Nga - Thổ hòa đàm: Syria 'lách' qua khe cửa hẹp

Bất chấp những bất đồng và tranh cãi, gạt sang một bên những khác biệt về quan điểm và lợi ích, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng đã tìm được lối thoát qua khe cửa hẹp, khiến cộng đồng quốc tế tạm thời thở phào nhẹ nhõm.

Một lệnh ngừng bắn được nhất trí và có hiệu lực gần như ngay lập tức ở điểm nóng Idlib, miền Tây Bắc Syria, là kết quả khá bất ngờ nếu xét đến bối cảnh phức tạp trước cuộc đàm phán kéo dài đến 6 giờ tại điện Kremlin ở Thủ đô Moskva.

Trước khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan quyết định nhận lời mời đến Moskva đàm phán, tưởng chừng như nguy cơ đụng độ quân sự trực tiếp ở Idlib đã cận kề đối với hai nhà bảo trợ cho tiến trình hòa bình tại Syria. Ba vòng đàm phán cấp chuyên viên cùng những cuộc điện đàm cấp ngoại trưởng, thậm chí cấp nguyên thủ nhà nước cũng không mang lại kết quả. Trong khi đó, vô số những lời cáo buộc, chỉ trích trực tiếp nhằm vào nhau đã liên tục được các quan chức của cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra kể từ đầu năm 2020.

Nga - Thổ đạt thỏa thuận ngừng bắn tại Syria.

Nga - Thổ đạt thỏa thuận ngừng bắn tại Syria.

Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã huy động một lực lượng lớn binh sĩ ở Idlib, vi phạm luật quốc tế. Trước đó, Moskva tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng đẩy 130.000 người tị nạn từ Syria vào Hy Lạp. Điện Kremlin cho biết Nga hy vọng giảm thiểu nguy cơ xảy ra một cuộc đụng độ trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, mặc dù các binh sĩ của cả hai bên được triển khai rất gần nhau.

Ngay khi Chính phủ Syria thông báo đóng cửa không phận tại khu vực Idlib, Moskva đã cảnh báo rằng họ không thể đảm bảo an toàn của máy bay Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động trên lãnh thổ Syria. Đồng thời, Nga còn điều 2 tàu chiến trang bị tên lửa hành trình Kalibr tới Địa Trung Hải, hướng về phía bờ biển Syria.

Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Nga không “cản đường” Ankara trong cuộc đối đầu với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trên mạng xã hội lan truyền đoạn video clip cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ phá hủy tổ hợp tên lửa - cao xạ phòng không Pantshir-S1 do Nga sản xuất ở khu vực Tây Bắc Syria. Tình hình cũng “căng như dây đàn” khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tấn công trả đũa nhằm vào lực lượng quân đội Chính phủ Syria.

Những diễn biến tiêu cực tại Idlib đã phủ bóng đen lên chuyến công du chớp nhoáng của Tổng thống T. Erdogan đến Nga cuối tuần qua. Tuy nhiên, chuyến đi đã đạt được kết quả ngoài mong đợi. Sau 6 giờ đàm phán căng thẳng tại Moskva ngày 5/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhất trí về một văn kiện chung nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Syria. Cụ thể, văn kiện vừa đạt được bao gồm 3 nội dung chính: Một là chấm dứt mọi hoạt động giao tranh dọc theo đường phân định hiện có bắt đầu từ rạng sáng 6/3; Hai là, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo ra một hành lang an toàn trải dài 6km về phía Bắc và phía Nam của đường cao tốc M-4 tại Syria; Ba là, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tuần tra chung dọc theo đường cao tốc M-4 từ ngày 15/3.

Đối với việc giải quyết vấn đề Syria, thỏa thuận tạm thời này một mặt giúp cả Ankara và Moskva giữ được thể diện, đồng thời tạo ra khoảng lặng cần thiết để các bên có những toan tính tiếp theo. Trong trường hợp được thực thi đầy đủ và nghiêm túc, lệnh ngừng bắn rõ ràng sẽ giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Syria nói chung và ở Idlib nói riêng.

Tuy nhiên, đối với quan hệ song phương Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, chuyến thăm làm việc đến Moskva của Tổng thống Erdogan có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giữ cho cặp quan hệ này đi theo đúng quỹ đạo mong muốn. Nói cách khác, cuộc hội đàm cấp cao Nga - Thổ Nhĩ Kỳ tại Moskva đã giúp không để vấn đề Idlib nói riêng, cuộc khủng hoảng tại Syria nói chung phá vỡ mối quan hệ hợp tác mang tính chiến lược giữa hai nước. Dù còn nhiều bất đồng, song Nga - Thổ đã bằng lòng hợp tác với nhau. Do đó, nguy cơ chiến sự ở Syria bước đầu cũng đã bị loại bỏ.

N.Minh

((Theo AP, Reuters, BBC))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nga-tho-hoa-dam-syria-lach-qua-khe-cua-hep-n169890.html