Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất Duma quốc gia (Hạ viện Nga) xem xét lại 21 điều ước quốc tế với Hội đồng châu Âu (CE), để chấm dứt việc tuân thủ từ ngày 16/3/2023.
Danh sách bao gồm: Hiến chương của CE, thỏa thuận về quyền ưu đãi và miễn trừ của CE, Công ước bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, Công ước về chống khủng bố, Hiến chương châu Âu về địa phương, chính phủ tự trị, Hiến chương xã hội châu Âu...
Một ghi chú giải thích được đính kèm nêu rõ, từ ngày 25/2/2022, Ủy ban Bộ trưởng của Hội đồng châu Âu đã đình chỉ đại diện của Nga trong các cơ quan theo luật định. Sau đó tới ngày 15/3/2022, Moskva đã gửi thông báo với ý định rút khỏi tổ chức.
Với những gì vừa diễn ra, nhà khoa học chính trị Vladimir Zharikhin - Phó Giám đốc Viện nghiên cứu CIS trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ PolitExpert (PE) đã nói rằng bước đi trên của Tổng thống Putin nhắm trực tiếp vào châu Âu.
Ông Zharikhin nhấn mạnh, các điều ước quốc tế áp đặt một số nghĩa vụ mà Nga phải thực hiện. Tuy nhiên EU đã không hoàn thành những gì họ cam kết, chủ nghĩa đơn phương khiến mọi thỏa thuận trở nên vô nghĩa.
“Hãy để châu Âu phản ứng như họ muốn. Phương Tây đang cướp tài sản của Nga, tước quyền tự do đi lại, có thể liệt kê thêm nhiều điều ước mà khối này vi phạm, thậm chí gần như tất cả, vậy tại sao chúng ta phải tiếp tục thực hiện, điều này hoàn toàn phi logic”, ông Zharikhin nói.
Sau khi rút khỏi các điều ước quốc tế, Nga sẽ lập tức được giải phóng khỏi mọi nghĩa vụ kèm theo. Cần lưu ý, châu Âu thậm chí đã không thực hiện một bước đi mang tính minh bạch và đúng trình tự như vậy.
Chuyên gia Zharikhin lưu ý rằng mặc dù châu Âu không chính thức tuyên bố chấm dứt các điều ước quốc tế, nhưng họ lại âm thầm ngừng thực hiện chúng, đây là sự vi phạm nghiêm trọng.
“Nga không thể hành xử theo cách mờ ám như vậy do chúng ta đặc biệt đề cao tính trung thực. Nếu bạn không hoàn thành nghĩa vụ của mình với đối tác, thì phía bên kia cũng coi như không có nghĩa vụ kèm theo”, chuyên gia Zharikhin kết luận.
Mặc dù vậy, khá nhiều nhà phân tích trung lập cho rằng bước đi nói trên của Nga có thể để lại rất nhiều hậu quả rắc rối về sau này, thậm chí đây là sai lầm lớn.
Nếu nước Nga còn trong Hội đồng châu Âu thì đến thời điểm quan hệ hai bên được cải thiện, mọi điều ước quốc tế sẽ tự động được phục hồi, còn khi Moskva đã tuyên bố hủy bỏ thì sẽ mất thời gian cho việc đàm phán ký kết lại.
Nhưng bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng Moskva phải hành động trước để giữ thể diện, bởi với thực tế quan hệ giữa đôi bên ngày càng căng thẳng, dự báo Nga sẽ sớm bị trục xuất khỏi Hội đồng châu Âu.
Nhưng dù cho diễn biến có ra sao đi nữa, quan hệ giữa Nga với phương Tây nói chung và các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu nói riêng đang xấu đến mức đáng ngại.
Một cuộc Chiến tranh Lạnh phiên bản hai - mặc dù chưa được tuyên bố chính thức, nhưng gần như đã trở thành hiện thực đang đánh dấu thời kỳ vô cùng bất ổn của thế giới.