Nga tiết lộ tên lửa hành trình đầu tiên thời Liên Xô
Công ty nhà nước Rosatom của Nga đã công bố một tài liệu tuyệt mật về việc phát triển tên lửa hành trình đầu tiên do nước này thiết kế, P-5 Piatiorka, trong thời kỳ Liên Xô.
Hướng tới kỷ niệm 75 năm thành lập ngành nguyên tử của Nga vào năm 2020, công ty Rosatom đã công bố một tài liệu tuyệt mật, tiết lộ toàn bộ quá trình phát triển tên lửa hành trình đầu tiên của Liên Xô, tiền thân của tên lửa Kalibr hiện nay.
Tài liệu này, được viết ngày 17/8/1955, yêu cầu Bộ Kỹ thuật Cơ khí Trung bình (cách gọi Bộ Năng lượng Nguyên tử vào thời điểm đó) phát triển 40 "tên lửa thử nghiệm" cho hạm đội tàu ngầm theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, cũng như phối hợp công việc phát triển đầu đạn nổ cho tên lửa.
Tên lửa P-5 Piatiorka được thử nghiệm lần đầu tiên vào tháng 11/1957 và được đưa vào sử dụng trong quân đội năm 1959. Đây là tên lửa đầu tiên trên thế giới có cánh nhằm định hướng bay. Tên lửa được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu công nghiệp và quân sự trên bờ biển và bên trong lãnh thổ của kẻ thù. P-5 Piatiorka có thể mang theo đầu đạn hạt nhân RDS-4.
Sau này, quân đội Nga phát triển tên lửa hành trình P-5 Piatiorka thành hệ thống tên lửa Kalibr. Sức mạnh của loại tên lửa này đã chứng minh trong chiến dịch quân sự của Nga ở Syria.