Nga tìm kiếm gì trong 'nước cờ' ngũ cốc Biển Đen?
Ngày 25.7, một tuần sau khi rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, Nga cho biết đang thúc đẩy các tuyến đường xuất khẩu thay thế mới, cho phép họ hoàn toàn thay thế ngũ cốc Ukraine cả về mặt thương mại và nhân đạo.
Tuần trước, Nga thông báo rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen - cho phép các chuyến hàng ngũ cốc và các loại thực phẩm khác của Ukraine đi qua vùng phong tỏa của hải quân Nga ở Biển Đen - đã tồn tại một năm qua. Kết quả là giá lương thực tăng vọt, với giá lúa mì, ngô và đậu tương ở châu Âu, Trung Đông và các nơi khác đều tăng chóng mặt. Vậy, thỏa thuận ngũ cốc là gì, tại sao nó lại quan trọng đối với chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu và Nga đang tính toán điều gì trong nước cờ này?
Vai trò của “vựa lúa mì” Ukraine
Ukraine được mệnh danh là vựa lúa mì của châu Âu và là nhà cung cấp chính các sản phẩm lúa mì, lúa mạch, hướng dương và ngô cho châu Âu cũng như các nước đang phát triển như Trung Đông, Bắc Phi và Trung Quốc. Hơn 400 triệu người sống dựa vào thực phẩm từ Ukraine.
Một lý do chính cho điều đó là Ukraine có khoảng một phần ba diện tích đất màu mỡ nhất thế giới, được gọi là chernozem, hay đất đen. Và trước chiến tranh, Ukraine có thể dựa vào khả năng tiếp cận quanh năm các bến cảng không có băng ở Biển Đen để vận chuyển ngũ cốc đến các thị trường lân cận ở Trung Đông và châu Phi.
Các nhà nghiên cứu tại UMass Amherst và Trường Kinh tế Kyiv đã công bố một nghiên cứu vào tháng 5.2023 cho thấy tầm quan trọng của các cảng Biển Đen đối với việc bảo đảm ngũ cốc của Ukraine được tiếp cận với thế giới. Trước chiến tranh, 90% nông sản xuất khẩu của Ukraine được vận chuyển qua Biển Đen.
Mặc dù Ukraine cũng vận chuyển ngũ cốc và thực phẩm khác của mình bằng đường bộ qua châu Âu, nhưng làm như vậy tốn kém hơn rất nhiều và mất nhiều thời gian hơn so với xuất khẩu đường biển. Chưa kể chi phí vận chuyển trên đất liền đang tăng lên do chiến tranh, sự phá hủy cơ sở hạ tầng nông nghiệp và những thách thức khác.
Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen là gì?
Thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen giữa Nga và Ukraine đã được ký kết ngày 22.7.2022 với vai trò trung gian của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận cho phép vận chuyển an toàn các sản phẩm nông nghiệp từ Ukraine từ ba cảng trên Biển Đen, bao gồm cả cảng lớn nhất là Odesa. Thỏa thuận ban đầu chỉ kéo dài 120 ngày, nhưng sau đó đã được gia hạn nhiều lần.
Kể từ tháng 8.2022, Ukraine đã xuất khẩu hơn 32 triệu tấn thực phẩm qua Biển Đen. Chương trình Lương thực Liên Hợp Quốc, cơ quan nhân đạo lớn nhất thế giới, đã mua 80% lúa mì từ Ukraine vận chuyển qua Thỏa thuận Biển Đen. Ethiopia, Yemen, Afghanistan và Thổ Nhĩ Kỳ là những nước nhận nhiều hàng cứu trợ nhân đạo nhất. Liên Hợp Quốc ước tính rằng thỏa thuận ngũ cốc đã giúp giảm hơn 23% giá lương thực kể từ tháng 3.2022.
Lượng ngũ cốc được vận chuyển mỗi tháng đã giảm trước khi thỏa thuận sụp đổ tuần trước, từ mức cao nhất là 4,2 triệu tấn vào tháng 10.2022 xuống còn khoảng 2 triệu tấn vào tháng 6. Điều này chủ yếu là do số lượng các cuộc kiểm tra mà Nga đã tiến hành trước khi các tàu có thể rời khỏi Biển Đen.
Một nguyên nhân khác là do sản xuất giảm. Ukraine dự kiến sẽ sản xuất lúa mì, lúa mạch, ngô và các loại cây trồng khác trong niên vụ hiện tại ít hơn 31% so với trước chiến tranh. Và ước tính này được đưa ra trước khi một con đập quan trọng của Ukraine bị phá hủy khiến các cánh đồng ngập nước.
Vì sao Nga rút khỏi thỏa thuận?
Ngày 17.7, Điện Kremlin tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen với lý do các quyền lợi của Nga không được đảm bảo theo Bản ghi nhớ giữa Nga và Liên Hợp Quốc. Phía Nga khẳng định sẵn sàng quay trở lại thỏa thuận nếu tất cả các điều khoản của thỏa thuận được thực hiện. Những phát biểu này của ông Putin được coi như một “tối hậu thư” nhằm vào phương Tây, buộc các nước phương Tây trong vòng 90 ngày phải thực hiện yêu cầu của Nga, được ghi trong bản ghi nhớ với Liên Hợp Quốc. Nga cũng cảnh báo họ sẽ coi bất kỳ con tàu nào ở Biển Đen hướng đến một cảng của Ukraine là một mục tiêu quân sự hợp pháp.
Là một bên ký kết thỏa thuận, Nga được Liên Hợp Quốc cam kết sẽ tạo điều kiện để xuất khẩu sản phẩm phân bón và nông sản của Nga. Tuy nhiên, phía Nga cho rằng, tiến độ thực hiện các điều khoản ghi trong Biên bản ghi nhớ này chậm chạp và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, trong đó có việc ngừng kết nối các ngân hàng của Nga với hệ thống SWIFT gây nhiều khó khăn cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Nga.
Hiện Nga đề ra thời hạn 3 tháng để Liên Hợp Quốc thực hiện đầy đủ các điều khoản của bản ghi nhớ mà 2 bên đã ký kết. Liên Hợp Quốc đang liên hệ với các nước châu Âu để tìm kiếm giải pháp cho những yêu cầu của Nga. Tuy nhiên, những điều kiện này lại liên quan đến các gói trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, trong đó có việc loại Nga ra khỏi hệ thống tài chính quốc tế SWIFT, khiến các bên khó khăn trong việc tìm ra giải pháp.
Tác động đối với chuỗi cung ứng
Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen được đánh giá là giúp làm ổn định giá lương thực toàn cầu và ngăn chặn tình trạng mất an ninh lương thực. Về phía Ukraine, thỏa thuận này được ví như “phao cứu sinh” cho nền kinh tế Ukraine, vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine. Đến nay đã có hơn 33 triệu tấn ngũ cốc, chủ yếu là ngô và lúa mì được Ukraine xuất khẩu theo tinh thần Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), việc chấm dứt thỏa thuận có thể sẽ gây thiệt hại cho Ukraine lên tới 800 triệu USD/tháng.
Một hệ quả khác sau khi Nga tuyên bố đình chỉ Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen là giá lúa mì thế giới bắt đầu tăng mạnh. Giá lúa mì giao tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago đã tăng hơn 3%, lên mức gần 7 USD/giạ (tương đương 30kg), vào lúc 12h, giờ Moscow ngay trong ngày thỏa thuận đổ vỡ, và đến nay đã tăng khoảng 17% kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận.
Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths nhấn mạnh: "Giá ngũ cốc toàn cầu đã tăng đột biến trong tuần này, đe dọa phá hủy những tiến bộ mà chúng ta khó khăn lắm mới đạt được trong năm qua. Và điều này có thể khiến nạn đói trở nên tồi tệ hơn đối với hàng triệu người".
Lựa chọn thay thế
Một tuần sau thỏa thuận đổ vỡ, ngày 25.7, Nga cho biết đang thúc đẩy các tuyến đường xuất khẩu mới thay thế Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Theo Tổng thống Vladimir Putin, ông muốn đảm bảo Nga có khả năng thay thế ngũ cốc của Ukraine cả trên khía cạnh thương mại và nhân đạo.
Cuối tuần này, Nga sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ 2 tại St.Peterdburg. Đây được xem là cơ hội để Nga thúc đẩy kế hoạch xuất khẩu ngũ cốc sang châu Phi. Một số nguồn tin cho biết, Qatar, quốc gia giàu dầu mỏ tại Trung Đông sẽ trả tiền để Nga vận chuyển ngũ cốc đến Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó sẽ phân phối đến các nước nghèo hơn.
Tuy nhiên cả Qatar, và Thổ Nhĩ Kỳ đều chưa xác nhận tham gia kế hoạch. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin, nước này đang tích cực làm việc về các tuyến đường xuất khẩu ngũ cốc mới nhằm đảm bảo lúa mì của Nga có thể đến được các nước có nhu cầu: “Đối với các tuyến đường xuất khẩu ngũ cốc, tôi nghĩ vấn đề chủ yếu là về hậu cần và kỹ thuật. Dù không dễ dàng, song điều này sẽ được giải quyết. Ví dụ, tất cả các nguồn cung cấp phân bón miễn phí mà chúng tôi cố gắng thiết lập cho các nước châu Phi, cũng phải mất một thời gian rất dài để được thống nhất và điều phối".