Nga tạm giam ông Navalny 30 ngày sau phiên điều trần bất ngờ
Nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny bị tạm giam 30 ngày để chờ xét xử sau một phiên điều trần bất ngờ tại đồn cảnh sát Khimki gần thủ đô Moscow hôm 18-1.
Nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny bị tạm giam 30 ngày để chờ xét xử sau một phiên điều trần bất ngờ tại đồn cảnh sát Khimki gần thủ đô Moscow hôm 18-1, theo đài RT. Phiên điều trần diễn ra chưa đầy 24 giờ sau khi ông bị bắt tại sân bay Moscow ngay khi vừa trở về từ Đức hôm 17-1.
Phiên điều trần bất ngờ
Người phát ngôn của nhân vật đối lập Nga – bà Kira Yarmysh xác nhận trên Twitter hôm 18-1 rằng ông Navalny sẽ bị giam 30 ngày. Bà nói thêm chưa rõ lần này ông Navalny sẽ bị giam tại đâu.
Phiên điều trần được thông báo bất ngờ vào đầu giờ chiều và các đại diện pháp lý của ông được được giao tài liệu tòa án đúng một phút trước khi phiên điều trần bắt đầu. Theo CNN, các luật sư của ông Navalny nói rằng họ không có cơ hội để rà soát lại bất kỳ tài liệu nào hay nói chuyện với thân chủ của mình.
Theo ông Navalny, ông rời phòng giam để gặp luật sư của mình–Olga Mikhailova, song ngay lập tức được dẫn tới một phòng xử án tạm thời trong đồn cảnh sát Khimki.
Khoảng 200 nhà báo và người ủng hộ ông tập trung bên ngoài đồn cảnh sát, theo hãng tin Mediazona.
Trong lần xuất hiện đầu tiên kể từ khi ông bị bắt tại sân bay Sheremetyevo (Moscow) tối 17-1, ông Navalny chỉ trích quy trình tố tụng này là “vô pháp ở mức cao nhất” và “nhạo báng công lý”.
Trong video đăng trên tài khoản YouTube của ông Navalny sau quyết định bắt giam của tòa, ông Navalny kêu gọi những người ủng hộ ông “không được im lặng” và hãy xuống đường.
“Đừng sợ hãi, hãy xuống đường. Đừng xuống đường vì tôi mà vì chính các bạn và tương lai của các bạn” – ông Navalny nói trong video.
Ông Navalny bị cáo buộc vi phạm điều khoản quản chế liên quan tới bản án treo 3 năm 6 tháng mà ông nhận năm 2014. Bản án này liên quan tới một vụ tham ô mà nhà hoạt động chính trị này khẳng định có động cơ chính trị. Ông Navalny nằm trong danh sách bị truy nã liên bang của Nga hồi tháng trước.
Cục Cải huấn Liên bang Nga đã đề nghị tòa thay án treo của ông thành án tù. Nếu đề nghị này được chấp thuận, ông Navalny có khả năng ở tù 3 năm 6 tháng.
Nga: Nước ngoài đang lợi dụng vụ ông Navalny để đánh lạc hướng dư luận khỏi khủng hoảng trong nước họ
Tại cuộc họp báo hôm 18-1, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng việc bắt giữ ông Navalny là không thể tránh khỏi theo luật pháp Nga, song việc này đang bị chính phủ nước ngoài lợi dụng để cố ghi điểm chính trị chống lại Nga.
“Chúng tôi nhìn thấy những tin tức việc ông Navalny trở về Nga được đưa tin như thế nào, các bạn có thể cảm nhận được niềm vui trong những bình luận của họ, những bình luận này như thể chúng đã được sao chép và dán lên vậy” – ông Lavrov nói.
“Họ vui mừng vì họ dường như nghĩ rằng điều đó cho phép các chính trị gia phương Tây đánh lạc hướng sự chú ý khỏi cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất mà mô hình tự do của họ từng chứng kiến” – ông Lavrov nói tiếp.
Khi được hỏi liệu vụ bắt ông Navalny có ảnh hưởng tới quan hệ với chính phủ nước ngoài hay không, Ngoại trưởng Nga nói rằng: “Có lẽ đúng là các bạn phải suy nghĩ về hình ảnh của mình nhưng chúng tôi không phải là những cô gái trẻ chuẩn bị đến vũ hội. Chúng tôi phải làm công việc của chúng tôi trước tiên và công việc của chúng tôi là thực hiện chính sách đối ngoại của Nga”.
Ông Lavrov cho hay thay vì nghĩ việc trấn áp ông Navalny là một phần trong kế hoạch của Điện Kremlin vì lý do chính trị thì việc bắt giữ này là quyết định của riêng cơ quan nhà tù Nga.
Một số nhà lãnh đạo nước ngoài đã chỉ trích việc Nga bắt ông Navalny. Hôm 18-1, Văn phòng Đối ngoại Liên bang của Đức nói quyết định này là “không thể nào hiểu nổi”, yêu cầu Nga trả tự do cho ông Navalny ngay lập tức. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng chỉ trích quyết định này của Moscow và yêu cầu phóng thích nhân vật đối lập này ngay lập tức và vô điều kiện.
Ông Lavrov nói rằng những chỉ trích xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga với phương Tây ngày càng lan rộng. Ông cáo buộc Washington đang sử dụng đại dịch COVID-19 làm vỏ bọc để gây sức ép lên các quốc gia khác.
Ông nói với báo giới rằng “một số nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ và đồng minh của Mỹ đã cố sử dụng tình hình đại dịch nhằm gây sức ép, ra tối hậu thư, ủng hộ hành động trái phép và lệnh trừng phạt cũng như sử dụng nhiều hình thức khác để can thiệp vào công việc nội bộ của nhiều quốc gia”.