Nga thu được gì từ xe tăng của NATO bị bắt giữ?

Những chiếc xe tăng Phương Tây là A1M1 Abrams và Leopard 2 lần lượt rơi vào tay Nga; nhưng các chuyên gia cho rằng chiếc xe tăng Đức có giá trị hơn nhiều trong mắt của người Nga.

Tháng 12/2024, Nga tuyên bố đã “bắt sống” một xe tăng M1A1 Abrams do Mỹ viện trợ Ukraine chống lại Nga. Thông tin này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của giới chuyên gia quân sự và các nhà phân tích, bởi Abrams vốn được xem là một trong những xe tăng tiên tiến và mạnh mẽ nhất thế giới.

Câu hỏi đặt ra là người Nga có thể khai thác được những gì từ M1A1, và điều này có ý nghĩa thế nào so với việc thu giữ các xe tăng hiện đại khác của Phương Tây, như Leopard 2A6 do Đức chế tạo?

Xe tăng Leopard 2A6 được đưa đến nhà máy của Nga.

Xe tăng Leopard 2A6 được đưa đến nhà máy của Nga.

Biểu tượng của chiến tranh hiện đại

M1A1 Abrams là một trong những xe tăng mang tính biểu tượng của chiến tranh hiện đại. Được phát triển từ những năm 1970 và đưa vào biên chế từ thập niên 1980, M1A1 liên tục được nâng cấp để duy trì ưu thế trên chiến trường suốt nhiều thập kỷ. Xe tăng này được cho là có hỏa lực mạnh mẽ, khả năng cơ động linh hoạt và lớp giáp bảo vệ tiên tiến, khiến nó trở thành một vũ khí đáng gờm trong mọi cuộc xung đột quân sự.

M1A1 Abrams được trang bị động cơ turbine khí AGT1500, giúp xe đạt tốc độ tối đa 67 km/h. Nhờ hệ thống treo tiên tiến, Abrams có thể cơ động linh hoạt trên nhiều loại địa hình, đảm bảo tính hiệu quả trong các môi trường tác chiến khác nhau.

Về hỏa lực, M1A1 sở hữu khẩu pháo nòng trơn 120mm, có khả năng bắn nhiều loại đạn tiên tiến, bao gồm đạn xuyên giáp urani nghèo, giúp dễ dàng xuyên thủng lớp giáp dày của xe tăng đối phương. Ngoài ra, xe còn có súng máy đồng trục 7,62mm và súng máy hạng nặng 12,7mm để hỗ trợ tác chiến tầm gần.

Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của Abrams chính là lớp giáp composite đa lớp, được thiết kế để chống lại nhiều loại đạn pháo và tên lửa chống tăng hiện đại. Đối với các phiên bản sử dụng trong quân đội Mỹ, giáp của Abrams còn có lớp phủ urani nghèo, giúp tăng cường khả năng sống sót trên chiến trường.

Theo Bulgarian Military, dù là một cỗ máy chiến đấu mạnh mẽ, phiên bản M1A1 được Mỹ gửi đến Ukraine có một số khác biệt đáng kể so với phiên bản tiêu chuẩn của quân đội Mỹ. Để bảo vệ công nghệ quân sự nhạy cảm, Mỹ đã loại bỏ nhiều thành phần quan trọng trước khi bàn giao xe tăng cho các quốc gia đồng minh.

Điểm khác biệt lớn nhất là lớp giáp urani nghèo (DU) bị thay thế bằng giáp composite thông thường, làm giảm đáng kể khả năng phòng thủ của xe tăng trước các loại đạn xuyên giáp hiện đại. Ngoài ra, hệ thống liên lạc và kiểm soát hỏa lực cũng được đơn giản hóa, khiến phiên bản xuất khẩu kém tiên tiến hơn so với các mẫu Abrams do quân đội Mỹ vận hành. Những thay đổi này nhằm hạn chế nguy cơ các công nghệ tối tân bị rơi vào tay đối thủ.

Dù phiên bản xuất khẩu của M1A1 đã được lược bỏ nhiều công nghệ nhạy cảm, quân đội Nga vẫn có thể thu được những thông tin giá trị từ chiếc xe tăng bị thu giữ. Họ có thể nghiên cứu thiết kế tổng thể, cấu trúc hệ thống động cơ, hộp số và vũ khí để cải tiến các mẫu xe tăng của riêng mình hoặc phát triển các chiến thuật đối phó hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng lợi ích mà Nga có thể thu được từ chiếc Abrams bị bắt giữ là có giới hạn. Phiên bản này thiếu nhiều công nghệ tiên tiến nhất của quân đội Mỹ, và dù việc nghiên cứu có thể mang lại một số hiểu biết chiến thuật, nó khó có thể giúp Nga tạo ra đột phá về công nghệ xe tăng trong ngắn hạn.

Xe tăng M1A1 Abrams do Mỹ chế tạo.

Xe tăng M1A1 Abrams do Mỹ chế tạo.

Việc Nga bắt giữ một xe tăng M1A1 Abrams chắc chắn đáng chú ý, nhưng mối quan tâm thực sự của các nhà phân tích quân sự có thể nằm ở những mẫu xe tăng tiên tiến hơn, chẳng hạn như Leopard 2A6.

Không giống như phiên bản xuất khẩu của M1A1, vốn đã bị lược bỏ nhiều công nghệ nhạy cảm, Leopard 2A6 giữ lại phần lớn cấu hình gốc và thường được coi là mục tiêu tình báo quan trọng hơn đối với Nga. Mẫu xe tăng này được nhiều nước NATO sử dụng, trang bị pháo nòng trơn 120mm tương tự M1A1. Tuy nhiên, Leopard 2A6 còn sở hữu nhiều công nghệ khác có thể thu hút sự quan tâm của Nga.

Đáng chú ý nhất là hệ thống giáp composite tiên tiến. Dù không sử dụng nhiều uranium nghèo như M1A1, lớp giáp của Leopard 2A6 vẫn có khả năng bảo vệ đáng kể trước các loại vũ khí chống tăng hiện đại. Đây có thể là lĩnh vực mà Nga đặc biệt quan tâm, bởi nghiên cứu về lớp giáp này có thể giúp họ cải thiện đạn xuyên giáp hoặc phát triển công nghệ giáp bảo vệ cho xe tăng của mình.

Ngoài lớp giáp, Leopard 2A6 còn sở hữu hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến, cho phép phát hiện và nhắm mục tiêu với độ chính xác cao. Hệ thống ngắm bắn kết hợp các cảm biến quang học, hồng ngoại và máy đo khoảng cách laser, giúp xe tăng hoạt động hiệu quả cả ngày lẫn đêm. Nếu Nga có thể tiếp cận và nghiên cứu hệ thống này, họ có thể phát triển các công nghệ tương tự nhằm nâng cao khả năng tác chiến của xe tăng nội địa.

Bên cạnh đó, Leopard 2A6 còn có hệ thống bảo vệ chủ động tiên tiến hơn so với M1A1, được thiết kế để đánh chặn tên lửa và đạn pháo. Đây là một lĩnh vực khác mà Nga có thể thu thập thông tin và áp dụng vào công nghệ phòng thủ của mình. Việc nghiên cứu Leopard 2A6 giúp Nga hiểu rõ hơn về khả năng của xe tăng NATO, từ đó phát triển các biện pháp đối phó hiệu quả hơn.

Theo chuyên gia của Bulgarian Military, so với việc chiếm được một chiếc M1A1 Abrams, bắt giữ một chiếc Leopard 2A6 sẽ mang lại cho Nga nhiều thông tin giá trị hơn và trong thực tế, người Nga đã có điều họ muốn trong tay: một chiếc xe tăng Đức còn nguyên vẹn.

Khi Leopard 2A6 “lên bàn mổ”

Nhà sản xuất xe tăng lớn nhất của Nga, Uralvagonzavod, hồi tháng 10/2024 thông báo rằng một chiếc xe tăng Leopard do Đức sản xuất được chuyển giao cho Ukraine, đã được đưa từ chiến trường về phòng thí nghiệm của công ty. Một video ghi lại cảnh chiếc xe tăng được đưa đến cơ sở của Uralvagonzavod cũng đã được công bố.

Thời điểm chính xác xe tăng đến nhà máy không được tiết lộ, nhưng video đã xuất hiện trên tài khoản Telegram chính thức của Uralvagonzavod vào ngày 30/9/2024. Trong đoạn video, chiếc Leopard được vận chuyển vào ban đêm bằng xe tải kéo rơ-moóc, phủ bạt kín. Một cần cẩu cũng có mặt tại hiện trường để hỗ trợ dỡ hàng. Khi tấm bạt được tháo ra, có thể thấy chiếc xe tăng vẫn còn trong tình trạng rất tốt, chỉ đôi chỗ hư hỏng nhẹ. Điều này cho thấy nhiều khả năng nó bị bắt giữ trước khi bị tấn công - một tình huống từng xảy ra trước đây.

Thông tin này cũng được một tờ báo chuyên về quân sự của Mỹ xác nhận. Theo bài của Defense News đăng ngày 16/10/2024, các lực lượng Nga đã vận chuyển một chiếc xe tăng Leopard của Ukraine bị bắt từ tiền tuyến về hậu cứ nội để tháo dỡ và phân tích.

Hình ảnh được cho là xe tăng M1A1 Abrams bị Nga bắt giữ, trên đường vận chuyển đến nhà máy của Uralvagonzavod.

Hình ảnh được cho là xe tăng M1A1 Abrams bị Nga bắt giữ, trên đường vận chuyển đến nhà máy của Uralvagonzavod.

Hình ảnh vệ tinh, đoạn video do truyền thông Nga phát hành và các thông tin nguồn mở khác đã xác định được vị trí của chiếc xe tăng Leopard 2A6 bị bắt. Nhà máy Uralvagonzavod được biết đến là nhà sản xuất xe tăng lớn nhất thế giới, với sản lượng hơn 100.000 xe kể từ Thế chiến thứ 2. Nhà máy này cũng tham gia sản xuất các biến thể xe tăng hiện đại nhất mà Nga có.

“Chiếc xe tăng của đối phương hiện đang được đặt trên bệ nâng. Các chuyên gia của Uralvagonzavod đã bắt đầu phân tích các bộ phận, hệ thống và cấu trúc của Leopard. Sau khi kiểm tra, chúng tôi sẽ thực hiện đánh giá chuyên sâu về công nghệ của từng hệ thống cũng như toàn bộ chiếc xe tăng”, Uralvagonzavod tuyên bố.

Tính đến nay, khoảng 200 xe tăng Leopard 2 đã được chuyển giao cho Ukraine từ nhiều quốc gia, bao gồm Đức, Ba Lan, Na Uy và Canada. Đức cung cấp 50 chiếc Leopard 2A6, Ba Lan 14 chiếc, Na Uy 8 chiếc và Canada 4 chiếc Leopard 2A4. Ngoài ra, theo kế hoạch, có thêm 80 xe tăng được Hà Lan và Tây Ban Nha viện trợ vào cuối năm 2024.

Theo các báo cáo gần đây, khoảng 30 xe tăng Leopard 2 đã bị phá hủy hoặc hư hại trong chiến đấu, trong khi 15 chiếc bị quân Nga thu giữ. Ngoài ra, 10 chiếc được Ukraine thu lại sau các cuộc phản công quân Nga.

Dù con số thống kê có thể chưa chính xác, điều chắc chắn là các kỹ sư Nga đã có cơ hội nghiên cứu các thành phần quan trọng của Leopard 2, đặc biệt là các giải pháp công nghệ tiên tiến được áp dụng trong thiết kế. Một trong những lĩnh vực được quan tâm hàng đầu là lớp giáp bảo vệ sử dụng sự kết hợp giữa vật liệu composite và gốm sứ, giúp xe tăng chống chịu hiệu quả trước vũ khí chống tăng. Việc phân tích cấu trúc giáp này có thể cung cấp dữ liệu quan trọng để cải thiện thiết kế xe tăng của Nga, đặc biệt trong bối cảnh cần đối phó với những mối đe dọa mới trên chiến trường.

Bên cạnh lớp giáp, các chuyên gia Nga cũng được cho là sẽ nghiên cứu hệ thống vũ khí và điện tử của Leopard 2, bao gồm pháo nòng trơn 120mm và hệ thống điều khiển hỏa lực tự động. Các cảm biến quang điện tử, vốn đóng vai trò quan trọng trong khả năng phát hiện và nhắm bắn chính xác, cũng sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng. Thông tin thu thập được từ hệ thống cảm biến và các thuật toán phần mềm có thể giúp Nga nâng cấp hệ thống điện tử trên xe tăng của mình, từ đó cải thiện khả năng tác chiến.

Leopard 2, do công ty Krauss-Maffei của Đức phát triển, là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực thành công nhất thế giới. Xe có chiều dài 9,67 mét (bao gồm pháo), rộng 3,75 mét và cao 3 mét. Trọng lượng của Leopard 2 dao động từ 55 đến 65 tấn, tùy thuộc vào phiên bản và cấu hình.

Xe tăng được trang bị động cơ diesel MTU MB 873 Ka-501 có công suất 1.500 mã lực, cho phép đạt tốc độ tối đa khoảng 72 km/h trên đường thông thường và 50 km/h trên địa hình phức tạp. Leopard 2 còn sở hữu hệ thống truyền động đa chức năng, giúp xe di chuyển linh hoạt và duy trì sự ổn định ngay cả khi hoạt động ở tốc độ cao.

Hệ thống kiểm soát hỏa lực của xe tăng Leopard 2 được đánh giá là tiên tiến, bao gồm nhiều thành phần hiện đại. Thành phần cốt lõi của hệ thống này là hệ thống kiểm soát hỏa lực Type 2A5 tích hợp máy đo khoảng cách laser và máy tính đạn đạo, giúp nâng cao độ chính xác khi bắn.

Vũ khí chính của Leopard 2 là pháo nòng trơn Rh-120mm do Tập đoàn công nghiệp và quốc phòng Rheinmetall của Đức sản xuất, có khả năng sử dụng nhiều loại đạn, bao gồm đạn xuyên giáp (APFSDS), đạn nổ lõm chống tăng (HEAT).

Ngoài pháo chính, xe tăng còn được trang bị vũ khí phụ, gồm súng máy MG3 cỡ nòng 7,62mm gắn trên đỉnh tháp pháo và súng máy hạng nặng MG-2 cỡ nòng 12,7mm, có thể được sử dụng để tấn công cả mục tiêu trên không lẫn mặt đất.

Phiên bản Leopard 2A6 vượt trội 2A4 nhờ pháo L55 120mm dài hơn, tăng 10-15% sức xuyên. Giáp module mới giúp chống đạn APFSDS, HEAT tốt hơn.

Nguyễn Xuân Thủy

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/nga-thu-duoc-gi-tu-xe-tang-cua-nato-bi-bat-giu--i756326/