Nga - Trung cùng ứng phó tình huống mới

Không phải ngẫu nhiên mà cuộc hội đàm trực tuyến của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được tiến hành chỉ một ngày sau khi ông Donald Trump chính thức trở lại trị vì nước Mỹ.

Vì trước đó, ông Tập Cận Bình và ông D.Trump đã điện đàm với nhau và ông V.Putin gửi lời chúc mừng ông D.Trump. Nhưng rồi cả Nga và Trung Quốc không thể không gia tăng quan ngại.

Khi phát biểu nhậm chức, ông D.Trump tuyên bố sẽ áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với các đối tác của Mỹ, không nêu đích danh Trung Quốc như đã từng nhiều lần dọa trước đó. Người đứng đầu Nhà Trắng cam kết chấm dứt cuộc chiến giữa Nga và Ukraine theo cách thuyết phục Nga ngừng chiến trước và kết thúc cuộc chiến sau nhưng cũng lại đồng thời dọa sẽ mạnh tay trừng phạt Nga nếu nước này không thuận theo Mỹ.

Bài phát biểu nhậm chức của ông D.Trump cũng toát lên chủ định, tham vọng gây dựng và duy trì vị thế, ảnh hưởng lãnh đạo thế giới cho nước Mỹ.

Nga và Trung Quốc không thể không nhận thấy một tình huống mới đã xuất hiện và tác động có thể rất bất lợi cho họ, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới những lợi ích thiết thực trước mắt và chiến lược lâu dài của hai quốc gia láng giềng của nhau này. Trong thế giới hiện đại ngày nay, Mỹ vẫn là cường quốc thế giới trên nhiều phương diện nhưng không phải cứ muốn gì cũng được và muốn làm gì thì cũng làm được, đối với Nga và Trung Quốc thì càng như thế.

Tuy nhiên, vì ông D.Trump không như những người tiền nhiệm về quan điểm, chính sách cầm quyền và tính cách cá nhân, nên Nga và Trung Quốc luôn phải phòng ngừa Mỹ. Bởi vậy, hai nước sẵn sàng ứng phó mọi kịch bản có thể xảy ra ở nước Mỹ về đối nội cũng như đối ngoại trong nhiệm kỳ của ông D.Trump, đặc biệt ứng phó những gì người này có thể sẽ làm đối với Nga và Trung Quốc.

Những phát ngôn của ông chủ Nhà Trắng trong những ngày cầm quyền đầu tiên vừa qua liên quan đến Trung Quốc và Mỹ đều cho thấy người này quyết tâm thôi thúc và gò ép Nga và Trung Quốc phải chịu khuất phục Mỹ hoặc chịu hợp tác với Mỹ sao cho ông D.Trump có được hiệu ứng đối nội và kết quả đối ngoại như mong đợi và kỳ vọng cũng như đã cam kết khi vận động tranh cử.

Vì thế, mục đích quan trọng hàng đầu đối với ông V.Putin và ông Tập Cận Bình với cuộc hội đàm trực tuyến vừa qua không phải là những thỏa thuận hợp tác song phương lớn mới, cũng không phải những bước tiến mang tính đột phá mới mà là ý nghĩa và tác động chính trị thế giới của sự kiện. Hai người này chủ ý thể hiện cho ông D.Trump và cả thế giới thấy mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc thật sự tốt đẹp, thực sự bền chặt, thật sự tin cậy lẫn nhau và không thể chia rẽ được hai nước này. Thông điệp của họ là Nga và Trung Quốc thiện chí hợp tác với Mỹ nhưng đồng thời hiện đã và cả tới đây nữa luôn sẵn sàng ăn miếng trả miếng "Chính sách sức mạnh" của ông D.Trump.

Ông D.Trump gây khó và gây hấn với nước này thì nước đó sẽ được quốc gia láng giềng kia hậu thuẫn. Ông D.Trump muốn nước Mỹ lãnh đạo thế giới thì Nga và Trung Quốc chủ trương thúc đẩy hệ thống quốc tế với Liên hợp quốc là trung tâm. Quan hệ tốt đẹp giữa Nga và Trung Quốc cùng với sự liên thủ chặt chẽ giữa Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Iran là tình huống đối ngoại mới của tân Tổng thống nước Mỹ và là một trong những thách thức đối ngoại lớn nhất đối với ông D.Trump, khiến ông rất khó đạt được những gì kỳ vọng.

Đại sứ Trần Đức Mậu

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nga-trung-cung-ung-pho-tinh-huong-moi-691455.html