp nối xu hướng các nước phát triển khi độ tuổi trung bình của người dân đang ngày càng tăng.

“Với Emmanuel Macron, người Pháp có lẽ sẽ phải làm việc suốt đời”, bà nói một cách mỉa mai khi đi thăm một khu chợ ở Etaples, miền bắc nước Pháp.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri cuối cùng vào tối ngày thứ năm, bà nói rằng người dân sẽ có sự lựa chọn giữa một bên là ông Macron với "chủ nghĩa toàn cầu", và phía còn lại là tầm nhìn “dân tộc” với mục tiêu một đất nước phụng sự người dân. “Cuối cùng sẽ là một câu hỏi khá đơn giản: Các bạn muốn Macron hay các bạn muốn nước Pháp?”, bà nói.

Macron, người được dư luận đánh giá đã vượt trội bà Le Pen trong cuộc tranh luận duy nhất trên truyền hình vào hôm thứ tư, cũng nhìn nhận cuộc bầu cử như sự lựa chọn giữa hai cách nhìn nhận đối lập về thế giới quan.

Trong cuộc tiếp xúc cử tri cuối cùng ở Figeac, tây nam nước Pháp, ông Macron đã kết thúc bài phát biểu của mình khi tuyên bố cuộc bầu cử sẽ như một lần chưng cầu dân ý về sự đồng thuận hay đối lập với châu Âu; đồng thuận hay đối lập vì một nước Pháp đoàn kết; đồng thuận hay đối lập vì một nền kinh tế mạnh; và đồng thuận hay đối lập với những giá trị và lịch sử của đất nước.

Ngọc Diệp

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nga-re-nao-cho-nuoc-phap.html