New Delhi đã đặt ra một nhiệm vụ đầy tham vọng cho ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ, đó là tạo ra chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm mang tên AMCA nhằm khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Truyền thông quốc gia Nam Á cho biết, nguyên mẫu thử nghiệm ban đầu và 40 máy bay chiến đấu AMCA Mk I thuộc lô sản xuất hàng loạt đầu tiên dự kiến sẽ được trang bị động cơ GE-F414.
Hệ thống máy động lực hàng không này là sản phẩm của công ty General Electric, Mỹ, được tạo ra cho máy bay chiến đấu F/A-18E Super Hornet và được coi là tiên tiến nhất trong số những sản phẩm có nguồn gốc phương Tây.
Sau đó, là một phần của dự án AMCA Mk II, ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ dự định trang bị cho phương tiện tác chiến này một động cơ hoàn toàn mới.
Như đã lưu ý trong ấn phẩm IDRW, vì mục đích này, Trung tâm Nghiên cứu Turbine khí GTRE (một thành viên của Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ - DRDO) đã bắt đầu tìm kiếm đối tác nước ngoài.
Trong số các ứng cử viên có 3 công ty phương Tây bao gồm Rolls-Royce, Safran và GE. Dự kiến sẽ New Delhi quyết định chọn đối tác vào giữa năm 2024, ký kết hợp đồng trong năm nay hoặc đầu năm sau.
Động cơ mới phải có khả năng tạo ra lực đẩy 110 - 130 kN. Dự kiến, nó sẽ không chỉ được trang bị cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 mà còn bao gồm cả tiêm kích trên tàu sân bay TEDBF đang phát triển và máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas MkII MLU hiện đại hóa.
Đáng chú ý là danh sách đối tác tiềm năng không có Nga - quốc gia mà theo đánh giá trước đó của Ấn Độ - có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chế tạo động cơ hàng không.
Có thể Moskva bị loại khỏi cuộc chơi do Ấn Độ lo ngại quan hệ với Washington sẽ xấu đi, đặc biệt khi Mỹ đang thiết lập mối quan hệ kỹ thuật - quân sự chặt chẽ hơn bao giờ hết với New Delhi.
Ấn Độ đang thực hiện chính sách đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự nhằm tránh phụ thuộc vào đối tác lớn duy nhất là Nga, bởi vậy họ nghiêng về hợp tác với phương Tây trong lĩnh vực chế tạo tiêm kích thế hệ thứ năm cũng là dễ hiểu.
Yếu tố nữa cần nhắc tới đó là mặc dù Nga có kinh nghiệm chế tạo động cơ máy bay, nhưng đó là sản phẩm cho tiêm kích từ thế hệ thứ tư đổ lại, công nghệ dành cho động cơ chiến đấu cơ thế hệ thứ năm thì Moskva chỉ như "thợ học việc".
Hiện tại, chưa rõ khi nào động cơ giai đoạn hai mang tên Izdeliye 30 được thiết kế cho tiêm kích tàng hình Su-57 Felon sẽ sẵn sàng, mốc thời gian đã liên tục bị trì hoãn nhiều lần trong suốt thời gian qua.
Bên cạnh đó, không thể bỏ qua thực tế là Ấn Độ đã rất thất vọng khi dự án hợp tác chế tạo tiêm kích thế hệ năm FGFA thất bại, New Delhi cáo cuộc Nga không thực hiện đầy đủ hợp đồng cam kết khi từ chối chuyển giao công nghệ và liên tục tăng chi phí.
Trong tình cảnh nêu trên, rõ ràng New Delhi có lý khi lựa chọn các đối tác phương Tây, bởi họ sở hữu công nghệ vượt trội và luôn thực hiện cam kết hợp đồng một cách rất nghiêm chỉnh.