Nga trông cậy Kalibr, Mỹ tin vào Tomahawk nếu xảy ra xung đột
Xung đột Nga-NATO được giới phân tích nhận định sẽ là cuộc đấu khốc liệt giữa tên lửa hành trình Kalibr của Nga và Tomahawk của Mỹ.
Thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông phương Tây ngày càng xuất hiện nhiều bài viết cho rằng “Nga đang chuẩn bị xâm lược Ukraine”. Cùng với những thông tin này, nhiều chuyên gia quân sự cũng đưa ra các kịch bản, giả thuyết về một cuộc chiến giữa Nga với Mỹ và NATO.
Trong bối cảng thăng thẳng trên biên giới Nga-Ukraine đang leo thang, chuyên gia quân sự Mỹ Chris Osborne nhận định trên tạp chí Mỹ National Interest (NI) rằng, Washington có thể khả năng giáng một đòn cực mạnh vào Nga từ Biển Đen, nếu Moscow tấn công Ukraine.
Tác giả bài báo kêu gọi sử dụng không chỉ lực lượng không quân, lục quân mà còn sử dụng cả lực lượng hải quân chống lại Moscow, với các đòn tấn công tổng hợp từ trên không, trên biển và trên bộ. Đặc biệt, ông này nhắc lại những phát triển quân sự của Mỹ như tên lửa hành trình Tomahawk.
Chuyên gia Osborne nhận xét, hỏa lực hạng nặng và chính xác, chẳng hạn như tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk phóng từ tàu ngầm và tàu chiến, có thể gây những thiệt hại nặng nề các lực lượng Nga dọc biên giới Ukraine.
Ngoài ra, một chuyên gia Mỹ giấu tên, trước đây từng làm việc tại Lầu Năm Góc, trong Văn phòng Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về Cung ứng, Hậu cần và Công nghệ, đã đề xuất sử dụng tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35C và F-35 B trên hàng không mẫu hạm và tàu đổ bộ tấn công để chống lại Nga.
Theo ông này, một khối lượng lớn lực lượng mặt đất Nga có thể dễ bị tổn thương trước một chiến dịch tác chiến trên tàu sân bay lớn, nếu Mỹ chiếm được ưu thế trên không. Nga cũng có máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm Sukhoi Su-57, nhưng số lượng hạn chế của chúng không đủ để đối phó.
Chuyên gia Osborne cho rằng, mục đích chính của cuộc tấn công từ Biển Đen là chuyển hướng sự chú ý của Moscow sang “mặt trận thứ hai”, trong trường hợp có xảy ra cuộc tấn công trên bộ vào Ukraine, cũng như tạo hành lang an toàn cho các lực lượng và thiết bị quân sự.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, Hải quân Mỹ nhiều khả năng có ưu thế so với Hải quân Nga.
Ngoài ra, cuộc đổ bộ của Thủy quân lục chiến Mỹ có thể dẫn đến việc Nga phải đối phó trên hai mặt trận. Nếu bất kỳ bàn đạp nào được thiết lập, nó cũng có thể cung cấp hành lang tiếp cận cho các lực lượng quân sự bổ sung như phương tiện đổ bộ và các nền tảng khác, khiến Nga không thể đối phó nổi.
Bên cạnh bài viết của NI, tạp chí Mỹ Forbes hôm 22/12 có bài viết nhận định rằng, Nga cũng sẽ lấy Biển Đen làm bàn đạp tấn công, bởi Hạm đội Biển Đen của Nga có sức mạnh hủy diệt với hàng loạt tàu ngầm, tàu nổi được trang bị tên lửa hành trình đối hạm/đối đất tiên tiến Kalibr.
Tác giả bài báo là chuyên gia David Ace - một cây bút quen thuộc trong lĩnh vực quân sự của các tờ báo Mỹ như Forbes, NI - nhận xét rằng, Nga đang tích cực triển khai hàng loạt dự án chế tạo tàu mặt nước, tàu ngầm mới cho “tiền đồn chống NATO” là Hạm đội Biển Đen và điều quan trọng nhất là chúng đều được trang bị tên lửa hành trình Kalibr, có thể bắn xa từ hàng trăm đến hàng nghìn km.
Nếu xảy ra xung đột quân sự Nga-Ukraine, tác động của các trận hải chiến có thể ảnh hưởng sâu vào trong đất liền, bởi tên lửa Kalibr phiên bản tấn công mặt đất 3M-14 có tầm phóng xa từ 1.500-2.500km (phiên bản chống hạm 3M54 có phạm vi tấn công 660km), có thể vươn tới tận thủ đô Kiev của Ukraine.
Viễn cảnh ớn lạnh này đều xuất phát từ sự hiện đại hóa của Hạm đội Biển Đen, khi vài chục tàu ngầm và tàu nổi Nga đồng loạt khai hỏa bằng tên lửa Kalibr thì không chỉ Ukraine, mà ngay cả Mỹ-NATO cũng không thể đối phó nổi, thủ đô Kiev của Ukraine sẽ nằm trong vòng hủy diệt của Nga.