Nga tung công nghệ drone Chernika mới toanh 'quả mọng chết chóc' tấn công Ukraine
Trong diễn biến mới nhất của chiến sự tại Ukraine, Nga đã lần đầu tiên triển khai loại máy bay không người lái cảm tử (loitering munition) hoàn toàn mới mang tên Chernika (nghĩa là 'quả việt quất') tấn công thành phố Kharkiv, Ukraine.
Video: Military T.V
Loại drone này không chỉ là minh chứng cho xu thế công nghệ chiến trường hiện đại, mà còn cho thấy chiến lược tiến hóa không ngừng của Nga trong việc phát triển các vũ khí tấn công giá rẻ, hiệu quả và khó đối phó.
Theo các nguồn tin RBC Ukraine, GwaraMedia, và Defence-UA, Chernika là một dòng drone cảm tử cỡ nhỏ, được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu cố định ở khoảng cách tầm trung.
Có hai biến thể chính được ghi nhận là Chernika-1 có trọng khoảng 3,5 kg, tầm bay khoảng 80km, đầu đạn nhỏ khoảng 0,5 – 0,7kg, thường dùng để tấn công mục tiêu mềm như xe bán tải, radar, kho tạm.
Chernika-2 có trọng lượng lớn hơn, khả năng mang đầu nổ lên đến 3,5kg, hệ thống điều hướng GPS + quán tính, có thể tự tìm đến mục tiêu theo tọa độ định sẵn; có khả năng tự động hóa cao, phù hợp với chiến tranh bầy đàn và tấn công theo nhóm.
Điểm đặc biệt là cấu trúc đơn giản, chi phí sản xuất thấp, dễ lắp ráp hàng loạt, phù hợp với chiến thuật 'bão drone' mà Nga đang áp dụng ở nhiều mặt trận.

Máy bay không người lái cảm tử Chernika-2. Ảnh: nguồn mở.
Tại sao Drone Chernika lại nguy hiểm?
Với thiết kế tối giản và nguyên vật liệu rẻ tiền (thường dùng nhựa composite, nhôm nhẹ), Drone Chernika được sản xuất hàng loạt như drone Shahed của Iran, trở thành công cụ 'bắn tiêu hao' lý tưởng.
Chernika-1 có kích thước rất nhỏ, bề mặt phản xạ radar thấp, tiếng ồn kém, khiến nó khó bị phát hiện bằng radar hoặc cảm biến âm thanh.
Biến thể Chernika-2 được cho là có khả năng hoạt động độc lập sau khi phóng, không cần điều khiển liên tục, thích hợp để vượt qua các vùng bị gây nhiễu mạnh.
Ngày 30/6, Thị trưởng Kharkiv, ông Ihor Terekhov, xác nhận Drone Chernika đã được sử dụng để tấn công một cơ sở hạ tầng trong thành phố, đánh dấu lần đầu tiên loại drone này xuất hiện tại chiến trường Ukraine.
Tuy không gây thiệt hại lớn, nhưng vụ tấn công là thông điệp rõ ràng về việc Nga đang từng bước đa dạng hóa kho vũ khí không người lái, thay thế dần các dòng drone Shahed nhập khẩu.
Theo giới quan sát và các chuyên gia phân tích, việc xuất hiện một mẫu drone nội địa như Chernika chứng tỏ Nga đã nắm vững quy trình thiết kế, sản xuất, vận hành UAV cảm tử, và có thể duy trì năng lực tấn công dù bị cấm vận linh kiện công nghệ cao.

Máy bay không người lái Chernika-2 (Ảnh: TASS)
Ảnh hưởng đến phòng không Ukraine
Các hệ thống phòng không như Patriot, IRIS-T hay NASAMS vốn được triển khai để ngăn chặn các đòn tấn công quy mô lớn bằng tên lửa và UAV cỡ lớn.
Tuy nhiên, trước các mẫu UAV nhỏ như Chernika, radar khó phát hiện, do diện tích phản xạ rất nhỏ.
Chi phí đánh chặn cao hơn chi phí UAV, khiến Ukraine bị ‘lỗ’ khi phải dùng tên lửa trị giá hàng trăm nghìn USD để hạ UAV chỉ vài nghìn USD.
UAV tấn công theo bầy, gây quá tải cho hệ thống phòng không Ukraine. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho Ukraine phải tăng cường các giải pháp đánh chặn tầng thấp, tầm gần như pháo phòng không, UAV săn UAV, và hệ thống tác chiến điện tử quy mô nhỏ.
Drone Chernika, dù nhỏ và đơn giản, nhưng mang ý nghĩa chiến lược trong tác chiến hiện đại: chiến tranh chi phí thấp, tự động hóa, phi đối xứng và tiêu hao năng lực phòng thủ của đối phương.
Việc Nga tung ra loại UAV này trong bối cảnh cuộc chiến kéo dài cho thấy Moscow đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tiêu hao lâu dài, và chiến trường Ukraine có thể chứng kiến làn sóng UAV 'Made in Russia' nhiều hơn trong tương lai gần.