Nga thử nghiệm vaccine Sputnik V giai đoạn cuối, đạt hiệu quả 91.6%

Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối đã được duyệt và công bố trên tạp chí y khoa quốc tế The Lancent cho thấy vaccine Sputnik V của Nga đạt hiệu quả 91,6% trong việc ngăn chặn sự phát triển của virus SARS-CoV-2 trên cơ thể người.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Kết quả trên được Viện Gamaleya ở Moscow, nơi phát triển và thử nghiệm vaccine, đối chiếu phù hợp với số liệu về hiệu quả được công bố ở các giai đoạn trước thử nghiệm.

Trưởng nhóm nghiên cứu, ông Denis Logunov của Viện Gamaleya cho biết nghiên cứu được thực hiện ở Moskva từ tháng 9/2020 với 19.866 tình nguyện viên, trong đó 1/4 dùng giả dược. The Lancet cho biết 4 trường hợp tình nguyện viên đã tử vong, nhưng không có trường hợp nào được coi là liên quan đến tiêm chủng.

Ông Kirill Dmitriev, Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết Moscow đã chia sẻ dữ liệu thử nghiệm giai đoạn 3 với các cơ quan quản lý dược quốc gia và đã bắt đầu quá trình đệ trình lên Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) để được Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt.

Trong một diễn biến liên quan, trước đó, Ủy ban châu Âu đã kích hoạt cơ chế giám sát và trong một số trường hợp cấm xuất khẩu vaccine được sản xuất từ các nhà máy đặt tại EU.

Theo hãng tin AFP, động thái mới được ban hành trong bối cảnh xung đột gay gắt giữa EU và hãng dược AstraZeneca vì tập đoàn dược của Anh-Thụy Điển không thể giao đủ lượng vaccine đúng thời hạn cam kết ban đầu.

“Chúng tôi đã trả tiền cho những công ty này để tăng thêm sản xuất và giờ thì chúng tôi phải mong đợi họ giao hàng”, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Valdis Dombrovskis, nói trước báo giới.

"Biện pháp hôm nay đã được thực thi với mức độ khẩn cấp nhất. Mục tiêu là mang lại cho chúng tôi sự minh bạch hoàn toàn... Và nếu cần thiết, nó cũng sẽ chúng tôi có công cụ để bảo đảm việc bàn giao vaccine", ông Valdis Dombrovskis nói.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng đây là một phần của "xu hướng rất đáng lo ngại", có thể gây hại cho chuỗi cung cấp vaccine toàn cầu.

"Không ích gì khi ở giai đoạn này, bất cứ nước nào đặt ra các lệnh cấm xuất khẩu hay những rào cản xuất khẩu sẽ gây cản trở việc lưu chuyển tự do của các thành phần cần thiết giúp sản xuất vaccine, thiết bị chẩn đoán cũng như các loại thuốc khác có thể sử dụng với toàn thế giới", bà Mariangela Simao, trợ lý Tổng Giám đốc WHO về tiếp cận dược phẩm và vaccine, nói.

Tuy nhiên, quy định mới vừa nêu của EU chỉ áp dụng với những vaccine COVID-19 đã nằm trong những hợp đồng đặt mua trước của Ủy ban châu Âu với các hãng dược.

Tất cả những công ty đó tại EU sẽ phải nộp đơn xin phép khi muốn xuất khẩu vaccine tới các nước ngoài EU. Họ cũng phải trình chứng từ xuất khẩu trong 3 tháng trước đó.

Hầu hết các nước không thuộc EU như Thụy Sĩ, các nước ở vùng Balkan hay các nước nhỏ như Monaco không thuộc diện bị ảnh hưởng bởi quy định mới.

Liên quan đến việc tiêm vaccine COVID-19, theo thống kê của Bloomberg Vaccine Tracker, số người Mỹ được tiêm chủng (ít nhất một liều) đã cao hơn số người dương tính với virus. Đây là cột mốc đáng mừng trong nỗ lực chấm dứt đại dịch.

Theo Bloomberg, Mỹ là quốc gia có tốc độ tiêm chủng mỗi ngày nhanh nhất thế giới, tương đương với khoảng 1,35 triệu liều/ngày.

Bloomberg Vaccine Tracker ghi nhận tính tới chiều 1/2, 26,5 triệu người Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19.

Dù vấp phải nhiều khó khăn ở những ngày đầu, trong vòng 6 tuần kể từ khi có vaccine, khoảng 7,8% người dân Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều và 1,8% đã được tiêm xong. Dân số Mỹ hiện có hơn 328 triệu người.

“Điều đáng được ghi nhận là hôm nay, lần đầu tiên, số liệu cho thấy người được tiêm chủng được ghi nhận nhiều hơn số ca nhiễm mới. Đây là điều đáng mừng”, bà Paula Cannon, Giáo sư vi sinh thuộc Trường Y Keck, Đại học Southern California, nói.

Theo Bloomberg, hiện chỉ có một vài quốc gia đã vượt qua cột mốc giống như Mỹ, trong đó có thể kể đến Israel, Anh, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Trước đó, báo Le Monde (Pháp) ghi nhận Israel đang dẫn đầu thế giới về số người được tiêm vaccine COVID-19, kế đến là Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Anh.

Tính từ lúc phát pháo chiến dịch tiêm chủng vào ngày 19/12/2020, đến ngày 30/1, đã có trên 4,6 triệu dân Israel được tiêm một liều và 2 liều, trong đó có trên 2,9 triệu người nhận liều đầu tiên.

H.Phương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nga-thu-nghiem-vaccine-sputnik-v-giai-doan-cuoi-dat-hieu-qua-916/421995.vgp