Quyết định trang bị trực thăng Ka-52, Mi-28 và xe tăng cho Lực lượng đổ bộ đường không Nga đã được thông qua bằng việc thành lập các sư đoàn hàng không lục quân mới cũng như tăng số lượng chiến xa.
Theo thông báo, mỗi sư đoàn Lính dù Nga sẽ được trang bị một phi đội trực thăng Ka-52, Mi-28 và Mi-8AMTSh-VN hiện đại. Bên cạnh đó, số lượng xe tăng trong biên chế của họ sẽ tăng lên đáng kể.
Đáng chú ý, sự tăng cường chiến lược này được hình thành chủ yếu bởi những bài học rút ra từ hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine nhằm nâng cao tính hiệu quả của cái gọi là “bộ binh có cánh”.
Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga sẽ chứng kiến sự bổ sung của các đơn vị hàng không lục quân mới, cùng với sự gia tăng các đơn vị xe tăng, trong đó trọng tâm hướng vào trực thăng tấn công Ka-52 và Mi-28.
Cả hai loại máy bay lên thẳng vũ trang nói trên đều đã chứng tỏ tính hiệu quả trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Hơn nữa, lính dù sẽ được nâng cấp khả năng di chuyển thông qua trực thăng vận tải đa dụng Mi-8AMTSh-VN mới nhất.
Dự định ban đầu của Bộ Quốc phòng Nga là thành lập một lữ đoàn có lực lượng hàng không mạnh nằm trong binh chủng nhảy dù. Kế hoạch này từng bị bỏ rơi, nhưng hiện đang được xem xét lại.
Trong cuộc thảo luận trước đây với tơÌzvestia, Đại tướng Andrey Serdyukov - Tư lệnh Lực lượng Dù đánh giá rất cao mô hình tác chiến mới với trực thăng vũ trang hiện đại.
Ông Serdyukov cho rằng nếu được trang bị các loại trực thăng mới nhất, họ có thể chiến đấu hiệu quả với đội hình cơ động cao của kẻ thù tiềm năng, “trong các môi trường vật lý và địa lý khác nhau”, không phụ thuộc vào sự sẵn có của mạng lưới sân bay.
Bên cạnh đó, việc sử dụng hàng không lục quân yểm trợ làm giảm đáng kể nguy cơ quân đổ bộ trở thành mục tiêu của hỏa lực đối phương, tăng cường tốc độ di chuyển cũng như mở rộng phạm vi tác chiến.
Trong khi đó, Đại tá Valery Yuryev, Chủ tịch Hiệp hội lính dù Nga tiết lộ với phóng viên tờ Izvestia rằng một đơn vị thử nghiệm với mô hình như trên đã được sử dụng trong các cuộc tập trận trước chiến dịch quân sự đặc biệt.
Ông Yuryev giải thích, “Với việc trang bị trực thăng vũ trang hiện đại, khả năng cơ động và hỏa lực của lính dù đã tăng lên đáng kể. Ý tưởng về đội hình như vậy đầy hứa hẹn”.
Suy nghĩ về kinh nghiệm thu được trên chiến trường, Đại tá Yuryev lưu ý: “Cuộc đổ bộ chiến thuật vào Gostomel đã để lại nhiều bài học thực tiễn quý báu".
"Hiện tại, Lực lượng Dù được triển khai như các đơn vị bộ binh cơ giới. Xe tăng cần phải là hỏa lực chính của họ để đảm bảo kết quả. Tấn công căn cứ của kẻ thù khi chỉ được trang bị súng máy là không khả thi”.
Trong khi đó Tổng biên tập Tạp chí Kho vũ khí của Tổ quốc, Đại tá dự bị Viktor Murakhovsky tin rằng đã đến lúc củng cố Lực lượng Dù dựa trên những kinh nghiệm thu được từ hoạt động tác chiến thực tế.
“Việc sản xuất nhiều loại trực thăng Ka-52, Mi-28 và Mi-8 cũng như xe tăng đã diễn ra. Những chiếc phương tiện này sẽ cho phép lính dù thực hiện các hoạt động đổ bộ hiệu quả".
"Xe tăng cùng với các phương tiện chiến đấu bộ binh hạng nặng và pháo binh vẫn là một trong những lực lượng quan trọng đối với các hoạt động trên bộ, để hỗ trợ lính dù chọc thủng hệ thống phòng thủ đã được chuẩn bị sẵn và đạt đến độ sâu của cuộc đổ bộ chiến thuật".
"Hơn nữa, pháo binh của Lực lượng Dù và Lực lượng Mặt đất đang nhận được hệ thống điều khiển hỏa lực tự động thế hệ mới".
"Điều này sẽ cho phép tương tác với mục tiêu hiệu quả hơn nữa. Tất cả những công nghệ như vậy, nói chung sẽ nâng cao khả năng của Lực lượng Dù”, vị chuyên gia khẳng định.