Nga tuyên bố sẽ rút khỏi Trạm không gian quốc tế với NASA, tự xây trạm riêng sau năm 2024
Nga tuyên bố sẽ tiếp tục hoàn thành mọi nghĩa vụ tại Trạm Không gian Quốc tế tuy nhiên sẽ rời khỏi trạm và xây dựng một trạm vũ trụ riêng sau năm 2024.
Đài CNN ngày 26-7 đưa tin tân lãnh đạo Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos), ông Yury Borisov, thông báo Nga đang có kế hoạch rút khỏi Trạm không gian quốc tế (ISS) và kết thúc mối quan hệ hợp tác kéo dài nhiều năm với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).
Trong cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Borisov nói rằng quyết định rời khỏi trạm không gian sau năm 2024 đã được ban hành.
"Chúng ta đang làm việc trong khuôn khổ hợp tác tại ISS. Chúng ta sẽ hoàn thành mọi nghĩa vụ đối với các đối tác, nhưng quyết định sẽ rút khỏi trạm sau năm 2024” - ông Borisov cho hay.
Đây không phải là lần đầu tiên Nga đe dọa rời khỏi ISS trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu lên Moscow về chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine. Tuy nhiên những tuyên bố gần đây từ phía Nga cho thấy ý định rõ ràng hơn và nhất là khi có sự chấp thuận từ ông Putin.
Theo biên bản cuộc họp đăng trên website của Điện Kremlin, Tổng thống Putin đã gật đầu nói "tốt” sau khi ông Borisov đề cập Roscosmos sẽ bắt đầu xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình sau năm 2024.
“Tôi nghĩ, đến lúc đó, chúng ta sẽ bắt đầu lắp đặt một trạm quỹ đạo của Nga” - ông Borisov cho biết.
Theo tầm nhìn của người đứng đầu Roscosmos, các chuyến bay vào vũ trụ mang con người lên không gian của Nga phải là một phần của chương trình khoa học có hệ thống, để mỗi sứ mệnh sẽ cung cấp cho đất nước những kiến thức mới, đài RT đưa tin.
Trước đó, cựu lãnh đạo Roscosmos, ông Dmitry Rogozin, từng cảnh báo rằng ISS có thể rơi xuống trái đất do các lệnh trừng phạt của phương Tây làm gián đoạn hoạt động của các tàu Nga phục vụ cho ISS, trừ khi có một "số tiền khổng lồ" được đầu tư vào việc sửa chữa.
Ông Robyn Gatens, Giám đốc ISS của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), nói rằng cơ quan này chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào từ phía Nga về quyết định rời ISS.
Việc Nga rút đi sẽ là một đòn giáng mạnh vào ISS, một mô hình hợp tác quốc tế trong nhiều thập niên, nhất là khi NASA và các đối tác kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì hoạt động của ISS cho tới năm 2030.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price gọi thông báo này là “một sự phát triển đáng tiếc” khi đề cập tới “sự hợp tác chuyên nghiệp mà các cơ quan vũ trụ của chúng ta đã có trong nhiều năm qua”.
Trong khi đó, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông John Kirby, cho biết Washington đang "tìm kiếm các lựa chọn" nhằm giải quyết việc Nga rút khỏi ISS.
Thông tin trên đưa ra trong vòng chưa đầy hai tuần sau khi NASA và Roscosmos công bố một thỏa thuận trao đổi phi hành đoàn, vốn được đàm phán trong hơn bốn năm qua.
Theo đó, bắt đầu từ tháng 9 này, hai phi hành gia Nga sẽ bay trên tàu vũ trụ của Mỹ từ Florida, trong khi hai phi hành gia Mỹ sẽ đi trên tàu của Nga vào không gian. Song không rõ liệu quyết định rút khỏi ISS của Nga sau năm 2024 có ảnh hưởng đến thỏa thuận trao đổi này hay không.