Nga, Trung Quốc tích cực hỗ trợ an ninh mạng Venezuela
Chính quyền của Tổng thống Venezuela, Maduro, đang tích cực hợp tác với Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh mạng và theo dõi số. Venezuela đang trở thành một trung tâm không gian mạng của Nga và Trung Quốc ngay tại thềm cửa nước Mỹ.
Trong thập kỷ vừa qua, Venezuela đã nhanh chóng trở thành một trung tâm công nghệ không gian mạng của Nga và Trung Quốc ở Tây Bán cầu. Chính quyền của Tổng thống Maduro gần đây đã cho phép các đối tác lớn của mình lập cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm về theo dõi số và kiểm soát xã hội. Nhờ đó, cả Moscow và Bắc Kinh đều có khả năng mở rộng sức mạnh vào Tây Bán cầu, thông qua việc cung cấp cho Caracas cả kiến thức chuyên môn lẫn cơ sở hạ tầng về an ninh mạng. Đây là một cuộc trao đổi đôi bên cùng có lợi trong mối quan hệ đối tác cùng ứng phó với Mỹ ở châu Mỹ Latin.
Hệ thống chứng minh thư kiểu Trung Quốc
Quá trình này của Venezuela bắt đầu từ người sáng lập Cách mạng Bolivar – Hugo Chavez. Vào năm 2008, ông Chavez đã cử các đại diện thuộc Bộ Tư pháp Veneuzuela sang Trung Quốc học về hệ thống chứng minh thư quốc gia. Một thành viên của phái đoàn này chia sẻ: “Những gì chúng tôi thấy ở Trung Quốc đã làm thay đổi tất cả”.
Nhà lãnh đạo Charvez nhanh chóng đam mê công nghệ số của Trung Quốc cũng như năng lực của nước này theo dõi hoạt động kinh tế - xã hội của các công dân. Ông Charvez ngưỡng mộ sâu sắc công nghệ theo dõi và cơ chế theo dõi của Bắc Kinh.
Tổng thống Chavez qua đời vào năm 2013 nhưng tầm nhìn của ông đã trở thành hiện thực vào cuối năm 2016, khi các chứng minh thư kiểu Trung Quốc ra đời dưới thời người kế nhiệm, Nicolas Maduro.
Một điều tra của hãng thông tấn Reuters vào năm 2018 tiết lộ rằng công ty viễn thông Trung Quốc ZTE Corp đã trực tiếp giúp chính phủ Venezuela xây dựng cơ sở hạ tầng và chương trình chứng minh thư cho hệ thống “thẻ tổ quốc” mới của nước này. Chính quyền ông Maduro đã trả tiền cho ZTE trong khuôn khổ sáng kiến trị giá 70 triệu USD về tăng cường “an ninh quốc gia”.
Các nhân viên của ZTE được đưa vào trong nội bộ công ty viễn thông quốc gia của Venezuela, làm việc bên cạnh các công nhân bản địa.
Theo Reuters, cơ sở dữ liệu “thẻ tổ quốc” lưu trữ thông tin nhận diện cá nhân cần thiết cho hệ thống dịch vụ ngân hàng và và chăm sóc y tế của Venezuela. Ngoài ra, nó còn lưu trữ các chi tiết về hành vi chính trị của người sử dụng, như là các hoạt động trên mạng xã hội, tư cách chính đảng, và lịch sử bỏ phiếu.
Một số nhà phê bình cho rằng chiếc thẻ nói trên là khởi đầu cho việc Venezuela học tập hệ thống tín nhiệm xã hội kiểu Trung Quốc. Đến nay, hơn 70% công dân Venezuela mang thẻ tổ quốc. Một số nguồn tin cho biết, những công dân nào mang chứng minh thư số sẽ nhận được đối xử ưu đãi của chính phủ, như là quyền tiếp cận đặc biệt đối với lương thực và các phần thưởng trợ cấp. Di sản số của ông Chavez tiếp tục tồn tại dưới hình thức thẻ tổ quốc như thế này.
Bảo đảm an ninh mạng dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Nga
Chính quyền Nga đã hỗ trợ chế độ ông Maduro bằng kiến thức chuyên môn về không gian mạng.
Vào tháng 3/2019, Moscow đã gửi khoảng 100 chuyên gia quân sự, bao gồm nhân lực về an ninh mạng, tới Caracas nhằm củng cố ổn định nội bộ cho chính quyền Tổng thống Maduro và ngăn ngừa cái gọi là “nỗ lực thay đổi chế độ” từ các lực lượng chính trị được Mỹ ủng hộ. Một tháng sau đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Oleg Syromoloto cam kết giúp Venezuela điều tra các vụ tấn công mạng nhằm vào hệ thống điện của Venezuela, gây ra tình trạng mất điện toàn quốc. Tổng thống Maduro đã gọi những cuộc tấn công mạng này là “cuộc chiến tranh phi quy ước đầu tiên nhằm vào các dịch vụ công cộng”. Ông quy trách nhiệm cho Washington.
Việc Nga và Trung Quốc xuất khẩu công nghệ theo dõi sang Venezuela có thể khiến giới hoạch định chính sách của Mỹ phải quan ngại. Một mặt, phần lớn công nghệ này là nhằm củng cố chính quyền của ông Maduro bên trong lãnh thổ nước này; mặt khác, công nghệ đó có thể tạo điều kiện để Nga và Trung Quốc trong tương lai mở các cuộc tấn công mạng dựa trên các mạng tin học của Venezuela.
Mỹ đang tập trung vào cuộc chiến của Nga ở Ukraine nên chính quyền Tổng thống Biden ít nhấn mạnh đến các vấn đề châu Mỹ Latin – điều này đã được thể hiện rõ trong Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ gần đây.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng nếu Mỹ muốn ngăn ngừa ảnh hưởng ngày càng gia tăng của an ninh mạng Nga và Trung Quốc ở Tây Bán cầu, Washington phải xây dựng các mối liên hệ kinh tế và không gian mạng dài hạn với các đối tác của mình ở châu Mỹ Latin và vùng Caribe. Họ cũng cho rằng Washington cần linh hoạt hơn trong chính sách đối với châu Mỹ Latin, chẳng hạn Mỹ có thể hứa hẹn dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, đồng thời mua dầu của Venezuela nếu nước này cắt đứt các mối quan hệ kinh tế với Nga và Trung Quốc./.