Nga và bài toán hội nhập kinh tế với khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Nga từ lâu bày tỏ sự quan tâm đến các diễn đàn khu vực, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, Nga vẫn thiếu động lực để hội nhập sâu rộng với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Chưa đầy hai tuần hai hội nghị cấp cao ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị cấp cao APEC) đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Tổng thống Nga Vladimir Putin đều có bài phát biểu tại hai hội nghị quan trọng này. Nga từ lâu bày tỏ sự quan tâm đến các diễn đàn khu vực, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, Nga vẫn thiếu động lực để hội nhập sâu rộng với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hội nghị cấp cao ASEAN 37 kết thúc với điểm nhấn là việc ký thỏa thuận Thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với sự tham gia của các thành viên ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand.

Nga đã đứng ngoài quá trình thành lập khu thương mại tự do RCEP lớn nhất thế giới. Lý giải về điều này, Tiến sỹ Alexander Korolev – Trường kinh tế cao cấp Moscow cho rằng “Nga chiếm vị trí ngoại vi trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nhu cầu đối với hàng hóa của Nga trong khu vực là không cao. Trong khi đó, các sáng kiến và dự án lớn của Nga không định hướng vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sáng kiến Đại Á-Âu là khái niệm còn mơ hồ và chưa có kế hoạch cụ thể, còn hợp tác theo định dạng Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) với các đối tác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương mới dừng lại ở hai hiệp định FTA với một số nước ASEAN, hiệp định thương mại tự do và kinh tế với Trung Quốc và một dự án “tiềm năng” kết nối EAEU và sáng kiến "Vành đai, Con đường” của Trung Quốc”.

Do đó, khả năng Nga hướng tới việc ký kết FTA với ASEAN và gia nhập RCEP sẽ là vấn đề được Nga cân nhắc, nhưng có lẽ không phải trong ngắn hạn. Điều này là dễ hiểu và phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay, cũng là thông điệp được ông Putin nhấn mạnh tại Hội nghị cấp cao APEC. Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Putin kêu gọi các nước tham gia tích cực hơn nữa vào các tổ chức hội nhập và xem xét khả năng thực hiện các dự án xuyên biên giới quy mô lớn.

Lời giải thích cho tuyên bố như vậy là bởi đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình khu vực hóa các chuỗi giá trị và sự thay đổi của chúng trong châu Á- Thái Bình Dương. Do đó, Nga mong muốn "kết nối" sáng kiến của mình về Đối tác Đại Á-Âu, cũng như EAEU với các định dạng hội nhập đã có ở châu Á.

Có thể Nga hoặc EAEU sẽ cân nhắc trong việc ký kết một thỏa thuận về việc thành lập khu vực thương mại tự do với ASEAN hoặc RCEP. Tuy nhiên, trước khi hướng tới hội nhập sâu rộng ở châu Á, Nga sẽ điều chỉnh ưu tiên trong chiến lược kinh tế của mình, tập trung vào sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và giảm xuất khẩu nguyên liệu thô, khai thác hiệu quả Hiệp định FTA hiện có giữa EAEU và Việt Nam, Singapore. Sau đó Nga mới thúc đẩy việc ký kết các FTA theo hướng Đông và hội nhập vào chuỗi giá trị khu vực ở châu Á./.

Văn Thường/VOV-Moscow

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nga-va-bai-toan-hoi-nhap-kinh-te-voi-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong-820356.vov