Nga - Trung xích gần
Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc có thể được 'tiếp thêm sinh khí' sau cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 4/2.
Khi ông Tập chào đón khách quốc tế tham dự lễ khai mạc Olympic mùa đông Bắc Kinh ngày 4/2, đây sẽ là lần đầu tiên ông gặp mặt trực tiếp các nhà lãnh đạo nước ngoài trong hơn 400 ngày. Người đứng đầu danh sách khách mời không ai khác là Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Hai nhà lãnh đạo dự kiến có cuộc gặp thượng đỉnh nhân dịp này, khi Nga đang tập trung một lực lượng lớn quân tại biên giới với Ukraine. Nếu Nga quyết định tấn công, đây sẽ là sự kiện nổi bật nhất đối với truyền thông khắp thế giới, điều Trung Quốc - nước chủ nhà Olympic - không mong muốn.
Cuộc gặp thượng đỉnh này cũng có thể đánh dấu một cột mốc mới đối với quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow, trong bối cảnh mối quan hệ của cả hai quốc gia với phương Tây đều đang xấu đi.
Đối tác đặc biệt
Tổng thống Nga Putin nằm trong số ít lãnh đạo thế giới tham dự lễ khai mạc Olympic, trong bối cảnh một số nước phương Tây “tẩy chay ngoại giao” sự kiện, hoặc lo ngại các biện pháp chống Covid-19 chặt chẽ của Bắc Kinh.
Các nhà quan sát phương Tây đang theo dõi xem liệu Moscow có một lần nữa đưa quân sang một nước láng giềng khi “người hàng xóm” Trung Quốc đăng cai Olympic hay không. Trước đó, khi Bắc Kinh tổ chức Olympic mùa hè năm 2008, Nga đưa quân tới Gruzia ngay trước lễ khai mạc.
“Đây sẽ là thời khắc kịch tính trong cuộc đối đầu giữa Nga với phương Tây, và cả giữa Trung Quốc với phương Tây”, ông Alexander Gabuev, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc chương trình châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm Carnegie Moscow, nhận xét.
Cuộc gặp sắp tới là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gặp mặt trong hơn 2 năm. Ông Tập không rời Trung Quốc kể từ tháng 1/2020, trong khi nhà lãnh đạo này cũng không đón khách nước ngoài kể từ cuộc gặp với Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni tại Bắc Kinh tháng 11 năm đó.
Trung Quốc và Nga cũng đang tăng cường hợp tác trên nhiều mặt, từ thương mại, công nghệ đến cả quân sự.
Trong cuộc hội đàm trực tuyến với ông Putin tháng 12/2021, ông Tập kêu gọi hai nước “thúc đẩy phối hợp và hợp tác trên trường quốc tế” cũng như bác bỏ “hành động đơn phương và tư duy Chiến tranh Lạnh”.
Dù các nhà phân tích nhận định Trung Quốc sẽ giữ giọng điệu mơ hồ về vấn đề Ukraine, Bắc Kinh cũng bày tỏ sự thông cảm với thông điệp của Moscow gửi đến NATO.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố “các mối quan ngại an ninh chính đáng của Nga” cần được xem xét một cách nghiêm túc.
Nga và Trung Quốc từng nhiều lần giúp đỡ nhau để chống lại phương Tây “can thiệp vào công việc nội bộ”. Hôm 31/1, Trung Quốc là thành viên duy nhất trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cùng Nga bỏ phiếu bác bỏ việc thảo luận về các động thái của Nga gần biên giới với Ukraine.
Bên cạnh các yếu tố về kinh tế, chính trị hay an ninh, “gia vị đặc biệt” thúc đẩy sự hợp tác Trung - Nga là quan hệ của mỗi nước với Washington, ông Gabuev nhận định.
“Đối với Nga, quan hệ với Mỹ đã xấu lại còn xấu hơn. Đối với Trung Quốc, chúng ta đã thấy chính sách nhất quán của Mỹ nhằm cạnh tranh với người Trung Quốc”, ông nói.
2021 là năm đặc biệt đối với quan hệ Trung - Nga. Hai nước kỷ niệm 20 năm hiệp ước hữu nghị trong bối cảnh kim ngạch thương mại đạt kỷ lục 146 tỷ USD và hợp tác quân sự được tăng cường, bao gồm tuần tra chung ở Tây Thái Bình Dương. Hai quốc gia tuyên bố quan hệ song phương “đạt mức cao nhất” trong lịch sử.
Tuy vậy, quan hệ giữa hai nước vẫn còn cách ngưỡng “đồng minh” khá xa. Hai nước cũng không hào hứng với việc bị kéo vào các cuộc xung đột của nước kia.
“Trong khi Bắc Kinh cho thấy sự thấu hiểu đối với các yêu cầu an ninh của Nga, họ không có lợi ích nếu bị kéo vào cuộc xung đột giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”, bà Anna Kireeva, phó giáo sư tại Học viện Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO), nói. “Các nhà hoạch định chính sách tại Moscow hiểu rõ lập trường này”.
Tuy nhiên, một cuộc xung đột tại châu Âu có thể tăng cường quan hệ song phương khi Nga chịu các lệnh cấm vận từ phương Tây và phụ thuộc hơn vào Trung Quốc. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng có thể hưởng lợi vì Mỹ không thể dồn nguồn lực để cạnh tranh với họ.
Quan hệ cá nhân lãnh đạo
Ngoài các lợi ích tương đồng, quan hệ thân thiết giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình cũng là một động lực của quan hệ song phương. Ông Tập từng gọi ông Putin là “bạn cũ”, cũng như bày tỏ “trông chờ” vào cuộc gặp tại Olympic.
“Các vấn đề mang tính cấu trúc khiến quan hệ đối tác chiến lược Trung - Nga phức tạp và khó khăn. Trong khi đó, ông Tập và ông Putin hợp tác với nhau hơn (so với các nhà lãnh đạo hai nước trong quá khứ)”, ông Steve Tsang, Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc SOAS, Đại học London, nhận định.
“Có sự liên kết cá nhân vì cả hai là nhà ‘lãnh đạo quyền lực’ và đều đề cao người kia về những gì họ đã làm được”, ông Tsang bổ sung.
Theo truyền thông Nga, ông Putin sẽ thông báo với ông Tập về các cuộc đàm phán giữa Nga với Mỹ và NATO đầu tháng này. Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về việc tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Theo giáo sư Yu Bin tại Đại học Wittenberg, Mỹ, các cuộc gặp trực tiếp là cơ hội “tiếp thêm sinh lực” cho quan hệ song phương. “Ở cấp độ cá nhân, đừng quên cả ông Putin và ông Tập là người hâm mộ nhiều môn thể thao. Họ sẽ thưởng thức Olympic khi thảo luận về các vấn đề quốc tế”, ông nhận định.
Giáo sư Yu cho rằng Trung Quốc tin Nga sẽ không tấn công Ukraine. Tuy vậy, đây vẫn sẽ là chủ đề thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo.
Trong khi đó, ông Gabuev nhận định Nga sẽ không “mạnh tay” với Ukraine vì quan hệ với Trung Quốc.
“Dự đoán của tôi là Nga hiểu sự nhạy cảm của Trung Quốc đối với lễ khai mạc Olympic”, ông nói. “Nga muốn cho Trung Quốc đủ tâm điểm của truyền thông, cũng như không muốn lấy đi sự chú ý từ cuộc gặp với ông Tập của ông Putin”.
“Cuộc gặp này củng cố thông điệp: Kể cả khi các lệnh cấm vận được đưa ra, Nga không đứng một mình mà có quan hệ đối tác với một cường quốc toàn cầu khác”, ông Gabuev dự đoán.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nga-trung-xich-gan-post1293855.html