Nga, Trung bất bình, Anh, Pháp lo ngại sau vụ Mỹ không kích giết chết tướng Iran
Nga và Trung Quốc coi hành động của Mỹ là không tôn trọng luật pháp quốc tế trong khi Anh và Pháp bày tỏ lo ngại hành động trên khiến căng thẳng leo thang tại vùng Vịnh.
Vào sáng sớm ngày 3.1 theo giờ địa phương, chỉ huy Lực lượng Quds thuộc Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, Qasem Soleimani đã thiệt mạng trong một cuộc không kích tại sân bay Baghdad. Sau đó Mỹ xác nhận đã phát động cuộc tấn công theo lệnh của Tổng thống Donald Trump.
Trong cuộc họp báo của Bộ ngoại giao Trung Quốc ngày 3.1, phát ngôn viên Cảnh Sảng cho biết: “Trung Quốc đã theo sát tình hình có liên quan. Chúng tôi phản đối việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và tin rằng tất cả các bên nên nghiêm túc tuân thủ các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc cũng như các quy tắc cơ bản trong điều chỉnh quan hệ quốc tế. Chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq phải được tôn trọng, hòa bình và ổn định của Vùng Vịnh ở Trung Đông phải được giữ vững. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan, đặc biệt là phía Mỹ, giữ bình tĩnh và kiềm chế và tránh làm căng thẳng thêm căng thẳng”.
Có thể thấy thái độ của Trung Quốc đang lên án các hành động mà họ cho rằng vi phạm hiến chương LHQ, vi phạm chủ quyền của Iraq và nhắc khéo Mỹ không hành động leo thang. Trong khi đó, phía Nga thể hiện thái độ mạnh mẽ hơn. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua đã nói với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rằng Washington đã bắt tay vào một động thái bất hợp pháp và kêu gọi đối thoại với Iran.
Lavrov có vẻ khó chịu khi Nga đã không được thông báo về các hành động trước khi Mỹ ra tay. Ông nói rằng hành động của một quốc gia thành viên LHQ nhằm loại bỏ các quan chức của một quốc gia thành viên LHQ khác trên lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền thứ ba là vi phạm một cách trắng trợn các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và đáng bị lên án. Ngoại trưởng Nga cho biết bước đi này của Mỹ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cho biết việc Washington giết một đại diện của một chính phủ của một quốc gia có chủ quyền, một quan chức là hành động hoàn toàn không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào. Bà cho biết với sự kiện trên thì thế giới hiện đang đối đầu với một thực tế mới. Bà Zakharova cũng ám chỉ rằng khi ra lệnh giết người, Tổng thống Trump đã để mắt đến chiến dịch tái tranh cử của ông. "Quân đội Mỹ đã hành động theo lệnh của giới chính trị Mỹ. Mọi người nên nhớ và hiểu rằng các chính trị gia Mỹ có lợi ích của họ, đừng quên năm nay là một năm bầu cử", Zakharova phát biểu.
Bộ Ngoại giao Nga đã nói với RIA trong một cuộc phỏng vấn riêng rằng việc giết Soleimani sẽ làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông. “Chúng tôi coi việc giết chết Soleimani từ một cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ ở vùng lân cận Baghdad là một bước đi táo bạo sẽ dẫn đến căng thẳng gia tăng trên toàn khu vực. Soleimani là người bảo vệ lợi ích quốc gia của Iran”, RIA dẫn lời Bộ Ngoại giao cho biết.
Thượng nghị sĩ Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Nga tin rằng “Mỹ đã ném bom vào tất cả các hy vọng kiểm soát chương trình hạt nhân của Iran, và giờ đây, Teheran có thể tiến lên với việc tạo ra vũ khí hạt nhân, ngay cả khi họ không dự định làm như vậy trước". Hạ nghị sĩ Leonid Slutsky, chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Hạ viện Nga, cho biết vụ giết người sẽ dẫn đến sự leo thang căng thẳng. “Người Mỹ đã vượt qua lằn ranh đỏ, và lần này hậu quả có thể nghiêm trọng”, Slutsky nói với RIA.
Hai quốc gia khác trong Hội đồng bảo an là Anh và Pháp cũng lên tiếng về vụ việc này. "Chúng ta đang đối mặt với một thế giới nguy hiểm hơn. Leo thang quân sự đang diễn ra và luôn nguy hiểm", Thứ trưởng Ngoại giao Pháp Amelie de Montchalin nói trên đài phát thanh RTL. "Khi những hành động như vậy, hoạt động như vậy, diễn ra, chúng tôi thấy rằng sự leo thang đang được tiến hành". Montchalin cho biết các nỗ lực hòa giải khẩn cấp đang được thực hiện. "Tổng thống Emmanuel Macron và Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian đã tiếp cận với các bên trong khu vực", Montchalin nói.
Còn Ngoại trưởng Anh Dominic Raab ra tuyên bố thừa nhận "mối đe dọa từ lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran do Qasem Soleimani lãnh đạo", song không bày tỏ ủng hộ hay phản đối cuộc không kích của Mỹ. Anh nhấn mạnh "xung đột leo thang không mang lại lợi ích cho chúng ta".
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres, nói rằng thế giới không thể hứng chịu một cuộc chiến vùng Vịnh khác. "Tổng thư ký đã liên tục ủng hộ việc xuống thang ở vùng Vịnh", người phát ngôn của Guterres phát biểu. "Đây là thời điểm mà các nhà lãnh đạo phải thực hiện sự kiềm chế tối đa. Thế giới không thể trả giá cho một cuộc chiến khác ở vùng Vịnh".
Từ nước Mỹ, Tổng thống Trump đã lên Twitter để bảo vệ quyết định sát hại Soleimani. Người đứng đầu Nhà trắng tuyên bố rằng chỉ huy Lực lượng Quds đứng đằng sau cái chết của "hàng triệu người", bao gồm cả công dân Mỹ và đồng bào Iran của chính ông.
Soleimani "đã giết hoặc làm hàng ngàn người Mỹ bị trọng thương trong một thời gian dài và đang âm mưu giết nhiều người nữa", Trump tweet. "Ông ta trực tiếp và gián tiếp chịu trách nhiệm về cái chết của hàng triệu người, bao gồm cả số lượng lớn người biểu tình gần đây bị giết ở Iran", ông Trump giải thích.
Nhưng quyết định của ông Trump cũng vấp phải phản đối ngay trong lòng nước Mỹ. Cựu phó tổng thống Joe Biden và là đối thủ tiềm năng lớn nhất của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà trắng sắp tới coi hành động trên là ném mồi lửa vào thùng thuốc nổ.