Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, quân đội Nga đã có kinh nghiệm đẩy lùi các cuộc tấn công bằng UAV, “Chúng tôi đã học cách đẩy lùi các cuộc tấn công của UAV và đang thực hiện khá hiệu quả”; ông Putin cho biết tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Quốc phòng và các doanh nghiệp của khu liên hợp công nghiệp-quân sự Nga tại Sochi ngày 2/11 vừa qua.
Quân đội Ukraine đã sử dụng UAV Bayraktar TB2 (mua của Thổ Nhĩ Kỳ) ở Donbas và đe dọa trực tiếp Nga; vậy Quân đội Nga đã tìm ra cách tiêu diệt máy bay không người lái này thế nào?
Trước đó, chỉ huy tác chiến của Quân đội Ukraine đã thông báo về việc sử dụng UAV TB2 vào nhiệm vụ chiến đấu và trinh sát, ở khu vực Donbass; khi một video tương ứng đã được lưu hành trên Internet.
Trong khi đó, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết, Moscow đang kiểm tra dữ liệu về việc sử dụng UAV của Kiev tại Donbass; nếu Ukraine sử dụng UAV TB2, thì Kiev đã vi phạm Thỏa thuận Minsk.
Vừa qua, Quân đội Nga đã hoàn thành một loạt cuộc tập trận nhằm kiểm tra chiến thuật mới đánh trả UAV trong chiến đấu ở địa hình rừng núi. Theo báo cáo của các đơn vị, các quân nhân Nga đã thực hành các chiến thuật, đẩy lùi các cuộc tấn công bằng UAV vũ trang của đối phương, trong điều kiện “khó khăn”.
Cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh vào tháng 9 năm ngoái cho thấy, việc đối phương sử dụng UAV tấn công trong điều kiện rừng núi, có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho quân ta, nếu lực lượng phòng không, không được tổ chức tốt.
Để phòng tránh đánh trả trong điều kiện đối phương sử dụng ồ ạt UAV, Quân đội Nga đã phát triển chiến thuật mới, sử dụng các hệ thống phòng không và thiết bị tác chiến điện tử để vô hiệu hóa mối đe dọa này.
Theo Izvestia, trích dẫn các nguồn tin quân sự, một loạt các biện pháp đối phó với UAV đã được tổ chức ở dãy núi Caucasus và Crimea. Lần đầu tiên các đơn vị tác chiến phòng không, tác chiến điện tử đã tiến hành thử nghiệm nguyên tắc chiến thuật và thực hành chống UAV trong thực tế; cuộc diễn tập được công nhận thành công, hiệu quả được khẳng định.
Một trong những cuộc tập trận này diễn ra tại dãy núi Kobu-Bashi ở Karachay-Cherkessia. Là một phần của cuộc tập trận, phân đội bộ binh cơ giới sơn cước, thuộc Lữ đoàn BBCG số 49 của Quân khu phía Nam, đã đẩy lùi một cuộc tấn công quy mô lớn của UAV.
Những vũ khí và khí tài được sử dụng trong cuộc diễn tập là các trạm gây nhiễu R-330Zh Zhitel, hệ thống tên lửa phòng không cơ động tầm thấp Tunguska-M1 và Strela-10. Kết quả là các phân đội phòng không đã tiêu diệt tất cả các mục tiêu UAV.
Trước đó, hệ thống nguyên tắc chiến thuật chống UAV được Quân đội Nga, được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của cuộc xung đột quân sự ở Nagorno-Karabakh, cũng như các hoạt động quân sự ở Syria; đã được áp dụng thành công, trong khuôn khổ cuộc tập trận chiến lược Phương Tây-2021.
Theo số liệu chính thức của Bộ Quốc phòng Ukraine, hiện nay Kiev có 12 chiếc UAV Bayraktar TB2 và trong tương lai, nước này có kế hoạch mua thêm 24 chiếc. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng, Ukraine mua UAV TB2 từ Thổ Nhĩ Kỳ là để “kiềm chế Nga và bảo vệ lãnh thổ của mình”.
Trọng tải chiến đấu của Bayraktar TB2 là 150 kg, trong đó phải giành 55 kg trọng tải cho hệ thống chỉ định mục tiêu và trinh sát quang điện tử; 95 kg trọng tải còn lại là mang vũ khí chiến đấu, do đó không cho phép UAV TB2 sử dụng các loại vũ khí hạng nặng của Thổ Nhĩ Kỳ.
UAV TB2 được trang bị 2 loại tên lửa MAM (Mini Akilli Mühimmat), với các đặc tính kỹ chiến thuật khác nhau; nhưng đều là loại tên lửa thông minh, sử dụng phương pháp dẫn đường bằng laser và GPS. Hiện nay những chiếc UAV TB2 mà Ukraine nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ, cũng đều được trang bị hai loại tên lửa này.
UAV TV2 có trần bay cao tối đa 8,5 km và có thể bị phát hiện bởi các trạm quan sát mắt thông thường, hoặc bằng các hệ thống quan sát quang học của hệ thống phòng không tiêu chuẩn hay các hệ thống tên lửa-pháo.
Hiện những loạt tên lửa phòng không vác vai (MANPAD) và pháo phòng không thông thường, không thể bắn tới UAV TB2, khi bay ở độ cao bay tối đa (với điều kiện không mang tải).
Nhưng khi UAV TB2 hoạt động với đầy đủ tải trọng chiến đấu, thì độ cao bay giảm xuống còn 5-6 km và lúc này UAV TB2 rơi vào tầm bắn hiệu quả của pháo phòng không cỡ trung bình từ 30mm trở lên.
Chưa kể khi thời tiết xấu, trần mây thấp, muốn phát hiện và tiêu diệt mục tiêu, UAV TB2 phải hạ xuống độ cao thấp hơn nữa, nên càng dễ bị bắn hạ. Bài học từ những chiếc UAV CH-4 của Trung Quốc bán cho Arab Saudi bị bắn hạ ở chiến trường Yemen là một ví dụ.
Ngoài ra, để vô hiệu hóa máy bay không người lái UAV TB2, có thể ngăn chặn kênh liên lạc của UAV với trạm điều khiển mặt đất thông qua các phương tiện chế áp điện tử; đây là thế mạnh của Nga.
UAV TB2 mặc dù có tầm bay cao, nhưng khả năng cơ động hạn chế, đường bay ổn định, do vậy cũng dễ bị các hệ thống tên lửa tầm ngắn như Pantsir-M và Tor bắn hạ và đặc biệt hệ thống phòng không Buk, có thể tiêu diệt UAV TB2 ở trần bay tối đa.
Theo các chuyên gia quân sự, UAV là mục tiêu dễ bị bắn hạ, chủ yếu phụ thuộc vào lực lượng phòng không mặt đất; ví dụ ở chiến trường Lybia, nơi hệ thống phòng không hoạt động hiệu quả, nên hàng chục chiếc UAV TB2 của phe thân Thổ đã bị bắn hạ.
Ở chiến trường Nagorno-Karabakh, mặc dù UAV TB2 được tung hô, nhưng người ta quên vai trò của loại UAV tự sát Harop mà Azerbaijan mua của Israel; chính loại UAV này đã “tàn sát” các hệ thống phòng không của Armenia, để cho UAV TB2 có đất diễn.
Hiện lực lượng dân quân LPR và DPR còn có loại vũ khí “trị” UAV TB2 hiệu quả, đó là các trạm tác chiến điện tử như Triton M1 để ngăn chặn kênh liên lạc của UAV TB2 với trung tâm điều khiển. Nếu UAV TB2 bay càng thấp thì hiệu quả chế áp càng cao.
Theo các chuyên gia, UAV TB2 nên được sử dụng làm phương tiện hỗ trợ chiến thuật, trong trường hợp đối phương không có hệ thống phòng không mạnh, chẳng hạn như để chống lại các lực lượng khủng bố. Nhưng với hệ thống phòng không mạnh, UAV TB2 tỏ ra không hiệu quả. Nguồn ảnh: QQ.
Tiến Minh