Nga rút khỏi các cuộc thảo luận về thảm họa máy bay MH17
Trong tuyên bố đưa ra ngày 15/10, Nga tuyên bố sẽ rút khỏi các cuộc tham vấn với Hà Lan và Australia liên quan đến vụ rơi máy bay MH17 vào năm 2014 của hãng hàng không Malaysia Airlines với lý do có những 'mưu đồ' chỉ nhằm quy trách nhiệm cho Moskva.
Mảnh vỡ máy bay MH17 trên cánh đồng gần làng Grabove, khu vực Donetsk, Ukraine, ngày 20/7/2014.
Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh những hành động "thù địch" từ phía Hà Lan khiến cho việc tiếp tục các cuộc tham vấn ba bên và sự tham gia của Moskva là "vô nghĩa". Bộ này chỉ trích Hà Lan đã đưa vụ việc lên Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) nhằm chống lại Nga chỉ sau 3 vòng đàm phán, do đó Amsterdam phải chịu trách nhiệm về việc hủy hoại các cuộc tham vấn này.
Tuyên bố cho biết Nga đồng ý tiến hành các cuộc thảo luận ba bên với Hà Lan và Australia vào năm 2018 với kỳ vọng sẽ xác định được nguyên nhân thực sự của vụ rơi máy bay MH17. Tuy nhiên, "Australia và Hà Lan rõ ràng không bao giờ muốn tìm hiểu chuyện gì đã thực sự xảy ra vào mùa Hè năm 2014, mà chỉ tìm cách buộc Nga phải nhận trách nhiệm và bồi thường cho thân nhân các nạn nhân" trong vụ rơi máy bay. Nga cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với Hà Lan trong cuộc điều tra, nhưng "theo một hình thức khác".
Hiện trường vụ rơi máy bay MH17 gần thị trấn Shaktarsk, miền Đông Ukraine, ngày 18/7/2014.
Sau tuyên bố trên của Nga, Hà Lan đã đưa ra những phản ứng đầu tiên. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết ông "thất vọng" và "bất ngờ" trước quyết định của Nga. Trong khi đó, Ngoại trưởng nước này, ông Stef Blok dã thông báo triệu Đại sứ Nga Alexander Shulgin tại Amsterdam để bày tỏ lấy làm tiếc về động thái của Moskva, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm tiếp tục đàm phán để xác định chính xác nguyên nhân vụ việc.
Tháng 6/2019, Nhóm Điều tra hỗn hợp (JIT) về vụ rơi máy bay MH17, do Hà Lan đứng đầu, thông báo kết luận điều tra, theo đó truy tố 3 công dân Nga và 1 công dân Ukraine với cáo buộc bắn rơi máy bay MH17. Nga đã bác bỏ kết luận này của JIT, trong khi Thủ tướng Malaysia khi đó là ông Mahathir Mohamad cũng đặt nghi vấn về tính khách quan của cuộc điều tra, cho rằng vụ việc đã bị chính trị hóa nhằm làm mất uy tín Nga. Hiện cả 4 nghi can liên quan đến vụ việc đều chưa bị bắt giữ. Ngày 28/9 vừa qua, một tòa án ở La Haye (Hà Lan) đã tiến hành phiên tòa xét xử mang tính thủ tục, trong đó luật sư đại diện cho Oleg Pulatov - một trong 4 nghi can, đã bác bỏ mọi dính líu của thân chủ đối với vụ việc. Hiện ngày dự kiến bắt đầu xét xử chính thức vẫn chưa được ấn định.