Nga trừng phạt lãnh đạo Mỹ và Canada, rời bỏ Hội đồng châu Âu
Nga tuyên bố trừng phạt Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Canada và nhiều quan chức hai nước này. Cùng ngày, Nga chính thức rời Hội đồng châu Âu.
Nga trừng phạt giới lãnh đạo Canada, Mỹ
Bộ Ngoại giao Nga đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với hơn 300 cá nhân Canada, trong đó có Thủ tướng Justin Trudeau để đáp trả một động thái tương tự của chính phủ Canada.
Thông báo ngày 15/3 của Moscow cho biết, quyết định trên là nhằm đáp lại cái gọi là sự thù địch thái quá của chính quyền Canada hiện thời. Danh sách trừng phạt cũng bao gồm cả Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng và hầu hết các nghị sĩ của Hạ viện Canada.
Những người bị trừng phạt bị cấm nhập cảnh vào Liên bang Nga.
Trước đó, Nga cũng đưa ra trừng phạt tương tự với Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhiều quan chức khác của Washington.
Nga rút khỏi Hội đồng châu Âu
Nga đã chính thức thông báo với Hội đồng châu Âu về việc rút khỏi tổ chức này và cho biết, đó là lỗi của các quốc gia NATO.
Theo hãng tin RT, Phó Chủ tịch Hạ viện Nga Pyotr Tolstoy ngày 15/3 thông báo, lá thư của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã được chuyển tới Tổng thư ký của tổ chức này.
Ông Tolstoy nói: "Tất cả trách nhiệm về việc cắt đứt đối thoại với Hội đồng châu Âu thuộc về các nước NATO, những nước trong suốt thời gian qua luôn dùng chủ đề nhân quyền để thực hiện các lợi ích địa chính trị của họ và tấn công đất nước chúng tôi". Quan chức này nói thêm: "do các biện pháp trừng phạt chưa từng có và sức ép chính trị, Nga sẽ không nộp phí hàng năm cho Hội đồng châu Âu".
Người đứng đầu Ủy ban các vấn đề đối ngoại Hạ viện Nga Leonid Slutsky tuyên bố rõ rằng với việc rút khỏi Hội đồng châu Âu, Nga sẽ buộc phải từ bỏ Công ước châu Âu về nhân quyền.
Tổng thống Biden công du châu Âu
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, tuần tới Tổng thống Joe Biden sẽ đi châu Âu để hội đàm trực tiếp với các nhà lãnh đạo châu lục này. Ông sẽ họp với các lãnh đạo NATO và Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Bỉ vào 24/3 và tham dự một hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu.
Theo hãng tin Reuters, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, tại cuộc họp sắp tới ở Brussels, "chúng tôi sẽ đề cập tới vấn đề Nga tấn công Ukraine, sự ủng hộ mạnh mẽ của chúng tôi đối với Ukraine và tăng cường hơn nữa khả năng răn đe, phòng thủ của NATO".
Đàm phán Nga - Ukraine
Các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine sẽ tiếp tục trong ngày hôm nay (16/3), nhà thương thuyết Ukraine Mykhailo Podoliak nói. Ông lưu ý, quá trình đàm phán là rất khó khăn, có những mâu thuẫn cơ bản song chắc chắn có chỗ cho sự thỏa hiệp.
Tổng thống Ukraine gặp lãnh đạo 3 nước NATO
Theo video được đăng tải trên mạng xã hội, Thủ tướng Ba Lan, Slovenia và Cộng hòa Czech đã tới thủ đô Kiev của Ukraine và có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Zelensky. Các thủ tướng trên, thay mặt cho EU, ca ngợi lòng dũng cảm của những người bạn thực sự.
Slovenia, Ba Lan và Cộng hòa Czech đều là các quốc gia thành viên của EU và NATO.
Phát biểu quan trọng của Tổng thống Mỹ, Ukraine
Hôm nay (16/3), Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có bài phát biểu sau khi ký thành luật một gói viện trợ lớn cho Ukraine. Ông Biden định công bố chi tiết những hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine, vài giờ sau khi Tổng thống Ukraine có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ để đưa ra các đề nghị trợ giúp.
Theo CNN, một dự luật chi tiêu lớn đã được Tổng thống Joe Biden ký thành luật, theo đó sẽ cung cấp một lần số tiền 13,6 tỷ USD viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine khi nước này đang đẩy lùi cuộc tấn công của Nga.