Nga 'thân' Việt Nam nhất, chuyển giao vũ khí hiện đại và giúp luyện quân

Việt Nam đã trở thành một nước mua vũ khí lớn của Nga. Nga cũng tạo điều kiện huấn luyện cho Việt Nam nhất, thông qua Ấn Độ. Việt Nam ký hợp đồng 3 tỷ USD năm 2009 mua 6 tàu ngầm Kilo của Nga, trang bị ngư lôi, mìn và tên lửa Klub siêu âm...National Interest phân tích.

 Tàu ngầm Kilo và chiến hạm Gepard của hải quân Việt Nam là những loại vũ khí hiện đại mua của Nga

Tàu ngầm Kilo và chiến hạm Gepard của hải quân Việt Nam là những loại vũ khí hiện đại mua của Nga

Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa hoàn tất chuyến công du đầu tiên tới Việt Nam trong nhiệm kỳ của mình. Thật ấn tượng khi chứng kiến sự nồng ấm mà tổng thống Mỹ được chào đón cả trong các bài diễn văn cũng như khi đoàn hộ tống di chuyển.

Với nhiều người, sự kiện quan trọng nhất là việc ông Obama thông báo Mỹ quyết định bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, cũng như tăng cường hợp tác quân sự khác.

Giờ đây Việt Nam sẽ là đối tượng được quyền mua sắm vũ khí Mỹ áp dụng như với tất cả các nước khác mua vũ khí Mỹ. Việt Nam đã hoan nghênh động thái này như dấu hiệu quan hệ Việt-Mỹ rốt cuộc đã hoàn toàn bình thường.

Với cả hai chính quyền Việt Nam và Mỹ, động thái này rõ ràng nhằm tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm đối phó tốt hơn với tranh chấp lãnh thổ căng thẳng ở Biển Đông.

Theo National Interest, giới chức Mỹ lo ngại nếu Bắc Kinh tiếp tục chiến thuật hiện diện hăm dọa và quân sự hóa khu vực, tuyến hải lộ mang tính sống còn ở Biển Đông sẽ bị đe dọa.

Tổng thống Obama nhấn mạnh Lầu Năm Góc sẽ tiếp tục điều chiến hạm và máy bay tuần tra qua tuyến đường biển sống còn này và sẽ bảo vệ nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp, bảo vệ tự do thương mại tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng các tiêu chuẩn khác mà đôi khi bị Bắc Kinh thách thức.

Tổng thống Mỹ Barack Obama được đón tiếp nồng hậu tại Việt Nam

Tổng thống Mỹ Barack Obama được đón tiếp nồng hậu tại Việt Nam

National Interest cho rẳng, trong chỉ báo mong muốn của Mỹ mở rộng việc bán vũ khí cho Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách Mỹ nhằm trực tiếp khiến kẻ gây hấn nản lòng và cho thấy rằng chính sách hung hãn chỉ khiến các nước láng giềng ngả về phe Washington.

Động thái của Mỹ gây bất ngờ, bởi theo báo chí, bao gồm cả cuộc họp báo của do giới chức Mỹ tổ chức trước khi tổng thống Obama lên đường tới Hà Nội, chính quyền Mỹ vẫn chưa quyết định có dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí hay không.

Theo tác giả bài viết, điều rốt cuộc có thể khiến cán cân nghiêng về việc dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận chính là sự kiện chiến đấu cơ Trung Quốc chặn đuổi nguy hiểm, chỉ cách máy bay trinh sát hải quân Mỹ khoảng 15 m diễn ra một tuần trước đó.

Ai cũng biết Trung Quốc phản đối việc Mỹ bay tuần tra trinh sát, nhưng các chuyến bay này cũng như các đợt tuần tra trinh sát diễn ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, ở hải phận quốc tế. Kể từ lúc Trung Quốc bắt chước Nga thực hiện các vụ quấy rối bằng cách bay sát máy bay tuần tra Mỹ ở không phận quốc tế, Lầu Năm Góc có thể tích cực vận động việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí như một lời cảnh báo với Bắc Kinh rằng những hành động như vậy sẽ phải trả giá.

Natinonal Interest đánh giá, phát triển đường hướng này xa hơn, bên cạnh việc răn đe chủ nghĩa phiêu lưu Trung Quốc, cách tiếp cận mới của Mỹ đối với việc bán vũ khí cho Đông Nam Á còn tạo cơ hội làm suy yếu liên minh Bắc Kinh-Moscow.

Cần lưu ý rằng ông Obama dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, quốc gia vốn đã trở thành một thị trường quan trọng hơn đối với vũ khí Nga những năm gần đây. Nếu như các nước ASEAN chỉ mua khoảng 6% lượng vũ khí xuất khẩu của Nga vào năm 2010, con số này đã tăng lên tới 15% năm 2015. Từ năm 2007 đến năm 2014, vũ khí Nga bán sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương và các nước châu Á khác, bao gồm hàng trăm xe tăng, chiến đấu cơ, trực thăng, xe bọc thép, pháo tự hành cũng như hàng ngàn tên lửa giá trị lên tới 30 tỷ USD.

Tập đoàn Rosoboronexport tận dụng sự thành công của vũ khí Nga trong các chiến dịch chống khủng bố quy mô lớn để thúc đẩy manh hơn việc bán vũ khí trong những năm tới. Chẳng hạn như loại tên lửa hành trình Kalibr (NATO định danh là SS-N-27 Sizzler hay Club phiên bản xuất khẩu) và các tàu chiến phóng tên lửa này chống phiến quân Syria.

Indonesia đã nhanh chóng mua chiến đấu cơ Su-35E (trước đó mới chỉ Trung Quốc đặt mua) của Nga để bổ sung cho phi đội Su-27 và Su-30 của mình và thay thế cho các máy bay F-5E/F đã cũ của Mỹ. Rosoboronexport cũng trông đợi lực lượng lính thủy đánh bộ Indonesia sẽ mua nhiều hơn xe bọc thép chiến đấu BMP-3F của Nga.

Rosoboronexport cũng hy vọng bán nhiều hơn các chiến đấu cơ tiên tiến cho không quân hoàng gia Malaysia, trước đó đã chi 900 triệu USD mua 18 chiếc Su-30MKM. Trực thăng Nga tiếp tục phục vụ trong không quân Lào đã mua của Nga từ những năm 1990.

Theo hợp đồng tháng 6/2015, Nga có kế hoạch chuyển giao 3 máy bay huấn luyện Yak-130 và thiết bị kèm theo cho Myanmar. Bangladesh cũng đã mua Yak-130 và Việt Nam cũng bày tỏ quan tâm tới loại máy bay này.

Theo báo Mỹ, Việt Nam được cho là đối tác chiến lược gần gũi nhất của Nga tại Đông Nam Á. Năm 1979, sau cuộc chiến biên giới phía bắc Việt Nam, Moscow đã thiết lập một căn cứ hải quân tại vịnh Cam Ranh, hiện đang sử dụng các máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-95MS Bear thực hiện các chuyến bay tuần tra tới nam và trung Thái Bình Dương, bao gồm cả bờ tây nước Mỹ và đảo Guam.

Bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh, tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga vẫn đang hoạt động trong khu vực biển thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng Trung Quốc nhận vơ là của họ.

Theo National Interest, nhờ ngân sách quốc phòng ngày một tăng lên và do căng thẳng trên Biển Đông, Việt Nam đã trở thành một nước mua vũ khí lớn của Nga. Nga cũng tạo điều kiện huấn luyện cho Việt Nam nhất, thông qua Ấn Độ là nước vốn có nhiều kinh nghiệm vận hành các khí tài hiện đại của Nga. Việt Nam ký hợp đồng 3 tỷ USD năm 2009 mua 6 tàu ngầm Kilo của Nga, trang bị ngư lôi, mìn và tên lửa Klub siêu âm, có khả năng tấn công mục tiêu trên biển và trên đất liền.

Tên lửa Klub-S trang bị cho tàu ngầm Kilo của hải quân Việt Nam

Tên lửa Klub-S trang bị cho tàu ngầm Kilo của hải quân Việt Nam

Việt Nam đang tự đóng một số tàu tên lửa tấn công nhanh Molnyia "Tia chớp" theo giấy phép và chuyển giao công nghệ của Nga

Việt Nam đang tự đóng một số tàu tên lửa tấn công nhanh Molnyia "Tia chớp" theo giấy phép và chuyển giao công nghệ của Nga

Không quân Việt Nam sở hữu hàng chục chiến đấu cơ Su-30Mk2 và đang xem xét mua máy bay Su-35S nhằm thay thế các máy bay cũ thời Xô viết như MiG-21, Su-22 và Su-27. Hải quân Việt Nam đang thực hiện kế hoạch trang bị 6 tàu hộ vệ tên lửa Project 1166 Gepard 3.9, trang bị tên lửa chống hạm Kh-35E, bổ sung vào đội tàu tên lửa tấn công nhanh Project 12418 Molniya, tàu tuần tra cao tốc, khinh hạm và tàu hộ vệ thích hợp cho tác chiến ven bờ.

Phần lớn xe tăng, trực thăng và các trang thiết bị khác của quân đội Việt Nam có nguồn gốc từ Liên Xô trước đây và Nga ngày nay. Việt Nam hiện đang cân nhắc mua xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 để bổ sung cho đội tăng T-72 và T-55. Việt Nam đã tự chế tạo một số trong các hệ thống vũ khí và trang bị kể trên như tên lửa chống hạm Kh-35 theo giấy phép của Nga.

Trong khi Bắc Kinh khăng khăng đòi giải quyết song phương các tranh chấp ở Biển Đông hay ít nhất là không có sự can thiệp của các quốc gia không phải thành viên ASEAN, nhiều nước trong khối đang tìm cách quốc tế hóa tranh chấp bằng cách mời các cường quốc bên ngoài vào cuộc nhằm cân bằng sự vượt trội về sức mạnh kinh tế cũng như quân sự của Trung Quốc đối với các nước ASEAN.

Trái lại, Mỹ và Nhật Bản, Ấn Độ hay EU đều theo đuổi cách tiếp cận tránh xung đột vũ trang hay hành động đe dọa khác có thể uy hiếp tuyến đường giao thông sống còn ở Biển Đông. Nga theo truyền thống tìm cách giữ khoảng cách với bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á nhằm tránh gây thù chuốc oán với một trong các bên.

Tuy nhiên, National Interest nhận xét Moscow đã có những động thái có thể được xem như ủng hộ Trung Quốc thay vì các bên khác. Tại cuộc họp báo hồi tháng 4/2016 về xây dựng lòng tin ở châu Á, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hòa giọng chung với bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đòi tất cả các cường quốc bên ngoài không được can thiệp vào sự khác biệt giữa các nước châu Á, liên quan đến các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhấn mạnh chỉ nên giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên tranh chấp.

Mặt khác, trong một thông cáo tại hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN tại Sochi, lại kêu gọi nhanh chóng thông qua một “bộ quy tắc ứng xử” và tiến hành nhiều đối thoại về các vấn đề an ninh khu vực tại các hội nghị thượng đỉnh Đông Á, bao gồm Nga, Mỹ và Trung Quốc.

National Interest cho rằng Mỹ quyết định mở rộng bán vũ khí cho Việt Nam và có thể cho các nước Đông Nam Á khác sẽ tạo một cơ hội lớn cho Mỹ. Trong ngắn hạn, những nước này sẽ muốn giám sát và ngăn cản chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc. Có nghĩa họ sẽ mua các máy bay tuần tra biển cũng như trực thăng, radar giám sát bờ biển và các máy bay trinh sát không người lái, các tàu tuần tra tốc độ cao và các loại tàu ven bờ khác.

Tuy nhiên theo National Interest, việc mua sắm này có thể mất thời gian và trong một số trường hợp, một quyết định như vậy của các nước này nhằm nâng cấp một cách cơ bản mối quan hệ an ninh với Mỹ có nghĩa sẽ hỗ trợ Washington tốt hơn trong việc đối phó với Trung Quốc.

Người ta đã nhìn thấy điều đó trong những nỗ lực của một số quốc gia gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). National Interest khuyến nghị chính quyền Mỹ sẽ cần tăng cường mở rộng hợp tác kinh tế và các sự hỗ trợ khác cho các nước này thực hiện kế hoạch của họ. Mỹ cũng phải tiếp tục phát triển quan hệ quân sự với các lực lượng vũ trang khu vực (điều mà ông Obama đã nhấn mạnh khi trả lời một câu hỏi tại Hà Nội). Thông qua đó, Mỹ tạo điều kiện huấn luyện và tập trận chung, cũng như có thể tăng cường sự hiện diện quân sự như trong trường hợp vịnh Cam Ranh của Việt Nam.

Mỹ sẽ tăng cường chương trình tài trợ quân đội nước ngoài tại Đông Nam Á và phối hợp các sáng kiến trên cùng với Nhật Bản.

Thục Ninh

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/nga-than-viet-nam-nhat-chuyen-giao-vu-khi-hien-dai-va-giup-luyen-quan-post28724.html