Ngã rẽ quan trọng của ba nhà lãnh đạo Mỹ-Hàn Quốc-Triều Tiên

Tờ The Korea Times nhận định, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump - ba nhà lãnh đạo đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên - đang đứng trước những sự lựa chọn và tính toán có tác động rất lớn tới vị thế chính trị cá nhân trên trường quốc tế.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đều có mục đích chính trị riêng trong đàm phán hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. (Ảnh: Bae So-young)

Muôn trùng thách thức bủa vây

Theo quan sát của giới nghiên cứu, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang phải đối mặt với nhiều bất đồng trong việc quản lý các vấn đề nhà nước. Kết quả cuộc thăm dò của hãng Realmeter ngày 20/7 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ của chính trị gia 67 tuổi là 44,8% - mức thấp nhất trong 9 tháng qua.

Theo phân tích của Realmeter, tỷ lệ ủng hộ của ông Moon giảm mạnh là do các cáo buộc quấy rối tình dục liên quan đến các thành viên cấp cao của Đảng Dân chủ cầm quyền Hàn Quốc. Bên cạnh đó, sự ủng hộ của người dân xứ sở kim chi đối với vị Tổng thống đương nhiệm cũng giảm do giá nhà đất tăng cao, đặc biệt ở khu vực Thủ đô Seoul và các thành phố lân cận.

Nhiệm kỳ Tổng thống của ông Moon Jae-in sẽ kết thúc vào tháng 5/2022 và để xoay chuyển cục diện, giới quan sát tin rằng, Tổng thống Moon đang cố gắng cải thiện quan hệ liên Triều – nhiệm vụ tối quan trọng trong nhiệm kỳ của ông.

“Chính quyền của Tổng thống Moon đang áp dụng các phương thức chính trị nhằm lôi kéo tỷ lệ cử tri ủng hộ và việc cải thiện quan hệ liên Triều được coi là chìa khóa để đạt được điều đó”, Giáo sư chính trị quốc tế Park Won-gon tại Đại học Handong Global của Hàn Quốc nhận định.

Joseph DeTrani, cựu đặc phái viên Mỹ trong các cuộc đàm phán sáu bên về hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên khẳng định:" Thách thức của Tổng thống Moon Jae-in là hợp tác với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để củng cố quan hệ liên Triều và đưa cuộc đàm phán trở lại đúng quỹ đạo theo Tuyên bố Panmunjeom năm 2018 - thành quả của nỗ lực làm trung gian hòa giải của ông Moon Jae-in".

Trong quan hệ với Mỹ, cựu đặc phái viên DeTrani cho rằng, Tổng thống Moon Jae-in cần đảm bảo quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn Quốc phát triển vững chắc, còn vấn đề Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA) được giải quyết một cách hòa bình và chuẩn bị tiến hành chuyển giao Quyền kiểm soát hoạt động thời chiến (OPCON) của quân đội Hàn Quốc theo kế hoạch.

Trong khi đó, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng phải đối mặt với một vài thách thức liên quan đến phát triển kinh tế và ổn định đất nước.

"Sự bế tắc trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ và đại dịch Covid-19 đã khiến cho tình hình kinh tế ở Bình Nhưỡng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu Nhà lãnh đạo Kim Jong-un không thể tìm thấy một bước đột phá lớn trong việc giải quyết các vấn đề, quyền lực của ông Kim có thể bị suy giảm", Giáo sư Park Won-gon nhận định.

Về phần mình, không khó để nhận ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang phải trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong nhiệm kỳ chèo lái con thuyền nước Mỹ. Phó Giáo sư nghiên cứu quốc tế Leif-Eric Easley tại Đại học Ewha Womans đồng tình rằng, thách thức lớn nhất đối với ông Trump là sự trượt dốc trong cuộc đua song mã vào Nhà Trắng.

Một cuộc thăm dò mới vừa được hãng tin Fox News thực hiện cho thấy, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gia tăng cách biệt so với đương kim Tổng thống Donald Trump với 12 điểm phần trăm, làm dấy lên suy đoán rằng, đại diện của đảng Cộng hòa có thể là vị Tổng thống thứ tư để thua trong nhiệm kỳ thứ hai sau các cựu Tổng thống Gerald Ford, Jimmy Carter và George H.W. Bush.

Dù vậy, một số nguồn tin cho rằng, Tổng thống Trump có thể tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh với Bình Nhưỡng "bất ngờ vào tháng 10" ngay trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 tới nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri.

Thận trọng dò đường

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhậm chức vào tháng 5/2017, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên thệ vào tháng 1/2017, còn Nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền vào tháng 12/2011. Tuy nhiên, tờ The Korea Times nhận định, cho đến nay, cả ba nhà lãnh đạo này đã không đạt được những thành tựu ngoại giao nổi trội. Dù ít dù nhiều, những nỗ lực thúc đẩy hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên của họ là không thể phủ nhận.

Trong bối cảnh Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chỉ còn hai năm cầm quyền và khả năng tái đắc cử không cao, chính trị gia này được cho là đang tìm cách duy trì sự hỗ trợ về mặt lập pháp và công khai thể chế hóa các cải cách. Giáo sư Park cũng cho biết, về mặt đối ngoại, Tổng thống Moon luôn mong mỏi cải thiện mối quan hệ song phương hai miền Triều Tiên và sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn cho các dự án liên Triều trong thời gian tới.

Trong khi đó, cựu đặc phái viên Mỹ DeTrani nhận định, trong tương lai, Triều Tiên sẽ cố gắng "dỡ bỏ hoặc nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm bình thường hóa quan hệ với Washington, trong khi vẫn đảm bảo an ninh cần thiết cho Bình Nhưỡng”.

Mặc dù Tổng thống Donald Trump, Tổng thống Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đều có phong cách lãnh đạo riêng biệt, song không khó để nhận thấy, cả ba chính trị gia đều đang nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và đạt được những thành tựu đối ngoại nhất định. Dù vậy, mục tiêu đem lại hòa bình, ổn định và thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên vẫn là một bài toán khó mà cả ba nước cần sớm tìm câu trả lời.

Lan Phương

(theo The Korea Times)

Lan Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nga-re-quan-trong-cua-ba-nha-lanh-dao-my-han-quoc-trieu-tien-120252.html