Nga-Trung hợp tác tên lửa đạn đạo: Tăng tin cậy, đẩy lòng tin và lời cảnh báo với Mỹ

Trong cuộc họp thường niên của Câu lạc bộ Thảo luận Valdai vào tháng 10/2019, Tổng thống Vladimir Putin thông báo rằng Nga và Trung Quốc đang hợp tác phát triển hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo (BMEWS). Sự hợp tác trong lĩnh vực quân sự nhạy cảm thể hiện mức độ tin cậy ngày càng cao giữa hai nước.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp thượng đỉnh - Ảnh: Kremlin.ru

Bài liên quan

Nga, Trung Quốc tăng tốc “khử” đồng USD

Nga, Trung Quốc phản đối chủ nghĩa đơn phương của Mỹ

Nga, Trung Quốc chỉ trích Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Mỹ

Tăng cường hợp tác, thúc đẩy lòng tin

Những nỗ lực đầu tiên của Bắc Kinh nhằm phát triển và chế tạo BMEWS và các radar theo dõi phòng thủ chống tên lửa được thực hiện như một phần của Dự án 640 đã bị hủy bỏ. Đó là một nỗ lực nhằm xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược của Trung Quốc khởi động từ những năm 1960-1980.

Dự án 640 nhằm mục đích chế tạo hai radar thử nghiệm hoạt động: một radar BMEWS kiểu 7010 và một radar theo dõi kiểu 110. Cả hai radar đều được quân đội Trung Quốc sử dụng trong một thời gian.

Trung Quốc đã đổi mới việc phát triển BMEWS vào những năm 2000, sử dụng một số kinh nghiệm thu được từ Dự án 640. Việc chế tạo các radar BMEWS tầm xa bắt đầu vào những năm 2010. Các thử nghiệm với các bộ phận cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo trên không gian cũng được đổi mới với việc phóng vệ tinh thử nghiệm.

Hệ thống của Trung Quốc không sao chép bất kỳ hệ thống hiện có nào của Nga. Nhưng người Trung Quốc đã tiếp cận Nga để có chuyên môn trong việc khắc phục các vấn đề mấu chốt.

Hợp tác kỹ thuật quân sự Nga - Trung luôn khá bí mật và mức độ bí mật ngày càng tăng khi cả hai nước tham gia vào cuộc đối đầu trực tiếp hơn với Hoa Kỳ. Cho đến nay các phương tiện truyền thông Nga chỉ xác định được một hợp đồng liên quan đến hợp tác song phương BMEWS với Trung Quốc.

Hợp đồng này là để phát triển phần mềm BMEWS chuyên dụng, trị giá khoảng 60 triệu USD, được trao cho một tập đoàn hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không hàng đầu của Nga.

Đây có thể không phải là thỏa thuận quốc phòng duy nhất giữa hai nước. Hợp tác BMEWS có thể bao gồm nhiều hợp đồng nhỏ giải quyết các vấn đề khác nhau trong hệ thống quốc phòng của Trung Quốc.

Các hệ thống này là một trong những lĩnh vực công nghệ quốc phòng tinh vi và nhạy cảm nhất. Hoa Kỳ và Nga là những quốc gia duy nhất có thể phát triển, xây dựng và duy trì các hệ thống như vậy.

Các hệ thống ban đầu, cả trên bộ và trên không gian, đều không đáng tin cậy, dẫn đến một số sự cố thảm khốc có thể xảy ra trong Chiến tranh Lạnh sau những cảnh báo sai lầm về các cuộc tấn công của kẻ thù.

Hỗ trợ công nghệ từ Nga sẽ giúp Trung Quốc khắc phục một số vấn đề với hệ thống của họ. Điều này sẽ làm giảm xác suất trục trặc của hệ thống và từ đó có tác động tích cực đến an ninh toàn cầu.

Sự tham gia của các công ty Nga trong việc phát triển các hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo của Trung Quốc này giúp họ tiếp cận rất nhiều dữ liệu về khả năng của hệ thống. Quan trọng, điều này thể hiện mức độ tin cậy cao và đặt ra câu hỏi về khả năng tích hợp các hệ thống của Nga và Trung Quốc.

Một máy bay quân sự A-50 của Nga gần quần đảo tranh chấp có tên là Takeshima ở Nhật Bản và Dokdo ở Hàn Quốc, ngày 23 tháng 7 năm 2019 - Ảnh: Reuters

Liên thủ trước liên minh, lời cảnh báo cho các đối thủ

Trong trường hợp tích hợp hệ thống, các trạm đặt ở phía Bắc và phía Tây của Nga có thể cung cấp cho Trung Quốc dữ liệu cảnh báo. Đổi lại, Trung Quốc có thể cung cấp cho Nga dữ liệu thu thập được tại các trạm phía Đông và phía Nam của họ.

Điều này sẽ cho phép hai nước tạo ra mạng lưới phòng thủ tên lửa toàn cầu của riêng mình. Tuy nhiên, cả hai chính phủ Trung Quốc và Nga đều chưa công bố ý định làm điều này.

Hợp tác phòng thủ tên lửa là vì lợi ích của quân đội hai nước. Nga và Trung Quốc đã tiến hành một số cuộc tập trận phòng thủ tên lửa mô phỏng máy tính chung trong những năm gần đây. Nhưng những điều này chỉ mô phỏng hoạt động của các hệ thống phòng thủ tên lửa đơn giản hơn như hệ thống S-400 và HQ-9.

Sự ra đời của Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) - luật của Hoa Kỳ nhằm trừng phạt những quốc gia mua vũ khí và công nghệ quốc phòng từ Nga - đã dẫn đến việc giữ bí mật hơn nữa đối với các giao dịch vũ khí song phương của Nga trong những năm gần đây.

Các tuyên bố chính thức đã tiết lộ ít nhất ba hợp đồng lớn mới để xuất khẩu vũ khí và công nghệ của Nga sang Trung Quốc vào năm 2019.

Ý nghĩa chính trị trong tuyên bố của ông Putin về hợp tác BMEWS vượt xa ý nghĩa kỹ thuật và quân sự của các dự án hợp tác này. Nó cho thế giới thấy rằng hai nước đang trên bờ vực của một liên minh quân sự chính thức, có thể được kích hoạt nếu áp lực của Mỹ và đồng minh đi quá xa.

Tại cuộc họp Valdai tiếp theo vào tháng 10 năm 2020, Tổng thống Putin tuyên bố không loại trừ khả năng liên minh quân sự với Trung Quốc trước câu hỏi này. Phản ứng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đối với tuyên bố này là tích cực, nhưng phía Trung Quốc vẫn kiềm chế, không sử dụng từ "liên minh".

Tuy nhiên, tuyên bố năm 2019 của Tổng thống Nga về hợp tác BMEWS có thể được đưa ra mà không có sự tham vấn trước với phía Trung Quốc và đã gây ra sự bất an ở Bắc Kinh.

Quan hệ Trung Quốc - Hoa Kỳ tiếp tục xấu đi. Vào tháng 1 năm 2020, Ngoại trưởng Mỹ sắp mãn nhiệm Mike Pompeo đã cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Lời buộc tội sau đó được người kế nhiệm của Pompeo là Antony Blinken ủng hộ.

Quan hệ Nga - Mỹ sau khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền đã có một bước phát triển tích cực. Hoa Kỳ đã đồng ý gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) thêm 5 năm. Mặc dù vậy, triển vọng quan hệ Nga-Mỹ vẫn còn ảm đạm.

Thực tế hợp tác quốc phòng Nga - Trung rất phức tạp. Một liên minh quân sự hoạt động và hiệu quả có thể được hình thành khá nhanh chóng nếu có nhu cầu. Nhưng các chiến lược chính sách đối ngoại hiện tại khiến cho một động thái như vậy khó xảy ra, trừ khi có nguy cơ xung đột quân sự thực sự và sắp xảy ra với Hoa Kỳ.

Vì thế, động thái hợp tác quân sự cũng như gợi mở của Tổng thống Putin là bước đi khôn ngoan, không chỉ thể hiện sự tin tưởng lẫn nhau giữa Trung Quốc và Nga, mà còn được xem là lời cảnh báo, một phép thử đối với những thách thức quốc tế ngày càng lớn đối với Nga và Trung Quốc.

Tức là, Nga và Trung Quốc hoàn toàn có thể trở thành một liên minh cả về quân sự và kinh tế. Bằng chứng là vài năm gần đầy trao đổi thương mại giữa hai bên cũng hạn chế sử dụng đồng đô la như một phương tiện thanh toán, thay vào đó là đồng nội tệ.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nga-trung-hop-tac-ten-lua-dan-dao-tang-tin-cay-day-long-tin-va-loi-canh-bao-voi-my-post120273.html