Nga sửa đổi Hiến pháp, ông Putin sẽ làm Tổng thống trọn đời?
Kết quả trưng cầu dân ý thay đổi Hiến pháp ở Nga mới đây kéo Tổng thống Putin tới gần hơn với vị trí 'Tổng thống trọn đời'.
Từ đề xuất tới cuộc trưng cầu dân ý
Hồi tháng 3, nghị sỹ Valentina Tereshkova khiến nhiều người bất ngờ khi đưa ra đề xuất bãi bỏ hạn chế nhiệm kỳ đối với Tổng thống Putin, cụ thể là tính lại số nhiệm kỳ giữ chức tổng thống của mọi cá nhân về “0” từ sau năm 2024.
Tereshkova là người phụ nữ đầu tiên bay vào không gian và khá có tiếng nói trong chính trường Nga.
Đề xuất của bà Tereshkova khi đó về lý thuyết mở đường để ông Putin có thể cầm quyền đến 2036 sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2024. Gợi ý này cũng giúp ông Putin tránh được tiếng “níu giữ quyền lực” bởi người đưa ra sửa đổi Hiến pháp là các nghị sỹ chứ không phải ông.
Hôm 10/3, đề xuất này được Duma Quốc gia phê chuẩn và được hội đồng lập pháp của toàn bộ 85 chủ thể Liên bang Nga thông qua.
Gần 4 tháng sau, Nga tổ chức trưng cầu dân ý về việc sửa đổi Hiến pháp.
Trên thực tế, dù đề xuất sửa đổi đã được Tòa án Hiến pháp Nga phê chuẩn và được ông Putin ký thành luật, nhà lãnh đạo Nga vẫn khẳng định ông muốn trưng cầu ý dân về vấn đề này kể cả khi nó không phải điều bắt buộc.
Ông chủ điện Kremlin nhấn mạnh sự chấp thuận của cử tri Nga là cần thiết để trao tính hợp pháp cho các sửa đổi.
Nhiều người cho rằng đây là động thái thừa của nhà lãnh đạo Nga, nhưng ông Greg B. Yudin, nhà xã hội học và nhà lý luận chính trị tại Trường Khoa học Xã hội và Kinh tế Matxcơva cho rằng đây không phải là một thủ tục vô nghĩa vì hệ thống của Nga dưới thời ông Putin hướng tới việc trao quyền hợp pháp cho các quyết định mà ông đưa ra.
Về lý thuyết, các cử tri có thể từ chối các sửa đổi. Ông Putin cũng cam kết sẽ tôn trọng quyết định của họ. Nhưng hầu hết các chuyên gia cho rằng kịch bản này khó xảy ra. Thậm chí GOLOS, một tổ chức chuyên giám sát các cuộc bầu cử mô tả cuộc trưng cầu dân ý của Nga là một cuộc bầu cử biết trước kết quả ngay từ đầu.
Hôm 2/7, sau khi 100% số phiếu được kiểm, kết quả cho thấy gần 78% số cử tri Nga ủng hộ sửa đổi Hiến pháp.
Theo luật pháp Nga, khi có trên 50% tổng số cử tri bỏ phiếu tán thành những sửa đổi, các thay đổi mới trong Hiến pháp Nga sẽ có hiệu lực kể từ ngày công bố kết quả bầu cử chính thức.
Phát biểu sau khi kết quả bỏ phiếu về việc sửa đổi Hiến pháp được công bố, Tổng thống Putin gửi lời cảm ơn tới những người đã ủng hộ và tin tưởng mình.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga không đề cập tới vấn đề rất nhiều người quan tâm là liệu ông có ý định tái tranh cử sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào 4 năm tới hay không.
Nếu kịch bản này xảy ra, ông Putin có thể sẽ trở thành người nắm quyền lâu nhất kể từ thời kỳ Peter Đại đế. Vào thời điểm năm 2036, ông Putin 83 tuổi.
Ông Putin có muốn trở thành "Tổng thống trọn đời"?
Tổng thống Putin lần đầu tiên ngồi vào chiếc ghế quyền lực tại điện Kremlin năm 2000 và tiếp tục tái đắc cử 4 năm sau đó. Ông Putin không tranh cử vào năm 2008. Tới năm 2012, ông trở lại và giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử với 63,6% số phiếu ủng hộ.
Tháng 3/2018 ông Putin giành chiến thắng áp đảo và tái đắc cử Tổng thống Nga. Ngày 7/5, ông tuyên thệ nhậm chức tại Điện Kremlin, chính thức bắt đầu nhiệm kỳ thứ 4 trên cương vị Tổng thống.
Trong một bài phát biểu hồi tháng 3, Tổng thống Putin cho biết ông ủng hộ việc giới hạn nhiệm kỳ mà một người có thể nắm giữ trên cương vị lãnh đạo cao nhất của nước Nga để đảm đảm bảo sự luân phiên trong bộ máy. Tuy nhiên, ông nói vẫn sẽ ủng hộ nếu Tòa án Hiến pháp kết luận việc sửa đổi như vậy sẽ không mâu thuẫn với các nguyên tắc của Luật cơ bản.
Người đứng đầu nước Nga lấy Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt, người 4 đời làm Tổng thống Mỹ vì biến động của nước Mỹ thời điểm đó là ví dụ, cho thấy đôi khi giới hạn nhiệm kỳ là điều không cần thiết.
Nhưng trong một số phát ngôn ở quá khứ, ông Putin từng nhấn mạnh ông muốn tránh kịch bản nắm quyền trọn đời. Theo ông, việc một nhà lãnh đạo nắm quyền trọn đời vốn từng xảy ra trong thời kỳ Liên Xô cũ không thể giải quyết nhiệm vụ chuyển giao quyền lực cũng như sự ổn định của đất nước.
Dù vậy, sau bước rẽ ngoặt hồi tháng 3, nhiều nhà quan sát cho rằng các tính toán của ông Putin là rất khó lường và kịch bản nắm quyền trọn đời rõ ràng đang rất rộng mở.
Bản thân ông Putin ngay trước thềm cuộc trưng cầu dân ý cũng đưa ra những gợi mở rằng ông đang cân nhắc tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa nếu cử tri tán thành sửa đổi Hiến pháp để ông làm điều đó.
"Tôi không loại trừ khả năng tái tranh cử nếu điều này được Hiến pháp cho phép. Chúng ta hãy chờ xem. Tôi vẫn chưa quyết định điều gì", ông nói.
Hệ thống cầm quyền của Nga trong khi phản ánh một hình ảnh thống nhất vẫn được phân chia thành nhiều lớp lang, giữa những người theo đuổi quan điểm diều hâu an ninh và tự do kinh tế, giữa những người với quan điểm cá nhân khác biệt và giữa những lợi ích kinh doanh cạnh tranh. Khi Puin tại vị, ông giữ các lợi ích đó bình đẳng với nhau nên việc rời đi của ông chắc chắn sẽ gây ra những xáo trộn không nhỏ.
Theo nhà phân tích chính trị Valery Solovei tại Viện Quan hệ Quốc tế Quốc gia Matxcơva, thực tế hiện tại ở Nga là không ai có thể trám vào vị trí mà Putin bỏ lại nếu ông rời đi vì họ chưa đủ tầm và không giành được sự tín nhiệm của một người đã nắm quyền trong gần 2 thập kỷ.
Do đó, kịch bản ông Putin nắm quyền trọn đời nếu xảy ra vẫn sẽ hợp ý của khá nhiều chính khách trong bộ máy chính trị Nga, những người chưa dám đặt niềm tin rằng có ai đó có đủ tầm vượt qua vị Tổng thống đương nhiệm.
Người Nga nghĩ sao về kịch bản ông Putin nắm quyền trọn đời?
Về mặt lý thuyết, kể cả khi ông Putin có ý định tái tranh cử vào các năm 2024, 2030, ông vẫn có khả năng thất cử và thậm chí là không nhận được đề cử cho các nhiệm kỳ mới.
Nhưng với những gì mà ông gây dựng cho tới thời điểm hiện tại sau 4 nhiệm kỳ, từ những nước cao tay ở Syria, tái xây dựng quân đội Nga thành một cỗ máy chiến đấu tinh gọn hay những bài đối phó với phương Tây tới việc vực dậy nền kinh tế, ổn định chính trị xã hội, tìm lại vị thể quốc tế của Matxcơva, niềm tin của các cử tri đặt vào ông chủ điện Kremlin vẫn rất lớn.
Và nhiều người dường như cũng chưa chuẩn bị tâm lý cho một cuộc cánh mạng nhân sự ở điện Kremlin hay một chính trường nước Nga mà không còn bóng dáng Tổng thống Putin.
Con số 78% lá phiếu bầu ủng hộ sửa đổi Hiến Pháp có thể phần nào phản ánh điều đó.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 3, nhà lãnh đạo Nga khẳng định ông không phải Sa hoàng, ông không trị vì mà vẫn làm việc mỗi ngày.
“Với tôi, điều hết sức quan trọng là cảm nhận và hiểu nhân dân muốn gì. Một Sa hoàng chỉ ngồi đó, nhìn từ trên cao xuống và ra lệnh: 'Tất cả sẽ làm theo yêu cầu của tôi'. Ông ấy chỉ đội mũ và ngắm mình trong gương. Trái ngược với điều đó, tôi làm việc mỗi ngày", ông Putin nhấn mạnh.
Một số chuyên gia cho rằng điểm mạnh của Putin là hiểu lòng dân, hiểu dân Nga muốn gì, hiểu cách xã hội Nga đang vận hành.
Tuy nhiên vẫn nên nhớ rằng trong các cuộc khảo sát gần đây, tỷ lệ ủng hộ ông Putin đang giảm.
Thậm chí vào tháng 5, có thời điểm tỷ lệ này rớt xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua. Dù đôi khi khảo sát không nói lên quá nhiều điều vì nó chỉ lấy ý kiến một nhóm dân số và diễn ra vào thời điểm Nga đang phải oằn mình chống COVID-19, các chuyên gia cho rằng đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy người Nga đang lung lay niềm tin vào lời hứa cuộc sống sẽ cải thiện hơn khi mà họ vẫn đang phải loay hoay giữa những hệ quả để lại từ cuộc khủng hoảng tài chính và các biện pháp trừng phạt bóp nghẹt kinh tế Nga của Mỹ và phương Tây.
Nhưng đây liệu có phải dấu hiệu cho thấy người Nga đang dần quay lưng với ông Putin hay không. Còn quá sớm và quá vội vàng khi kết luận điều đó.
Thực tế cần nhìn vào hiện nay là 78% lá phiếu ủng hộ của cử tri đã trao quyền và khả năng trở thành Tổng thống trọn đời cho ông Putin.
Việc ông có tiếp nhận tấm vé đưa tới vị trí quyền lực không được quy định trong Hiến pháp này hay không là chuyện chưa ai có thể chắc chắn vào thời điểm hiện tại. Dù vậy kịch bản này được nhiều chuyên gia nhận định là rất có khả năng.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/nga-sua-doi-hien-phap-ong-putin-se-lam-tong-thong-tron-doi-ar555579.html