Nga và Ai Cập quyết tâm đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới

QĐND - Thỏa thuận đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược giữa Nga và Ai Cập đã được Quốc hội Ai Cập thông qua. Đây là một bước quan trọng để thỏa thuận này sớm có hiệu lực, góp phần vào việc thúc đẩy quan hệ giữa Moscow và Cairo.

Theo TASS, ngày 15-12, Quốc hội Ai Cập đã phê chuẩn thỏa thuận trên. Hoan nghênh quyết định này của Quốc hội Ai Cập, trong một thông báo, Đại sứ quán Nga tại nước này khẳng định: "Chúng tôi coi đây là một bước quan trọng hướng tới sự phát triển quan hệ hữu nghị giữa Nga và Ai Cập dựa trên nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống sâu sắc, sự thông cảm lẫn nhau và mong muốn tăng cường hợp tác của hai nước".

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi (bên trái) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Lễ ký kết thỏa thuận đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược, tháng 10-2018. Ảnh: Izvestia

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi (bên trái) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Lễ ký kết thỏa thuận đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược, tháng 10-2018. Ảnh: Izvestia

Thỏa thuận này đã được Duma Quốc gia Nga phê chuẩn vào ngày 23-7-2019. Trước đó, vào tháng 6 cùng năm, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở thành phố Osaka của Nhật Bản, trong cuộc gặp với người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng cần phải đưa quan hệ giữa nước này và Ai Cập lên một tầm cao mới. Theo ông Putin, quan hệ giữa Nga và Ai Cập đang phát triển rất mạnh mẽ và cả hai nước đều có ý định đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Ông Putin cũng nêu rõ, vấn đề này đã được đưa vào trong thỏa thuận đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược mà Moscow và Cairo ký vào năm 2018. Về phần mình, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi lưu ý, đối với Ai Cập, quan hệ với Nga có ý nghĩa đặc biệt.

Trong khuôn khổ chuyến thăm 3 ngày tới Nga hồi tháng 10-2018, ngày 17-10, tại thành phố Sochi, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và người đồng cấp Nga Putin đã ký thỏa thuận đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược. Theo thỏa thuận, hai bên nhất trí trao đổi các chuyến thăm của các nguyên thủ "thường xuyên, ít nhất mỗi năm một lần, luân phiên tại Moscow và Cairo". Ngoài ra, các cuộc tham vấn ở cấp Bộ trưởng bao gồm cuộc tham vấn "2+2" giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Ai Cập cũng được tổ chức thường xuyên tại thủ đô của hai nước. Thỏa thuận quy định về việc tổ chức các cuộc họp hằng năm của ủy ban chung Nga-Ai Cập về hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học-kỹ thuật và hội đồng doanh nghiệp Nga-Ai Cập ở mỗi quốc gia. Moscow và Cairo cam kết thúc đẩy, tạo điều kiện cho thương mại tự do và hợp tác đầu tư hiệu quả. Hai bên cũng phát triển hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật-quân sự vì lợi ích chung của hai nước.

Thỏa thuận được ký kết có thời hạn 10 năm, bắt đầu có hiệu lực từ ngày hai bên gửi thông báo cuối cùng bằng văn bản về việc hoàn tất các thủ tục trong nước cần thiết để thỏa thuận có hiệu lực. Sau khi hết hạn, thỏa thuận sẽ tự động gia hạn 5 năm một lần nếu một trong hai bên không quyết định rút khỏi thỏa thuận.

Theo Ria Novosti, Ai Cập là một trong những đối tác kinh tế và thương mại lớn của Liên Xô trước đây, nước Nga ngày nay tại châu Phi. Với sự hỗ trợ của Liên Xô, khoảng 100 cơ sở đã được xây dựng ở Ai Cập. Cho đến ngày nay, có nhiều cơ sở vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Ai Cập. Những năm gần đây, Nga và Ai Cập đã tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực kinh tế-thương mại, xuất nhập khẩu, văn hóa... Đặc biệt, trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật-quân sự, Ai Cập cũng là một trong những đối tác hàng đầu của Nga. Bên cạnh đó, dù áp dụng chính sách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí nhưng Ai Cập vẫn coi Nga là lựa chọn ưu tiên. Cairo đã ký với Moscow nhiều thỏa thuận mua vũ khí lớn như mua tổ hợp tên lửa phòng không S-300, trực thăng chiến đấu Ka-52 Alligator... Chương trình sửa chữa và bảo trì các thiết bị sau bán hàng được xem là nguyên nhân giúp Nga có lợi thế tại thị trường vũ khí ở Ai Cập.

Trên thực tế, việc tăng cường hợp tác với Ai Cập sẽ giúp Nga phát triển nền kinh tế vốn chịu sức ép từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ở chiều ngược lại, nâng tầm quan hệ hợp tác với Nga-một quốc gia có vị thế và vai trò quan trọng trên trường quốc tế cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Ai Cập.

LÂM ANH

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=79&modid=465&itemid=154080