Nga tự tin về tương lai ngành công nghiệp vũ khíTin khácNgành giáo dục tận dụng thời gian 'vàng' để dạy họcĐảm bảo chất lượng thuốc, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân

Bất chấp phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ, Nga mới đây đã bày tỏ tự tin về tương lai ngành công nghiệp vũ khí của mình.Theo ông Dmitry Shugaev, Giám đốc Cơ quan Liên bang về hợp tác kỹ thuật-quân sự của Nga, các đối thủ luôn tìm cách 'hất cẳng' Nga khỏi các thị trường xuất khẩu vũ khí truyền thống. Trước tình hình đó, Moscow đã có nhiều phương thức để vượt qua những biện pháp hạn chế mang tính 'thù địch' của nước ngoài như gây sức ép hoặc trừng phạt các quốc gia mua vũ khí của Nga. Ông Shugaev khẳng định hiệu quả của những biện pháp hạn chế này 'rốt cuộc chỉ là con số 0'.Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 là một trong những sản phẩm đắt hàng nhất của ngành công nghiệp vũ khí Nga. Ảnh: TASS

Giám đốc Cơ quan Liên bang về hợp tác kỹ thuật-quân sự của Nga cho biết, những năm gần đây, Moscow đã nỗ lực mở rộng quan hệ đối tác quân sự với các quốc gia. “Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để duy trì và củng cố vị thế của mình, bất chấp những hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 và sự cạnh tranh không công bằng mà chúng tôi thường xuyên gặp phải”, AFP mới đây dẫn lời ông Shugaev.

Cũng không có gì ngạc nhiên khi ông Shugaev bày tỏ tin tưởng về tương lai ngành công nghiệp vũ khí của Nga. Lâu nay, các loại vũ khí do Nga sản xuất vẫn nổi tiếng về độ bền và tính hiệu quả. Theo tờ Business Insider, so với các sản phẩm tương tự của phương Tây, vũ khí của Nga còn có giá mềm hơn. Ngoài ra cũng phải kể đến chế độ hậu mãi tốt khiến vũ khí của Nga “đắt như tôm tươi”. Thậm chí, theo Forbes, tại Diễn đàn Kỹ thuật-Quân sự quốc tế Army-2021 ở ngoại ô Moscow mới đây, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga Alexander Fomin đã khẳng định với Trợ lý Thứ trưởng Quốc phòng các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Mubarak Saeed Al Jabri rằng, Moscow sẵn sàng “không chỉ cung cấp vũ khí mà còn chia sẻ công nghệ”. Đặc biệt, không thể bỏ qua sự linh hoạt của Nga trong việc thanh toán đối với các hợp đồng bán vũ khí. “Các tập đoàn và ngân hàng nhà nước của Nga thường cung cấp các khoản vay dành cho những khách hàng thân thiết của Moscow có thương vụ lớn mua sắm vũ khí do nước này sản xuất”, tờ Business Insider cho biết.

Trên thực tế, Nga nhiều năm liền là quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới. Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, Nga đã bán vũ khí cho 45 quốc gia và chiếm 20% số lượng vũ khí xuất khẩu toàn cầu. Theo AFP, năm ngoái thậm chí còn được xem là thành công lớn đối với ngành công nghiệp vũ khí của Nga khi doanh thu xuất khẩu lên tới khoảng 55 tỷ USD trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến kinh tế thế giới lao đao. Chẳng phải nói đâu xa, việc công ty xuất khẩu vũ khí quốc doanh của Nga Rosoboronexport đã ký được nhiều hợp đồng có tổng trị giá hơn 2 tỷ USD tại Army-2021 vừa qua chính là một ví dụ cụ thể cho thấy vũ khí của Nga đắt hàng như thế nào.

Trong số các loại vũ khí do Nga sản xuất, Tạp chí National Interest cho rằng tổ hợp tên lửa phòng không S-400, máy bay tiêm kích đa nhiệm Su-35, “gia đình” AK-từ khẩu súng trường tấn công AK-47 nguyên bản đến AK-12 hiện nay, xe tăng chiến đấu T-90S và máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm Su-57 là những sản phẩm bán chạy nhất. Trong số này, tổ hợp tên lửa phòng không S-400 vốn được đánh giá là yếu tố có thể “làm thay đổi cuộc chơi” nhờ sự vượt trội về nhiều tham số so với tổ hợp tương tự của phương Tây nhưng có mức giá chỉ bằng một nửa, vẫn thường được “điểm danh” như là một bằng chứng rõ nét cho sức hút của vũ khí do Nga sản xuất. Đó chính là câu chuyện Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần khẳng định quyết tâm không từ bỏ thương vụ S-400 bất chấp sức ép của Mỹ cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đây được xem là một bước đi chưa từng có tiền lệ khi lần đầu tiên một thành viên NATO mua hệ thống vũ khí tiên tiến của Nga. “Nếu nói Nga là “một nhân vật quan trọng” trên thị trường vũ khí toàn cầu thì đó chỉ là nói giảm đáng kể mà thôi”, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ) nhận xét.

Theo Quandoinhandan

HOÀNG TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/447317-nga-tu-tin-ve-tuong-lai-nganh-cong-nghiep-vu-khi.html