Bệnh án điện tử bước vào giai đoạn nước rút: vẫn còn nhiều nút thắt cần gỡ
Bệnh án điện tử đang bước vào giai đoạn nước rút khi thời hạn hoàn thành chỉ còn ba tháng nhưng vẫn còn nhiều nút thắt về hạ tầng công nghệ, phần mềm, nhân lực và bảo mật dữ liệu cần được tháo gỡ kịp thời.

TPHCM gấp rút hoàn thành bệnh án điện tử trong năm 2025. Ảnh: Minh Thảo
Theo Quyết định về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 tại các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần khẩn trương triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, đảm bảo hoàn thành trước ngày 30-9. Như vậy, tính từ thời điểm này, chỉ còn khoảng ba tháng để các bệnh viện trên cả nước, trong đó có TPHCM hoàn thiện bệnh án điện tử, liên thông dữ liệu.
Chỉ 213/1.800 bệnh viện số hóa bệnh án
Theo dữ liệu trên website của Bộ Y tế, cả nước có hơn 1.800 bệnh viện công lập và tư nhân nhưng tính đến ngày 29-6, mới chỉ có 213 bệnh viện chuyển đổi từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử.
Trao đổi với KTSG Online về quá trình triển khai, PGS. TS. bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết hồ sơ bệnh án điện tử là phiên bản số hóa của bệnh án giấy truyền thống, lưu trữ toàn bộ thông tin liên quan đến quá trình khám, chữa bệnh của bệnh nhân dưới dạng dữ liệu điện tử. Đây là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của ngành y tế. Hiện Bệnh viện Hùng Vương đã làm xong hệ thống bệnh án điện tử và được Bộ Y tế thẩm định đạt chuẩn.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn triển khai thực tế, bà Tuyết cho rằng việc xây dựng hệ thống bệnh án điện tử cũng gặp nhiều khó khăn. Bệnh viện phải lựa chọn giữa mua, thuê hoặc tự xây dựng phần mềm phù hợp với nhu cầu thực tế. Thế nhưng, năng lực của bệnh viện hạn chế, không thể tự xây dựng phần mềm, đòi hỏi phải có kinh phí để triển khai. Hiện nay, Bộ Y tế đã cho phép bệnh viện trích phần thu để trang bị chi phí công nghệ nhưng chưa có trong cơ cấu giá. Vì vậy, bệnh viện chủ yếu là chi từ nguồn tiết kiệm.
“Trong quá trình triển khai, các nhân viên cũng gặp không ít khó khăn khi hình dung và xây dựng bệnh án điện tử cho riêng bệnh viện, phù hợp với công việc hàng ngày. Đây là lần đầu tiên bệnh viện thực hiện dự án này nên phải sửa đi sửa lại nhiều lần”, bà Tuyết nói.
Trong khi đó, bác sĩ Hồ Hữu Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM, cho biết dù bệnh viện đã ứng dụng hệ thống quản lý thông tin y tế từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa đạt chuẩn để công bố triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Nguyên nhân là do thiếu những điều kiện kỹ thuật và pháp lý cần thiết.
Ngoài ra, hiện hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều bệnh viện đã cũ, không đủ năng lực xử lý lượng dữ liệu ngày càng lớn. Hệ thống còn yếu trong việc kết nối liên thông với các nền tảng bên ngoài.
Là đơn vị tham gia triển khai hồ sơ bệnh án điện tử cho một số bệnh viện, ông Nguyễn Kinh Quốc, CEO Công ty cổ phần QAS, cho biết trong quá trình thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Theo đó, khi thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử cho các bệnh viện công lập tuyến tỉnh trở lên, khó khăn chủ yếu là lượng khám bệnh ở các bệnh viện công là rất đông. Do đó, khi triển khai, sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác chuyển đổi từ phần mềm hiện tại sang phần mềm mới.
Trong khi đó, với cơ sở y tế vừa và nhỏ, khó khăn thường đến từ thiếu nhân lực quản lý phần mềm, hạ tầng hạn chế, nhiều nơi chưa có hệ thống công nghệ thông tin cơ bản, áp lực vận hành lớn trong khi quy trình quản trị còn đơn giản.

Thông qua bệnh án điện tử, kết quả xét nghiệm được tìm kiếm dễ dàng và người bệnh có thể theo dõi toa thuốc trên phác đồ điều trị. Ảnh minh họa: BVCC
Lo ngại rủi ro rò rỉ thông tin từ bệnh án điện tử
Bên cạnh những rào cản về kỹ thuật, nhân lực và tài chính, đại diện một số bệnh viện cũng bày tỏ mối quan ngại về nguy cơ rò rỉ dữ liệu cá nhân khi triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Trong bối cảnh thông tin y tế đang trở thành đích nhắm của các cuộc tấn công mạng, vấn đề bảo mật và an toàn dữ liệu được xem là một trong những thách thức lớn đối với quá trình số hóa bệnh viện.
Theo bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết khi số hóa toàn bộ dữ liệu, tất cả các thông tin đều đưa lên mạng. Nếu không có hệ thống an ninh mạng tốt, thì bệnh viện có thể rơi vào tình trạng vi phạm pháp Luật về khám, chữa bệnh.
Hồ sơ bệnh án điện tử không chỉ chứa dữ liệu chuyên môn mà còn bao gồm các thông tin nhạy cảm như bệnh lý nền, đơn thuốc, kết quả xét nghiệm và lịch sử điều trị vốn phải được bảo mật tuyệt đối.
Đánh giá về mức độ bảo mật thông tin người bệnh khi triển khai bệnh án điện tử, ông Hoàng Văn Tiến, Trưởng phòng giải pháp và quản lý chất lượng, Trung tâm thông tin y tế quốc gia thuộc Bộ Y tế, cho biết đây là vấn đề đặc biệt quan trọng.
Khi chuyển thông tin bệnh án lên môi trường mạng, nếu mất cảnh giác và không có các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin, nguy cơ lộ lọt sẽ rất cao. Đây là nội dung được ông Tiến chia sẻ tại hội thảo “Giải pháp triển khai hồ sơ bệnh án điện tử” đã diễn ra tại TPHCM vừa qua.
Ông Tiến cho rằng không chỉ bác sĩ hay điều dưỡng, đội ngũ công nghệ thông tin, nhà cung cấp phần mềm, thậm chí các đối tác bên ngoài đều có thể tiếp cận thông tin bệnh nhân nếu hệ thống không được phân quyền chặt chẽ. Khi dữ liệu bị rò rỉ, thông tin có thể bị khai thác cho mục đích quảng cáo, thương mại, thậm chí trở thành mục tiêu của các hành vi tống tiền, lừa đảo.
Để đảm bảo an toàn thông tin người bệnh, đại diện Trung tâm thông tin y tế quốc gia của Bộ Y tế khuyến cáo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần triển khai nhiều giải pháp về công nghệ như tường lửa, phần mềm chống virus, hệ thống giám sát an ninh mạng… Điều này nhằm chống tấn công từ bên ngoài vào hệ thống thông tin của đơn vị.
Về nhân sự, các cơ sở khám, chữa bệnh cũng cần hết sức lưu ý ban hành quy định về trách nhiệm, vai trò của từng bộ phận, cá nhân khi vận hành hệ thống. Về phía bệnh nhân, người bệnh phải quản lý hồ sơ điện tử của bản thân thông qua ứng dụng di động, không đăng tải, chia sẻ thông tin khám, chữa bệnh trên mạng xã hội. Bởi bệnh án điện tử là dữ liệu sống, gắn liền với số phận người bệnh nên cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Đại diện Trung tâm thông tin y tế quốc gia cũng cho biết, dữ liệu bệnh án thuộc quyền sở hữu của bệnh viện. Vì vậy, khi chấm dứt hợp đồng với nhà cung cấp phần mềm, bệnh viện phải thu hồi đầy đủ dữ liệu đã lưu trữ để tránh tình trạng xảy ra rủi ro bị đánh cắp hoặc phát tán.
Cần có lộ trình phù hợp từng nhóm bệnh viện
Để đạt được mục tiêu hoàn thành bệnh án điện tử trước ngày 30-9, ông Nguyễn Kinh Quốc, CEO Công ty cổ phần QAS, đã đề xuất bốn giải pháp. Thứ nhất, ngành y tế cần phân tầng triển khai theo mức độ sẵn sàng của cơ sở y tế, không nên áp dụng một mô hình chung cho tất cả. Những đơn vị đã có nền tảng phần mềm hoặc đội ngũ công nghệ thông tin có thể đi trước. Các đơn vị còn hạn chế có thể triển khai theo gói gọn nhẹ, phù hợp với hiện trạng.
Thứ hai, nhóm cơ sở y tế vừa và nhỏ có thể được ưu tiên triển khai trước như trung tâm y tế quận, huyện, phòng khám tư nhân, bệnh viện tuyến quận, huyện. Đây là nhóm có quy mô gọn, ít phức tạp về quy trình nội bộ hơn và có thể triển khai nhanh trong vài tuần nếu được hỗ trợ đúng cách.
Thứ ba, các bệnh viện có thể ban hành cơ chế thanh toán thuê phần mềm theo quí hoặc theo năm, thay vì chỉ đầu tư mua phần mềm trọn gói như trước đây. Điều này giúp các đơn vị chủ động lựa chọn nhà cung cấp phù hợp, thúc đẩy thị trường cạnh tranh và đảm bảo chất lượng dịch vụ theo từng chu kỳ.
Cuối cùng, ngành y tế cũng cần tăng cường hướng dẫn kỹ thuật theo hình thức trực tuyến như video thao tác, bộ quy trình đơn giản hóa và nền tảng học từ xa thay vì chỉ tập huấn tại chỗ như truyền thống. Điều này giúp nhân viên y tế tiếp cận kiến thức nhanh và tiết kiệm chi phí.