Nga tỏ thiện chí hợp tác, nói điều gì khiến Hàn Quốc phản ứng gay gắt ra tuyên bố quyết liệt?
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc vừa đưa ra tuyên bố cứng rắn, yêu cầu Nga phải chấm dứt hoàn toàn hợp tác quân sự với Triều Tiên như một điều kiện tiên quyết để thảo luận về việc cải thiện quan hệ song phương.
Theo hãng tin Yonhap, hôm 14/12, Đại sứ Nga tại Hàn Quốc Georgy Zinoviev bày tỏ hy vọng, việc luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ không ảnh hưởng đến khả năng cải thiện quan hệ song phương giữa hai nước.
Ông Zinoviev cho rằng, quan hệ giữa Moscow và Seoul sẽ đến điểm không thể cứu vãn nếu Hàn Quốc quyết định trực tiếp cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, song hiện tại, quốc gia Đông Bắc Á chưa vượt qua "lằn ranh đỏ" này.
Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh: "Tôi hy vọng rằng những sự kiện bất ngờ đang diễn ra trong chính trị nội bộ của Hàn Quốc cuối cùng sẽ không cản trở khả năng phục hồi này, mà thay vào đó sẽ góp phần thúc đẩy nó".
Tuy nhiên, phản ứng gay gắt trước bình luận trên, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho rằng, việc Đại sứ Nga công khai bình luận về tình hình chính trị nội bộ của nước sở tại là "không phù hợp".
Cho rằng hợp tác quân sự Nga-Triều đang đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định sẽ tiếp tục duy trì chính sách đối ngoại một cách kiên định, đồng thời vẫn duy trì các kênh đối thoại cần thiết với phía Moscow.
Về tình hình Hàn Quốc, ngày 15/12, Ngoại trưởng Cho Tae-yul đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự ổn định và không để xảy ra khoảng trống an ninh giữa lúc nước này trong thời kỳ lãnh đạo tạm quyền sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol bị luận tội.
Ông cho biết: "Chúng ta sẽ hoàn toàn sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ các mối đe dọa và khiêu khích, dựa trên sự phối hợp với Mỹ, cũng như với Nhật Bản".
Ngoại trưởng Hàn Quốc bác bỏ những lo ngại rằng, nước này có thể bị hạ cấp trong thứ tự ưu tiên của Washington do tình trạng hỗn loạn chính trị hiện nay, cho biết thêm rằng, các cuộc điện đàm giữa Tổng thống tạm quyền Han Duck Soo và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã làm giảm bớt những lo ngại về khoảng trống trong ngoại giao cấp cao nhất.
Ông nhấn mạnh, hệ thống lãnh đạo tạm quyền "cho thấy rõ ràng mọi công việc quốc gia đang được xử lý bình thường theo các thủ tục dân chủ và hiến pháp".