Nga sẽ làm gì khi Mỹ bố trí tên lửa đạn đạo tầm trung ở Alaska?

Mỹ đang xem xét bố trí tên lửa đạn đạo tầm trung ở Alaska để gia tăng 'áp lực cực đại' đối với Nga, Moscow đã đáp trả 'cực gắt'.

Để tăng cường khả năng răn đe chiến lược đối với Nga, các quan chức Mỹ gần đây đã đề xuất triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung ở Alaska, cách Nga không xa, để đối phó với nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra.

Một số chuyên gia quân sự chỉ ra rằng, nếu tên lửa được triển khai trên đảo Attu ở cực tây của Alaska, nó sẽ có thể tấn công căn cứ tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga trên bán đảo Kamchatka trong vòng chưa đầy 10 phút sau khi tên lửa được phóng. Động thái này của Mỹ có thể dẫn đến phản ứng mạnh mẽ từ Nga.

Máy bay F-35 của Mỹ ở một căn cứ tại Alaska. Nguồn: people.com.cn.

Máy bay F-35 của Mỹ ở một căn cứ tại Alaska. Nguồn: people.com.cn.

Mỹ cân nhắc triển khai tên lửa tầm trung ở Alaska

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingsley mới đây đã đăng tải trên mạng xã hội rằng, khu vực Alaska đang phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh ngày càng tăng.

Billingsley cho biết, mặc dù Quân đội Mỹ đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Alaska, nhưng nó chủ yếu được sử dụng để phòng thủ bị động. Trong tương lai, Quân đội Mỹ cũng sẽ cần triển khai các tên lửa đạn đạo tầm trung để tấn công tại đây.

Tên lửa đạn đạo tầm trung là một trong những loại tên lửa “đáng sợ” nhất thế giới, vì lý do này, Mỹ và Liên Xô đã ký Hiệp ước tên lửa tầm trung vào năm 1987, quy định rằng hai bên không còn duy trì, sản xuất hoặc thử nghiệm tên lửa tầm trung có tầm bắn từ 500 - 5.500 km.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Mỹ đã bí mật tái khởi động chương trình nghiên cứu tên lửa đạn đạo tầm trung và đơn phương rút khỏi Hiệp ước với Nga vào đầu năm 2019. Kể từ đó, Mỹ được cho là đã đẩy mạnh phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung. Do vậy, kế hoạch do Billingsley tiết lộ về việc Mỹ triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung ở Alaska không phải là không có căn cứ.

Nếu Mỹ triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung ở Alaska, tầm bắn của các tên lửa này có thể vươn tới các căn cứ tàu ngầm hạt nhân quan trọng của Hạm đội Thái Bình Dương Nga.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, nếu tên lửa phóng từ Alaska, chỉ mất 10 phút là có thể tấn công vào Petropavlovstk-Kamchasky, thành phố lớn nhất trên bán đảo Kamchatka. Do vậy, nếu Mỹ triển khai tên lửa tầm trung ở Alaska, Nga sẽ phải chịu áp lực chưa từng có từ Mỹ.

Lực lượng Mỹ ở Alaska không ngừng “khoe cơ bắp” với Nga

Quân đội Mỹ có hai căn cứ không quân ở Alaska, đó là Căn cứ Không quân Elmendorf và Căn cứ Không quân Elson. Được biết, quân đội Mỹ đã triển khai hơn 150 máy bay chiến đấu tại hai căn cứ này, bao gồm cả các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm như F-22 và F-35A. Do vị trí địa lý của Alaska gần với Nga, nên Mỹ không ngừng tăng cường hiện diện quân sự tại đây trong những năm gần đây.

Gần đây, Quân đội Mỹ thường xuyên có những “động tác” quân sự lớn ở Alaska. Ngày 18/12 vừa qua, theo giờ địa phương, phi đội tiêm kích F-35A thứ hai tại Alaska đã chính thức được thành lập.

Cùng ngày, Mỹ cũng tiến hành tập trận “voi đi bộ” tại đây. Cuộc tập trận không chỉ kiểm tra khả năng phản ứng nhanh của quân đội Mỹ mà còn thể hiện sức mạnh của quân đội ở Bắc Cực. Truyền thông Nga cho rằng, động thái này nhằm phô trương sức mạnh quân sự đối với Nga.

Các quan chức Không quân Mỹ cho biết, Bắc Cực là khu vực chiến lược nhất trên thế giới hiện nay. Với sự điều chỉnh chiến lược của mình, Quân đội Mỹ đã liên tục đầu tư những khoản tiền khổng lồ vào vùng Alaska. Hiện tại, nhiều căn cứ không quân trong khu vực đang được mở rộng đáng kể.

Ngoài ra, để các máy bay chiến đấu này thích nghi với điều kiện cực lạnh của Bắc Cực, Không quân Mỹ đã nhiều lần tiến hành các cuộc thử nghiệm hoạt động của máy bay chiến đấu F-35A trong môi trường cực lạnh để đảm bảo rằng các máy bay chiến đấu này có thể thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Bắc Cực.

 MiG-31 với siêu tên lửa Kinzhal là biện pháp đáp trả “cực gắt” của Nga. Nguồn: people.com.cn.

MiG-31 với siêu tên lửa Kinzhal là biện pháp đáp trả “cực gắt” của Nga. Nguồn: people.com.cn.

Nga đang tiến hành các biện pháp đối phó

Việc triển khai các tên lửa đạn đạo tầm trung tới khu vực Alaska sẽ là một biện pháp phủ đầu khác mà Mỹ thực hiện nhằm răn đe Nga về mặt quân sự, và điều này chắc chắn sẽ tạo ra mối đe dọa rất lớn đối với Nga. Các nhà phân tích chỉ ra rằng, các động thái của Mỹ ở Alaska sẽ khiến làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Moscow.

Để đối phó với Mỹ, Nga đã triển khai các đơn vị hàng không hải quân trong khu vực, trong đó các máy bay chiến đấu MiG-31 đã được trang bị tên lửa tầm xa K-37M tiên tiến. Được biết, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã triển khai MiG-31 tại Anadyr – thủ phủ của Khu tự trị Chukotka, nằm ở ven biển Thái Bình Dương. Khoảng cách gần nhất giữa Anadyr và Alaska chỉ là 600 km, thời gian bay chỉ 20 phút.

Đồng thời, Nga cũng đã triển khai MiG-31 có thể mang tên lửa siêu thanh Kinzhal tới bán đảo Kamchatka. Với tốc độ lên tới Mach 10, tên lửa này sẽ trở thành “ác mộng”của lực lượng Mỹ ở Alaska. Theo báo cáo, các radar tiên tiến của Nga hoàn toàn có thể theo dõi và khóa mục tiêu máy bay tàng hình của Mỹ, khi đó MiG-31 với Kinzhal hoàn toàn có thể tấn công F-35 hay F-22 từ một cự ly rất xa mà hoàn toàn không bị phát hiện.

Ngoài ra, quân đội Nga đã triển khai một số loại vũ khí "khủng" khác trên bán đảo Kamchatka, bao gồm tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình lớp Oscar, đây cũng là những phương tiện quan trọng để Nga duy trì thế cân bằng chiến lược với Mỹ . Truyền thông Nga cho rằng, một khi bị Mỹ đe dọa, Nga có thể đáp trả trong thời gian ngắn nhất có thể.

Theo Đức Trí/Infonet

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/nga-se-lam-gi-khi-my-bo-tri-ten-lua-dan-dao-tam-trung-o-alaska/20210113080845260