Nga sản xuất trực thăng mới, để ngỏ việc xuất khẩu 'Thợ săn đêm'

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Trực thăng Nga, ông Andrey Shibitov, cho biết, máy bay trực thăng chiến đấu thế hệ mới sẽ thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào tháng 6 tới.

Thử nghiệm trực thăng mới

Đại diện công ty sản xuất trực thăng Russian Helicopter, ông Andrei Shibitov cho biết, Nga chuẩn bị đưa vào thử nghiệm một loại trực thăng chiến đấu mới có khả năng bay ở tốc độ lên tới 450 km/h (tốc độ hiện tại của chiếc trực thăng hiện đại nhất là 300km/h).

Theo ông Shibitov, tốc độ bay của mẫu trực thăng mới sẽ lớn hơn các thế hệ trực thăng cũ ở mức 50%. Đây được cho là sản phẩm của “Chương trình trực thăng siêu tốc” (PSV) đã bắt đầu từ năm 2010 và dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Mô phỏng trực thăng chiến đấu PSV

PSV dự kiến sẽ là loại trực thăng đa nhiệm để thay thế trực thăng Mi-8 và Mi-17 trong tương lai. PSV sẽ có vài phiên bản sử dụng để chở khách, tìm kiếm - cứu nạn, tuần tra,...

Bộ Quốc phòng Nga sẽ là cơ quan quyết định công bố những thông tin chi tiết về mẫu trực thăng siêu nhanh mới. Những nhà sản xuất khác của phương Tây như Eurocopter hay Sirkosky cũng đang thử nghiệm các nguyên mẫu tương tự với tốc độ của Sirkosky X2 lên tới 460 km/h và Eurocopter X3 thì chậm hơn một chút nhưng lại tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Để ngỏ khả năng xuất khẩu Mi-28N

Mi-28N Night Hunter (NATO định danh là Havoc – Kẻ tàn phá) do tập đoàn Rostvertol phát triển có thể tiêu diệt xe tăng chủ lực địch, xe thiết giáp, lính, tàu thuyền loại nhỏ và máy bay tầm thấp,...

Nó được thiết kế hoàn toàn cho mục đích tấn công nên khác các trực thăng khác là không có thêm chức năng vận tải. Điều này phần nào giúp khả năng chống tăng của nó tốt hơn Mi-24.

Rất nhiều nước quan tâm đến Mi-28NE trong đó có Việt Nam

Loại máy bay này có thể hoạt động mọi thời tiết, bất kể ngày hay đêm, trong điều kiện gió, bão cấp 7-8. Với trang thiết bị hiện đại tấn công mục tiêu trên biển, trên không và đất liền. Máy bay Mi-28NE hiện được rất nhiều quốc gia quan tâm, trong đó có Việt Nam, Brazil và nhiều nước Bắc Phi.

Điểm ưu việt trên Mi-28NE là hệ thống tác chiến điện tử tích hợp. Radar gắn trên cánh quạt hoạt động rất mạnh mẽ, đủ khả năng cung cấp vị trí máy bay địch trên bản đồ mô phỏng.

MI-28N được trang bị hai động cơ TV3-117VMA có công suất 2.500 sức ngựa, giúp máy bay có thể bay lùi, bay ngang, thực hiện góc lượn 45 độ trong vòng một giây, đạt trọng lượng cất cánh tối đa 11.500 kg với khả năng mang tải đến 2.350 kg vũ khí các loại. Loại động cơ này cho phép MI-28N có thể đạt tới vận tốc 300 km mỗi giờ và tầm hoạt động lên tới 1.100 km.

Trực thăng MI-28NE có nhiều tính năng vượt trội

Chiếc MI-28NE đầu tiên được xuất xưởng vào năm 2004 và được không quân Nga thử nghiệm kể từ tháng 6-2005. Ngay sau những thử nghiệm đầu tiên, Không quân Nga đã lập kế hoạch trang bị khoảng 60 chiếc MI-28NE và kể từ đó phiên bản này được đặt biệt danh là Night Hunter, "Thợ săn đêm". Cánh quạt của MI-28NE được sản xuất từ vật liệu composite, có thể chống được các loại đạn pháo 30 mm.

Nhờ sử dụng hệ thống tránh chướng ngại vật tự động, kết cấu hình cánh quạt giảm tín hiệu radar nên MI-28NE có thể bay cao dưới 20 mét mà vẫn không bị hệ thống phòng không (radar) phát hiện.

Hệ thống bảo vệ trong buồng lái cho phép các phi hành đoàn có thể sống sót khi gặp trục trặc trong quá trình hạ cánh hoặc bị đối phương bắn hạ ở tầm thấp. Ngoài ra, được cấu tạo với kết cấu mô-đun, Mi-28NE có thể dễ dàng sửa chữa, kể cả trong điều kiện thiếu thốn ở chiến trường.

Clip cơ chế hoạt động linh hoạt của Mi-28NE:

Đồng Thần

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/quan-su/nga-san-xuat-truc-thang-moi-de-ngo-viec-xuat-khau-tho-san-dem_19626.html