Nga trên bàn thượng đỉnh Mỹ - Đức

Thủ tướng Đức Angela Merkel là lãnh đạo quốc gia đầu tiên trong số các nước đồng minh truyền thống và đối tác chiến lược của Mỹ ở Châu Âu trở thành khách mời chính thức của Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Nhà Trắng.

Thủ tướng Angela Merkel hội đàm với Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng.

Thủ tướng Angela Merkel hội đàm với Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng.

Trong cuộc gặp tại Nhà Trắng hôm 15-7 (sáng 16-7, giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Angela Merkel thảo luận về quan hệ của phương Tây với Nga và dự án Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2). Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng là nhà lãnh đạo Châu Âu đầu tiên có cuộc gặp Tổng thống Biden tại Nhà Trắng.

Tại cuộc gặp, Tổng thống Biden đã đề cập mối quan ngại với bà Merkel liên quan đến dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Nga sang Đức. Ông Biden nói rằng, cả Mỹ và Đức đều không đồng thuận về dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2, trị giá 11 tỷ USD sắp sửa hoàn thành. Nhà Trắng cũng cho rằng, dự án sẽ được phía Nga sử dụng như là một đòn bẩy trong vấn đề Ukraine và những quốc gia láng giềng khác trong khi Kiev đang thu về hàng tỷ USD mỗi năm nhờ các đường ống dẫn khí từ Nga đến phần còn lại của Châu Âu.

Trong khi đó, bà Merkel khẳng định dự án này chỉ bổ sung chứ không thay thế hoàn toàn đường ống qua Ukraine. Tuy vậy, cả hai nhà lãnh đạo đồng quan điểm Nga không nên sử dụng năng lượng như một thứ vũ khí. "Những người bạn tốt vẫn có thể có bất đồng", ông Biden cho biết. Gần đây, ông chủ Nhà Trắng cũng đã miễn lệnh trừng phạt liên quan đến dự án Nord Stream 2.

Ngoài ra, hai bên còn thảo luận về quan hệ với Trung Quốc, cũng như thời điểm Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với người dân Châu Âu. "Mọi việc đang được xúc tiến. Tôi sẽ có thể trả lời các bạn trong vài ngày tới", ông Biden khẳng định. Phát biểu trước các phóng viên trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với bà Merkel, ông Biden cho biết Mỹ "hiện tại" không có kế hoạch gửi quân đến Haiti, trong bối cảnh quốc gia này đang xảy ra bất ổn theo sau vụ ám sát tổng thống.

Cả 2 nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh đến mối quan hệ thân thiết trong cuộc họp kéo dài một giờ của họ, bà Merkel hơn 1 lần gọi chủ nhân Nhà Trắng là "Dear Joe", nghĩa là "Joe thân mến". "Về mặt cá nhân, tôi muốn nói tôi sẽ nhớ những lúc gặp bà trong các hội nghị thượng đỉnh", ông Biden nói với bà Merkel và nhấn mạnh: "Tôi chắc chắn sẽ nhớ".

Bà Merkel đã có mối quan hệ khá lạnh nhạt với người tiền nhiệm của ông Biden là ông Donald Trump. Mối Quan hệ Đức-Mỹ "thăng hoa" dưới thời cầm quyền của Tổng thống Obama. Mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo đã góp phần xây dựng quan hệ hai nước tốt đẹp, thiện chí và hiểu biết lẫn nhau. Trong những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ hai, một trong những chuyến công du nước ngoài cuối cùng mà ông Obama thực hiện là gặp bà Merkel ở Berlin. Trong chuyến đi đó, vào tháng 11-2016, ông Obama gọi bà Merkel là một "đối tác xuất sắc", ca ngợi bà là người "chính trực, trung thực, chu đáo" và nói rằng nếu ông là một cử tri Đức, chắc chắn ông sẽ chọn bà cho một nhiệm kỳ khác.

Và giờ đây, lần đi đến Mỹ này cũng là chuyến thăm chia tay của bà Merkel sau gần 16 năm nắm quyền lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất Châu Âu và diễn ra chỉ hai tháng trước cuộc bầu cử Quốc hội Đức dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới. Bà Merkel, người đã làm việc qua 4 thời tổng thống Mỹ, sắp rời nhiệm sở. Bà sẽ không tiếp tục lãnh đạo đảng Liên minh dân chủ thiên chúa giáo (CDU) trong cuộc tổng tuyển cử tới.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_246251_nga-tren-ban-thuong-dinh-my-duc.aspx