Nga đã triển khai "cặp song sinh khủng khiếp" tại vùng lãnh thổ hải ngoại để gây sức ép lên Lithuania, mục đích nhằm ép quốc gia này ngừng việc phong tỏa Kaliningrad.
Thông tin trên đã được tờ báo Naval News đăng tải, tác giả chính là nhà phân tích nổi tiếng, một chuyên gia về công nghệ hải quân - ông H.I. Sutton, người đứng đầu trang web Corvert Shores.
Vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga bất ngờ trở thành tâm điểm chú ý trong những ngày gần đây. Điều này xảy ra sau khi Lithuania chặn việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ và đường sắt tới khu vực của Nga bị tách biệt với phần còn lại của đất nước.
Tác giả bài viết trên tờ Naval News nhận định: "Những hành động thù địch của Vilnius đã dẫn đến thực tế là khu vực lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad đã trở thành điểm nóng tiềm tàng cho xung đột giữa Nga và NATO".
Moskva tuyên bố rằng họ sẽ đưa ra phản ứng quyết liệt nhất đối với hành động gây hấn như vậy. Theo ông Sutton, các hình ảnh vệ tinh mới nhất tại khu vực Kaliningrad cho thấy đúng là Quân đội Nga đã thực hiện một số biện pháp.
“Phân tích hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga hiện đã triển khai các hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển tiên tại khu vực Kaliningrad. Đó chính là cặp song sinh khủng khiếp Bal và Bastion-P", bài báo viết.
Chuyên gia quân sự Sutton giải thích rằng ông gọi các tổ hợp này là "cặp song sinh" vì chúng thường được triển khai theo một nhóm, do chúng sử dụng một radar dẫn bắn Monolith-B.
Ông Sutton đã so sánh hệ thống Bal với tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ. Tổ hợp phòng thủ bờ biển của Nga bắn tên lửa Kh-35 và mỗi bệ phóng mang 8 quả đạn loại này.
Bài báo nhấn mạnh: “Chúng mạnh hơn hầu hết các hệ thống phòng thủ ven biển khác với phạm vi tiêu diệt mục tiêu là 120 km với tên lửa Kh-35 thông thường, hoặc lên đến 260 km khi sử dụng tên lửa Kh-35U".
Trong khi đó, tầm hoạt động của hệ thống Bastion-P thậm chí còn lớn hơn, đạn chống hạm Oniks bản nội địa của Nga đạt tới tầm bắn 600 km, tốc độ bay của tên lửa là Mach 2,5.
“Các loại vũ khí cấp cao nhất thời hậu Chiến tranh Lạnh này được coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với bất kỳ tàu nổi nào. Tầm bắn của những tên lửa nói trên, đặc biệt là Oniks có thể vươn tới bờ biển Thụy Điển ở phía bên kia của Baltic".
"Mặc dù không có gì bí mật khi Nga bố trí các hệ thống tên lửa chống hạm này ở Kaliningrad, nhưng chúng lại đang được triển khai vào thời điểm căng thẳng gia tăng”, ông Sutton nói.
Như tác giả nhớ lại, ông Nikolai Patrushev - Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga trước đó đã cảnh báo rằng Moskva đang thực hiện các biện pháp trả đũa, chống lại các hành động thù địch của Vilnius, việc làm trên liệu có ép Lithuania ngừng việc phong tỏa Kaliningrad?
“Tên lửa chống hạm khó có thể là phản ứng đủ sức nặng đối với Lithuania. Quốc gia Baltic này là một thành viên của NATO, vì vậy bất kỳ cuộc đụng độ nào cũng sẽ dẫn đến leo thang nghiêm trọng”, ông Sutton tóm tắt.
Bạch Dương