Nga thất bại trong chiến dịch thu hồi xe tăng Leopard mạnh nhất của Ukraine

Strv 122 là phiên bản xe tăng Leopard 2 hiện đại nhất thế giới do Đức và Thụy Điển hợp tác sản xuất. Nga đã tìm cách thu hồi một chiếc xe tăng này sau khi nó bị vô hiệu hóa, tuy nhiên đáng tiếc là chiến dịch của Nga đã thất bại.

Strv 122 - một phiên bản điều chỉnh của Thụy Điển hợp tác với Đức dựa trên xe tăng Leopard 2A5. Đây được coi là phiên bản xe tăng Leopard 2 tốt nhất trong cuộc xung đột mà Ukraine hiện có.

Thụy Điển đã hỗ trợ Ukraine 10 xe tăng Strv 122 và chúng được trang bị cho Lữ đoàn Cơ giới 21 của Ukraine, chịu trách nhiệm bảo vệ khu vực phía Đông, quanh rừng Kreminna.

Trong một năm giao tranh ác liệt, đội hình Strv 122 của Lữ đoàn 21 nhiều lần bị tấn công, chủ yếu là do mìn, UAV tự sát và các tên lửa chống tăng.

Theo Oryx, trong tổng số 6 chiếc xe tăng Strv 122 của Ukaine bị hư hại, Lữ đoàn 21 đã tạm thời phải bỏ lại ít nhất 5 chiếc trên đường cũng như trên các cánh đồng quanh Kreminna.

Sau đó các kỹ sư của Ukraine đến thu hồi các xe tăng bị hư hại và vận chuyển chúng tới Litva để sửa chữa.

Tuy nhiên Nga cũng rất muốn thu được một chiếc xe tăng này, ngoài mục đích nghiên cứu còn dành cho việc tuyên truyền.

Theo Forbes, Nga đã có cơ hội đó vào tuần trước. Ngày 10/3, một UAV tự sát của Nga đã tấn công một chiếc Strv 122 cách đơn vị đồn trú chính của Lữ đoàn 21 gần 200km về phía Đông ở Terny.

Phía Nga đã tiếp cận chiếc xe tăng Strv 122 này trước và sử dụng 2 chiếc xe cứu kéo BREM đưa nó về phía phòng tuyến của Nga cách đó khoảng 1,6km trước khi Ukraine có thể kịp thu hồi.

Họ đi được nửa đường thì Lữ đoàn Tấn công số 3 của Ukraine đang tới hỗ trợ Lữ đoàn 21 đã phát hiện ra động thái của Nga và ra tay ngăn chặn.

Những người điều khiển UAV tự sát của Lữ đoàn số 3 đã nhắm vào động cơ chiếc BREM dẫn đầu và vô hiệu hóa chúng. Nga đã không tiến xa được với chiến lợi phẩm tiềm năng của họ.

Điều đáng chú ý là máy bay không người lái của Lữ đoàn số 3 nhắm vào những chiếc BREM đang kéo chiếc Strv 122 nhưng lại khéo léo không bắn trúng xe tăng này.

Chiến dịch của Nga nhằm thu hồi chiếc xe tăng tối tân Strv 122 của Ukraine bị thất bại.

Không những vậy, Nga còn bị tổn hại phương tiện cứu kéo BREM.

Xe tăng chủ lực Stridsvagn 122 (Strv 122) được phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu nội địa, trong đó có tác chiến ở các khu vực rừng rậm và địa hình đô thị.

Vào đầu những năm 1990, quân đội Thụy Điển quyết định từ bỏ việc phát triển xe tăng chủ lực (MBT) của riêng mình và tiến hành mua vũ khí này của nước ngoài.

Một cuộc đấu thầu công khai đã được tổ chức, bên chiến thắng là xe tăng Leopard 2A5 của Đức. Năm 1994, hợp đồng cung cấp xe tăng giữa hai nước đã được ký kết.

Ở giai đoạn đầu tiên, Thụy Điển nhận được 160 chiếc Leopard phiên bản 2A4 có sẵn từ Đức (còn gọi là Strv 121).

Đồng thời, Đức tung ra phiên bản Leopard 2A5, được nâng cấp theo yêu cầu của Thụy Điển (có tên gọi Strv 122). Thụy Điển đặt mua 120 chiếc xe tăng này.

Theo các điều khoản của hợp đồng, 29 xe tăng đầu tiên của mẫu Strv 122 được lắp ráp tại nhà máy Krauss-Maffei Wegmann ở Đức.

Sau đó, việc sản xuất Strv 122 được chuyển sang Thụy Điển cho các doanh nghiệp quốc phòng của Bofors và Hägglunds.

Quá trình lắp ráp Strv 122 tiếp tục cho đến năm 2002. Sau khi nhận được tất cả các xe tăng mẫu mới mong muốn, quân đội Thụy Điển bắt đầu trả lại những chiếc Strv 121 đã nhận trước đó cho Đức.

Đến cuối những năm 2005, Thụy Điển chỉ còn sử dụng xe tăng Strv 122.

Trong quá trình phục vụ, với tiềm lực công nghệ quốc phòng, Thụy Điển đã tiến hành nâng cấp Strv 122 nhiều lần.

Vào đầu thập niên 2010, một phần Strv 122 đã bắt đầu được nâng cấp theo dự án Strv 122B, nhằm cải thiện khả năng bảo vệ của xe trước bom mìn và những mối đe dọa khác; nhất là bom tự chế ven đường.

Ngoài ra, để sử dụng Strv 122 ở nước ngoài với tư cách là thành viên của các nhóm quốc tế, nó đã được nâng cấp các phương tiện liên lạc.

Hệ thống chỉ huy mới tương thích với NATO. Strv 122 cũng được sửa đổi để sử dụng ở vùng có khí hậu nóng.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, xe tăng Strv122 nâng cấp còn tốt hơn cả phiên bản Leopard 2A6.

Strv 122 giữ lại kiến trúc tổng thể của dòng Leopard 2A5, nhưng sử dụng những công nghệ mới nhất của nền công nghiệp quốc phòng Thụy Điển.

Ở phiên bản Strv 122 ban đầu, giáp bảo vệ của bán cầu trước của xe kết hợp với các thành phần vonfram, gốm và nhựa.

Theo thông tin công khai cho thấy, mức độ bảo vệ của Strv 122 đã tăng lên so với Leopard 2A5 ban đầu.

Trong phiên bản nâng cấp tiếp theo (Strv 122B), lớp giáp bổ sung được bố trí thêm ở phía dưới, để bảo vệ kíp xe và các phần quan trong của xe trước tác động của mìn.

Ngoài ra, Strv 122B còn sử dụng lớp lưới ngụy trang Barracuda, giúp giảm khả năng quan sát bằng khí tài quang học và giảm tín hiệu hồng ngoại của xe tăng.

Vũ khí trang bị của Strv 122 nhìn chung tương ứng với Leopard 2 nguyên bản.

Pháo chính 120 mm của Rheinmetall, có chiều dài nòng bằng 44 lần đường kính đạn vẫn được giữ nguyên; đạn pháo vẫn được đặt ở thân xe và khoang chứa đạn ở phía sau tháp pháo.

Về vũ khí phụ, có súng máy đồng trục với pháo chính và súng máy phòng không loại Ksp m 94 (tên gọi của Thụy Điển cho MG3 của Đức) và ống phóng lựu khói GALIX do Pháp sản xuất, được trang bị trên xe.

Đối với Strv 122, một hệ thống điều khiển hỏa lực mới đã được phát triển, có tính năng vượt trội hơn so với phiên bản Leopard 2A5.

Strv 122 được đánh giá là rất tiên tiến; nhờ đó, pháo thủ có thể nhanh chóng phát hiện, khóa mục tiêu và bắn.

Điểm mạnh nhất của Strv 122 nằm ở khả năng phòng vệ. Nó được ứng dụng hàng loạt cải tiến để khắc phục nhược điểm của biến thể Leopard 2A5.

Xe tăng Strv 122 được bổ sung những khối giáp gia cường ở mặt trước thân xe và nóc tháp pháo để đối phó với vũ khí chống tăng tiên tiến.

Strv 122 được lắp hệ thống hiệp đồng tác chiến tiên tiến, cùng năng lực chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính và tình báo (C4I).

"Xe tăng Strv 122 có sức mạnh vượt trội so với mẫu Leopard 2A6 nội địa của Đức và Hà Lan", Chuyên gia quân sự Mỹ David Axe nhấn mạnh.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nga-that-bai-trong-chien-dich-thu-hoi-xe-tang-leopard-manh-nhat-cua-ukraine-post570646.antd