Nga sẵn sàng bồi thường nếu có sự cố với vắc xin Sputnik-V

Người đứng đầu Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga cho biết các nhà sản xuất sẽ gánh vác một số trách nhiệm pháp lý nếu xảy ra bất cứ sai sót nào với vắc xin ngừa COVID-19, thay vì yêu cầu người mua phải chịu toàn bộ rủi ro.

Nhân viên y tế Nga chuẩn bị vắc xin thử nghiệm cho tình nguyện viên vào ngày 17.9 - Ảnh: Reuters

Nhân viên y tế Nga chuẩn bị vắc xin thử nghiệm cho tình nguyện viên vào ngày 17.9 - Ảnh: Reuters

Quyết định này có nghĩa tất cả đơn vị phát triển vắc xin của Nga sẽ phải chịu một phần chi phí nếu quốc gia mua sản phẩm yêu cầu bồi thường, trong trường hợp phát hiện tác dụng phụ không mong muốn. Đây là rủi ro mà các nhà sản xuất vắc xin thường né tránh bằng cách yêu cầu được bảo vệ hoàn toàn khỏi trách nhiệm pháp lý đối với nước đối tác.

Các nhà phát triển vắc xin trên khắp thế giới đang rút ngắn quá trình phát triển vốn kéo dài nhiều năm xuống còn vài tháng dưới áp lực của cuộc đua vắc xin trên toàn cầu. Điều này làm gia tăng lo ngại về tác dụng phụ của vắc xin, khiến vấn đề yêu cầu bồi thường trở thành điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán thỏa thuận cung ứng.

Cách tiếp cận của Nga về vấn đề này khác với nhiều nơi trên thế giới. Tại Mỹ, trách nhiệm đối với vắc xin COVID-19 đã được chuyển hoàn toàn cho chính phủ. Điều này giúp bảo vệ các nhà phát triển vắc xin vì việc tiêm chủng rộng rãi được coi là một lợi ích cho xã hội.

Nhà sản xuất dược phẩm AstraZeneca của Anh, công ty đã phát triển một loại vắc xin với Đại học Oxford, cũng được các quốc gia mà họ ký hợp đồng cung cấp bảo vệ khỏi bất kỳ yêu cầu trách nhiệm pháp lý nào nếu xảy ra sự cố.

Cuộc đua vắc xin toàn cầu đang nóng lên với hàng chục ứng cử viên tiềm năng đang được thử nghiệm trên người. Những người ủng hộ vắc xin Sputnik-V của Nga coi trách nhiệm pháp lý là chiến trường quan trọng để nhắm đến việc chiếm thị phần toàn cầu.

Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), cho biết: “Nga tự tin vào vắc xin của mình và đây là yếu tố khác biệt so với bất kỳ loại vắc xin phương Tây nào”. Tuy nhiên, Dmitriev không cho biết liệu người mua vắc xin Nga có bị yêu cầu chịu trách nhiệm một phần hay không và không đưa ra chi tiết về các điều khoản bồi thường.

Bình luận của ông Dmitriev được đưa ra sau khi một số nhà khoa học bày tỏ lo ngại về tính an toàn và hiệu quả của Sputnik-V, được chính phủ Nga phê duyệt sử dụng trước khi hoàn thành các thử nghiệm quy mô lớn trên người.

Fábio Vilas-Boas, Giám đốc Sở Y tế bang Bahia của Brazil, nơi có kế hoạch mua 50 triệu liều vắc xin của Nga, nói với Reuters rằng các rủi ro pháp lý sẽ do phía Nga gánh chịu. Cả hai bang Bahia và Paraná của Brazil đều có kế hoạch thử nghiệm vắc xin Sputnik-V trên 10.000 tình nguyện viên.

“Trong trường hợp xảy ra sự cố, người bị tổn hại hoàn toàn có thể nộp đơn kiện tập thể chống lại bất cứ hãng dược nào”, ông Vilas-Boas nói.

Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) - Ảnh: Reuters

Sputnik-V được phát triển bởi Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi trùng học Gamaleya ở Moscow, một cơ quan nghiên cứu nhà nước. Nga đã đánh dấu uy tín khoa học của mình sau khi phê duyệt vắc xin sử dụng trong nước trước khi bắt đầu thử nghiệm hàng loạt, trở thành quốc gia đầu tiên cấp phép cho vắc xin ngừa COVID-19.

Nhiều người tham gia vào quá trình phát triển Sputnik-V, bao gồm cả ông Dmitriev, đã tiêm thử vắc xin với hy vọng thuyết phục thế giới về độ an toàn và hiệu quả của sản phẩm. Dmitriev cho biết ông không lo ngại về các yêu cầu bồi thường chống lại RDIF. “Chúng tôi biết điều đó sẽ không xảy ra bởi vì vắc xin rất an toàn. Chúng tôi tự tin vào kết quả lâu dài”, ông nói.

Các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 hiện đang được tiến hành ở Nga, với ít nhất 40.000 tình nguyện viên tham gia. Kết quả ban đầu dự kiến công bố vào tháng 10 hoặc tháng 11. Tình nguyện viên trong thử nghiệm giai đoạn 3 không được trả lương, nhưng được nhận một bảo hiểm trị giá 26.430 USD trong trường hợp tử vong.

Trong khi đó, RDIF đang tiếp thị vắc xin ra nước ngoài và tuyên bố sẽ gánh một số rủi ro pháp lý trong các hợp đồng cung cấp của các công ty dược phẩm trong danh mục đầu tư của quỹ. RDIF đã cam kết phân phối 200 triệu liều tiêm, một nửa cho châu Mỹ Latinh, còn lại dành cho Ấn Độ. Quỹ cho biết họ còn nhận được đơn đặt hàng lên tới một tỉ liều.

RDIF cũng dự kiến thử nghiệm vắc xin này ở nước ngoài, các kế hoạch được thực hiện với công ty dược phẩm Ấn Độ Dr Reddy's và với bang Paraná của Brazil. Cả hai đều đang chờ phê duyệt của cơ quan quản lý.

Long Hải (theo Reuters)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-180/nga-san-sang-boi-thuong-neu-co-su-co-voi-vac-xin-sputnik-v-144413.html