Nga sẽ lưu hành vaccine chống ung thư vào năm 2025

Nga đã phát triển thành công vaccine mRNA chống lại ung thư và sẽ phân phối miễn phí cho bệnh nhân vào đầu năm tới. Điều này mở ra hy vọng cho hàng triệu người bệnh trên toàn thế giới.

Bước đột phá từ công nghệ mARN

Theo hãng tin Tass, ông Andrei Kaprin, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu y học quốc gia về X-quang trực thuộc Bộ Y tế Nga cho biết, vaccine chống ung thư do Nga phát triển sẽ được cung cấp miễn phí cho các bệnh nhân ung thư. Loại vaccine này được tạo ra dựa trên công nghệ mARN, vốn từng được sử dụng để sản xuất vaccine phòng Covid-19 của Pfizer và Moderna. Theo đó, thuốc được đưa vào tế bào người và sau đó chúng tạo ra các bản sao của protein tăng đột biến của virus. Tuy nhiên, thay vì phòng ngừa, vaccine chống ung thư của Nga tập trung vào việc điều trị, nhằm kiểm soát các khối u và di căn ở những bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc ung thư.

Ảnh: BSS News

Ảnh: BSS News

Nhà báo khoa học và bác sĩ Alexei Vodovozov lưu ý: “Vaccine không chỉ có tác dụng phòng ngừa mà còn có tác dụng điều trị. Hóa ra là chúng ta có thể “dạy” hệ thống miễn dịch và nó sẽ bắt kịp, tiêu diệt các di căn, dù chúng ở đâu. Thực tế là các tế bào khác nhau, khỏe mạnh và khối u, có thể có các protein bề mặt khác nhau. Về lý thuyết, hệ thống miễn dịch sẽ nhận ra chúng một cách rõ ràng. Tuy nhiên, do trục trặc về di truyền hoặc sau khi mắc bệnh, thường là do virus, khả năng hệ thống miễn dịch nhận biết các tế bào bất thường giảm đi, có thể giảm gần như bằng không”.

Theo Bộ Y tế Nga, vaccine này được phát triển bởi sự hợp tác giữa ba trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Nga: Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh vật quốc gia Gamaleya, Trung tâm Ung thư Blokhin và Viện nghiên cứu Ung thư Hertsen. Đây đều là những đơn vị có bề dày thành tích trong nghiên cứu y học, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ Nga.

Hiệu quả hứa hẹn

Ông Alexander Gintsburg, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh vật quốc gia Gamaleya chia sẻ rằng, các thử nghiệm tiền lâm sàng đã cho thấy những kết quả rất khả quan. Trong các thí nghiệm ban đầu, khối u ác tính không chỉ giảm đi mà còn biến mất hoàn toàn, bao gồm cả các di căn tiềm ẩn. Điều này mở ra hy vọng mới trong việc điều trị các dạng ung thư khó kiểm soát như ung thư phổi, thận và tụy.

Vaccine giúp tiêu khối ung thư EnteroMix. Nguồn: Bộ Y tế Nga

Vaccine giúp tiêu khối ung thư EnteroMix. Nguồn: Bộ Y tế Nga

“Trong quá trình thử nghiệm tiền lâm sàng, khối u ác tính đã biến mất và không chỉ khối u mà ngay cả các tình trạng di căn cũng biến mất hoàn toàn”, ông Gintsburg cho biết.

Ông cũng nhấn mạnh rằng vaccine sẽ phù hợp với bất kỳ loại ung thư nào, mở rộng phạm vi ứng dụng của công nghệ này.

Các nhà khoa học Nga đang lên kế hoạch thử nghiệm lâm sàng tiếp theo với các loại ung thư phổ biến và khó chữa nhất, bao gồm ung thư phổi tế bào nhỏ, loại ung thư gây tử vong cao nhất trên thế giới.

Theo ông Gintsburg, ung thư phổi tế bào nhỏ khiến 1,3 triệu người tử vong mỗi năm, và việc chọn bệnh lý này làm ưu tiên thử nghiệm không chỉ vì mức độ phổ biến mà còn vì tính khả thi trong điều trị.

Công nghệ cá nhân hóa

Một điểm đột phá của vaccine chống ung thư này là khả năng cá nhân hóa cao, nghĩa là vaccine sẽ được thiết kế riêng cho từng bệnh nhân. Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phân tích thông tin di truyền của khối u và tạo ra "bản thiết kế" vaccine phù hợp nhất cho từng bệnh nhân. Quá trình này được thực hiện bằng cách sử dụng dữ liệu của bệnh nhân, từ đó AI sẽ đề xuất các thay đổi cần thiết để kháng nguyên trong vaccine có thể tấn công chính xác tế bào ung thư.

Vaccine mRNA được cá nhân hóa cao. Nguồn: Bộ Y tế Nga

Vaccine mRNA được cá nhân hóa cao. Nguồn: Bộ Y tế Nga

“Đây là loại thuốc của tương lai vì chúng tôi lấy các tế bào không điển hình, tức là các tế bào khối u, từ sinh thiết của một bệnh nhân cụ thể và các tế bào khỏe mạnh từ máu của chính người đó rồi so sánh chúng, xác định cụ thể những đột biến dẫn đến sự xuất hiện của kháng nguyên”, nhà báo khoa học và bác sĩ Alexei Vodovozov chia sẻ.

“Rõ ràng là có thể có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lựa chọn, nhưng chúng ta có thể tìm thấy những lựa chọn có thể phân biệt rõ ràng và đáng tin cậy giữa tế bào khối u với tế bào khỏe mạnh. Dựa trên những kháng nguyên mới này, chúng tôi đang điều chế một loại thuốc mRNA dành riêng cho từng cá nhân, về cơ bản là thuốc chữa ung thư. Nói chung, nó được gọi một cách chính xác là “liệu pháp tân kháng nguyên cá nhân hóa trên nền tảng mRNA”, ông Alexei Vodovozov nói thêm.

Điều đặc biệt là vaccine cá nhân hóa này có thể được sản xuất chỉ trong vòng một tuần, giúp rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân, đặc biệt trong các trường hợp ung thư giai đoạn cuối.

Tương lai của điều trị ung thư

Không giống như các loại vaccine phòng bệnh truyền thống, vaccine chống ung thư của Nga được thiết kế để hỗ trợ hệ miễn dịch nhận diện và tấn công khối u một cách hiệu quả.

Công nghệ mARN trong vaccine hoạt động bằng cách cung cấp các "hướng dẫn" để cơ thể sản xuất các protein cụ thể, giúp hệ miễn dịch tiêu diệt tế bào ung thư mà không ảnh hưởng đến các mô khỏe mạnh.

Theo các chuyên gia, nếu thành công, loại vaccine này không chỉ mang lại hy vọng cho các bệnh nhân ung thư mà còn có thể mở ra hướng đi mới trong điều trị các bệnh khác liên quan đến miễn dịch.

Ảnh: Bộ Y tế Nga

Ảnh: Bộ Y tế Nga

Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu rất khả quan, nhưng các nhà nghiên cứu Nga vẫn đối mặt với không ít thách thức trong việc đưa vaccine vào thực tiễn. Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối sẽ là bước quyết định, nhằm đảm bảo hiệu quả và an toàn của vaccine trước khi lưu hành rộng rãi. Các thử nghiệm lâm sàng sẽ sớm bắt đầu với những người từ 18 đến 75 tuổi đang mắc ung thư nhằm đánh giá hiệu quả và tính an toàn của vắc xin một cách toàn diện. Những bệnh nhân đang điều trị bằng hóa trị liệu tích cực không nằm trong nhóm thử nghiệm.

Hồi tháng 2/2024, tạp chí y khoa The Lancet đã công bố kết quả của các nghiên cứu tương tự ở Mỹ. Một nhóm các nhà khoa học đã nghiên cứu tác dụng của mRNA của thuốc đối với các bệnh nhân u ác tính. Các cuộc thử nghiệm vaccine ngừa ung thư mRNA phù hợp với từng bệnh nhân cũng đã bắt đầu ở Anh vào mùa xuân.

Theo các chuyên gia, bước tiến của các nhà khoa học Nga đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc chiến chống lại bệnh ung thư. Hoặc chí ít là bệnh nhân có thể sống chung với ung thư như một loại bệnh mãn tính, như đã từng xảy ra với nhiều bệnh khác, trong nhiều thập kỷ mà không làm giảm đáng kể tuổi thọ của người bệnh.

Ngọc Mai

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nga-se-luu-hanh-vaccine-chong-ung-thu-vao-nam-2025-288610.htm