Nga tin Đan Mạch sẽ sớm cấp giấy phép cho dự án Dòng chảy Phương Bắc 2
Tập đoàn năng lượng Gazprom cho biết, dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 đã hoàn thành 83% hệ thống tuyến đường ống, khoảng 2.042km.
Phát biểu tại sự kiện Tuần năng lượng Nga hôm 2/10, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tuyên bố việc thực hiện dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 vẫn đảm bảo đúng tiến độ bất chấp Đan Mạch chậm cấp giấy phép cho phần đường ống chạy qua lãnh hải nước này.
"Dự án vẫn đang được thực hiện khẩn trương, chúng tôi đang chờ Vương quốc Đan Mạch cấp giấy phép để thi công phần tuyến đường ống khí đốt còn lại chạy trên vùng lãnh hải nước này. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn các phương án thay thế nếu Đan Mạch quyết định không cấp giấy phép thực hiện Dòng chảy Phương Bắc 2, song việc này sẽ mất thêm nhiều chi phí và khiến dự án phải kéo dài hơn” - Bộ trưởng Novak.
Ông Novak cũng khẳng định thêm: “Chúng tôi vẫn hy vọng tuyến đường ống đưa khí đốt từ Nga sang châu Âu sẽ không phải thay đổi khi nhận được giấy phép từ Chính phủ Đan Mạch. Chúng tôi thấy không có căn cứ nào để Đan Mạch không cấp phép cho Dòng chảy Phương Bắc 2".
Trước đó, hôm 1/10, tập đoàn năng lượng Gazprom - chủ đầu tư tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 cho biết, hiện dự án đã thi công được 2.042km đường ống khí đốt, chiếm 83% tổng chiều dài toàn tuyến.
"Việc xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt thuộc Dòng chảy Phương Bắc 2 vẫn đang được thực hiện. Hiện dự án đã hoàn thành 2.042km đường ống dẫn khí đặt dưới đáy biển Baltic, chiến 83% hệ thống tuyến ống", báo cáo của tập đoàn Gazprom cho biết.
Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, có tổng vốn đầu tư khoảng 9,5 tỷ euro, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào cuối năm 2019.
Dự án này bao gồm việc xây dựng 2 tuyến đường ống có tổng công suất 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, chạy dưới biển Baltic, đưa khí đốt từ Nga sang Đức để cung cấp khí đốt cho các khách hàng châu Âu. Tuyến đường ống vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu đi qua vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Nga, Phần Lan, Thụy Điển và Đức
Ngoài tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga, dự án còn có sự tham gia của các công ty Đức Uniper và Wintershall, OMV của Áo, Engie của Pháp và Shell của Anh - Hà Lan.