Tàu sân bay tương lai của Hải quân Nga bị cho là quá đắt, không nhà máy nào tại Nga đóng được, và cũng không có gì để bảo vệ nó. Mặc dù vậy theo chuyên gia Sergey Marzhetsky - nhà phân tích chính của tờ "Bình luận quân sự" thì nên nhìn vấn đề này ở góc độ khác.
Theo vị chuyên gia, trước hết phải thừa nhận rằng các nhà máy đủ khả năng đóng những con tàu với kích thước lớn như vậy trong thời kỳ Liên Xô vẫn nằm ở Ukraine, tại Nikolaev.
Về mặt lý thuyết, Sevmash - đơn vị đã hiện đại hóa tàu sân bay Vikramaditya cho Ấn Độ có thể đảm nhận nhiệm vụ trên, nhưng điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thời gian chế tạo tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới, điều mà Nga không mong muốn.
Bên cạnh đó, sau khi cắt đứt quan hệ công nghiệp với Ukraine vì sự kiện sáp nhập Crimea, Nga đã gặp phải rất nhiều vấn đề, đáng kể nhất là bị cắt nguồn cung cấp động cơ, dẫn đến nhiều chương trình đóng tàu bị gián đoạn và hoãn vô thời hạn.
Không kém phần quan trọng đó là cần tổ chức một đội hộ tống. Nếu cần thiết, Hải quân Nga có thể gom đủ số lượng tàu hạng nhất cho một nhóm tác chiến tàu sân bay, nhưng đương nhiên sẽ làm suy yếu những hạm đội khác.
Quá trình chế tạo cũng đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ, rất khó khăn trong bối cảnh chi tiêu quân sự bị cắt giảm. Kết luận thật ảm đạm: trước mắt Nga nên tập trung giải quyết những nhiệm vụ ưu tiên như làm chủ việc chế tạo tàu khu trục, sau đó là tàu tuần dương, rồi mới đến tàu sân bay.
Tất nhiên nhận định trên không sai nhưng vẫn có cách tiếp cận khác. Nga hiện không có nhà máy nào đủ sức đóng tàu lớn, nghĩa là Moskva phải bắt đầu xây dựng chúng. Tuy chi phí sẽ cao nhưng cần thiết, để thực hiện phải huy động sự tham gia của vô số doanh nghiệp.
Nhìn sang Anh, tàu sân bay Queen Elizabeth huy động hơn 700 công ty tham gia vào chương trình, sử dụng hơn 10.000 công nhân. Các doanh nghiệp này đóng thuế, phát triển các giải pháp tiên tiến cho nhiệm vụ kỹ thuật được giao và nhân viên của họ được trả lương.
Như vậy chỉ cần một tàu sân bay được chế tạo đã trở thành động lực của sự phát triển kinh tế, đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái sau đại dịch. Khoản tiền không bị bỏ phí mà đó là đầu tư vào khả năng quốc phòng, vào sự phát triển công nghiệp và công nghệ quốc gia.
Đối với động cơ, người Anh đã chọn giải pháp không sử dụng lò phản ứng hạt nhân, tạo ra một hệ thống động cơ điện tích hợp, kết nối 2 turbine khí và 4 động cơ diesel lại với nhau.
Các kỹ sư Nga chẳng lẽ không thể làm được điều đó? Và tại sao không xem xét lựa chọn lắp đặt lò phản ứng hạt nhân, tuy rằng chúng cồng kềnh và sẽ chiếm nhiều diện tích bên trong, dẫn đến việc tăng trọng tải nhưng lợi ích là rất lớn.
Bằng cách nào đó, năm 1961 Mỹ đã xoay xở để biên chế tuần dương hạm USS Long Beach (CGN-9) có lượng giãn nước 16.602 tấn với lò phản ứng hạt nhân, cũng như chiếc CGN-25 Bainbridge duy nhất trên thế giới với lượng giãn nước chỉ 7.982 tấn.
Bất chấp thực tế là có kích thước khiêm tốn, sự hiện diện của lò phản ứng hạt nhân không ngăn cản chúng hoạt động bình thường trong nhiều thập kỷ. Để so sánh, tàu sân bay Varan đầy hứa hẹn sẽ có lượng giãn nước 45.000 tấn.
Nga là một trong những quốc gia đi đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân. Tại sao không bắt đầu làm việc trên thiết bị loại này? Sau đó, chúng có thể được sử dụng trên tàu khu trục tên lửa thuộc Dự án Leader?
Nếu đặt hàng quy mô lớn sẽ dẫn đến giảm chi phí sản xuất, đồng thời tạo tiền đề phát triển công nghiệp công nghệ cao. Để tối ưu hóa chi phí, một số tàu khu trục sẽ được chế tạo với lò phản ứng hạt nhân, trong khi phần còn lại lắp động cơ thông thường.
Đối với phi đội hàng không, nếu nói về dự án Varan thì nó nên được quy vào tàu sân bay hạng nhẹ, chỉ có thể chứa tối đa 24 tiêm kích, 6 trực thăng và 20 UAV, tuy nhiên con tàu nói trên không đơn độc.
Trong lúc này 2 tàu đổ bộ tấn công lớn với kích thước tương đương đang được chế tạo tại Kerch. Cùng lúc đó, Nga một lần nữa quay trở lại dự án máy bay cất - hạ cánh thẳng đứng (VTOL), như Phó Thủ tướng Yuri Borisov giải thích:
"Đây chắc chắn là tương lai, đối với tất cả các loại tàu sân bay, một phi đội máy bay mới sẽ được yêu cầu. Chính vì lý do này mà các công nghệ khác nhau được sử dụng, cung cấp khả năng cất - hạ cánh đường băng ngắn, hoặc đơn giản là cất cánh thẳng đứng".
Máy bay VTOL sẽ được đưa vào chương trình trang bị vũ khí cấp nhà nước, chúng có thể triển khai trên cả tàu sân bay và tàu đổ bộ. Vì vậy, Nga sẽ nhận được 3 tàu sân bay hạng nhẹ cùng một lúc.
Nhưng điều này còn xa tất cả những triển vọng của hàng không hải quân. Gần đây Nga đã tích cực phát triển máy bay không người lái, đó là chiếc S-70 Okhotnik và UAV trinh sát - xung kích hạng nặng Altius. Những chiến hạm trên có thể trở thành nền tảng để sử dụng UAV.
Nói cách khác, chương trình đóng tàu sân bay có thể được xem như một gánh nặng, hoặc là cơ hội để xây dựng lại và phát triển nền công nghiệp quốc gia, cần được ưu tiên một cách chính xác, chuyên gia Sergey Marzhetsky kết luận.
Việt Dũng